Một đường dây tổ chức cho người Việt trốn sang Hàn Quốc

Chợ đêm phố ẩm thực truyền thống Haeundae tại TP. Gyeongsangnam-do dành cho người dân Hàn Quốc và du khách nước ngoài. (Ảnh minh họa: Anirut Thailand/Shutterstock)

Nhiều người Việt trả tiền để được làm giấy tờ xuất cảnh sang Hàn Quốc theo diện du lịch nhằm tìm cách trốn ở lại lao động.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh ngày 17/5 cho biết đã khởi tố vụ án đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành khác.

Bốn người bị khởi tố, bị cáo buộc cầm đầu tổ chức, là các ông/bà Bùi Thị Thúy Hạnh (SN 1985, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); Vũ Thị Thơm (SN 1978, trú tại quận Hải An, TP. Hải Phòng); Nguyễn Văn Chiến (SN 1985) và Trần Thị Chung (SN 1989, cùng trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Năm người khác bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố các bị can, cáo buộc đóng vai trò trung gian, gồm Nguyễn Thị Thìn (SN 1991, trú tại quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng); Võ Tiến Nghĩa (Sn 1993, trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh); Trương Thị Thủy (SN 1991, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh); Trần Minh Cương (SN 1965, trú tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) và Ưng Phú Hải (SN 1994, trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội).

Theo Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, đây là đường dây gồm nhiều người trong và ngoài nước cấu kết với nhau tổ chức cho người khác xuất cảnh sang Hàn Quốc theo diện du lịch rồi trốn ở lại lao động bất hợp pháp.

Theo tài liệu điều tra, những người trong đường dây trên tìm kiếm, nhận tiền và làm hồ sơ cho nhiều cá nhân trong cả nước. Sau đó thông qua Công ty TNHH Bảo Minh Group (trụ sở đăng ký tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), những người đăng ký được xuất cảnh sang Hàn Quốc theo diện du lịch, sau đó trốn ở lại lao động bất hợp pháp.

Còn nhiều cá nhân đã nộp tiền chi phí đến nay chưa xuất cảnh sang Hàn Quốc và chưa nhận lại được tiền đã đặt cọc.

Hiện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra vụ án.

Việc người Việt tổ chức trốn sang Hàn Quốc lao động trái phép đã diễn ra từ nhiều năm. Năm 2016, nhà chức trách Hàn Quốc loan tin tìm kiếm 56 du khách Việt Nam, được cho là mất tích sau khi họ cùng đoàn 155 người Việt tới đảo Jeju hôm 12/1.

Sau khi một nhóm 10 người được tìm thấy khi chuyển ra thuê nhà trọ, thêm một nhóm 9 người được tìm thấy, trong đó 3 người được tìm thấy khi đang làm việc tại một xưởng chế biến thực phẩm, 6 người bị phát hiện khi đang trong nhà trọ. Nhóm người này đã trả từ 1.000 – 2.000 USD cho một chuyến đi tham quan đảo Jeju kéo dài 6 ngày.

Tháng 10/2022, khoảng 100 người Việt Nam mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch qua sân bay quốc tế Yangyang, tỉnh Gangwon (nằm cách thủ đô Seoul hơn 100km về phía bắc). Vì sự việc trên, những hãng bay và các công ty du lịch có liên quan phải tạm dừng đưa khách du lịch đến đảo Yangyang, tỉnh Gangwon, đến hết ngày 31/10/2022.

Sơn Nguyên

Đường dây buôn bán động vật quý hiếm từ Trung ra Bắc bị phát hiện

Bị can Tống Thị Lành (trái) và bị can Phan Quốc Vương tại cơ quan công an. (Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn)

Một đường dây buôn bán động vật quý hiếm vừa bị phát hiện, 17 cá thể động vật hoang dã quý hiếm đã được bàn giao về vườn quốc gia.

Ngày 15/5, Công an thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết cơ quan này vừa làm thủ tục bàn giao 17 cá thể động vật hoang dã quý hiếm cho Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình).

Trước đó, Công an thị xã Nghi Sơn đã phát hiện đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ khu vực miền Trung ra miền Bắc tiêu thụ do Tống Thị Lành (SN 1984; ngụ thôn Tân An, xã Phú Nhuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) chủ mưu.

Tiến hành điều tra, khoảng 3h ngày 7/4, Công an thị xã Nghi Sơn đã phát hiện và kiểm tra hành chính đối với xe ôtô chở khách mang BKS 76B-003.17 đang dừng đỗ để trả hàng hóa tại Quốc lộ 1A (phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn).

Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện có một thùng xốp chứa 9 cá thể động vật tê tê đã chết và một thùng xốp khác chứa 17 cá thể động vật rùa đang còn sống cùng với nhiều tang vật khác có liên quan.

Mở rộng điều tra vụ án, Công an thị xã Nghi Sơn đã điều tra, xác minh và bắt tạm giam Phan Quốc Vương (SN 1994; ngụ xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng) là người đã gửi thùng xốp chứa 17 cá thể rùa còn sống.

Hiện Công an thị xã Nghi Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Tống Thị Lành và Phan Quốc Vương về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Bảo Khánh

Related posts