Trước lên án về vấn đề kiểm tra doping vận động viên bơi lội Trung Quốc, Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đã nhắc lại hôm thứ Sáu rằng các vận động viên bơi lội Trung Quốc “không sử dụng doping”, qua đó chỉ trích Cơ quan chống doping của Mỹ (USADA) đã “giả dối” khi chỉ trích nặng nề WADA.
Kể từ khi tờ New York Times tiết lộ cách đây một tháng rằng, 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc đầu năm 2021 có kết quả xét nghiệm dương tính với doping (chất trimetazidine) nhưng không bị truy cứu, WADA đã thành tâm điểm chỉ trích.
Vụ việc này trong một giải bơi quốc tế tổ chức đầu năm 2021 ở Thạch Gia Trang Trung Quốc, theo đó 23 vận động viên bơi Trung Quốc có kết quả dương tính với doping, nhưng vấn đề được giữ bí mật và các vận động viên không bị yêu cầu đình chỉ thi đấu hay bị xử phạt, trong đó có một số vận động viên 7 tháng sau vẫn được dự Thế vận hội Tokyo, còn một số cũng sẽ tham gia Thế vận hội Paris năm nay.
Trung tâm chống doping Trung Quốc kết luận trong một báo cáo rằng chất trimetazidine được phát hiện trong nhà bếp của khách sạn nơi các vận động viên bơi lội ở, do thức ăn bị ô nhiễm nên các vận động viên đã vô tình nhiễm phải một lượng nhỏ chất cấm. Tuyên bố chính thức là “các vận động viên liên quan không có lỗi hay sơ suất và không cấu thành vi phạm doping”, vì vậy “để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vận động viên, vụ việc sẽ không bị coi là vi phạm doping, và các bên liên quan không kháng cáo vụ việc cũng như kết quả kiểm tra sẽ không được công bố rộng rãi”.
WADA chấp nhận kết luận của Trung tâm chống doping Trung Quốc rằng “các vận động viên vô tội”, theo đó cho hay sau khi “xem xét cẩn thận” kết quả kiểm tra và mời các chuyên gia độc lập xem xét đã “không thể bác bỏ khả năng bị ô nhiễm trong nhà bếp của khách sạn “.
Tuy vậy, sau khi vấn đề được tiết lộ trên truyền thông, Trung tâm chống doping Mỹ cáo buộc WADA cố gắng che đậy vụ bê bối.
Ông Travis Tygart – người đứng đầu Cơ quan chống doping Mỹ, đã chỉ trích Cơ quan chống doping thế giới dung túng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che đậy vấn đề bê bối doping của vận động viên Trung Quốc. Ông cảnh báo vấn đề nếu tiếp tục có thể biến Olympic Paris thành thảm họa.
Ông Tygart chỉ ra: “Cơ quan chống doping quốc gia Trung Quốc không theo quy chuẩn chung đối với vận động viên Trung Quốc, cơ quan chống doping quốc tế có nhiệm vụ phải đảm bảo làm sao các quy định được thực thi một cách công bằng trên toàn thế giới, nhưng họ lại làm ngơ trường hợp không theo quy tắc chung của vận động viên Trung Quốc”.
Trước đó trong Thế vận hội Mùa Đông Sochi năm 2014, Nga đã bị vướng vào một vụ bê bối sử dụng chất kích thích, dẫn đến việc bị cấm thi đấu trong 4 năm. Điều này đã khiến 168 vận động viên phải tham gia Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang (Hàn Quốc) năm 2018 dưới danh nghĩa vận động viên độc lập.
Nhưng ông Tygart cho rằng vụ bê bối ở Trung Quốc có thể tồi tệ hơn, vì nổi bật vấn đề thất bại trong quản lý thể thao. Ông nói: “Tôi không biết liệu bằng chứng về việc nhà nước (Trung Quốc) hỗ trợ doping có hệ thống có thể so sánh với vụ việc ở Nga hay không, nhưng tôi nghĩ đối với những vận động viên không sử dụng doping thì vụ việc này còn đáng lo ngại hơn, vì cho thấy hệ thống phụ trách đại diện các nước đã sụp đổ”.
Trong bối cảnh Thế vận hội Mùa hè Paris đang đến gần, WADA hôm 25/4 đã chỉ định một công tố viên độc lập để xem xét lại cách xử lý vụ việc, nhằm xoa dịu cơn bão chỉ trích này để không gây ảnh hưởng tiêu cực Thế vận hội Mùa hè Paris.
Vào thứ Sáu, tại một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Quỹ của WADA với các thành viên từ giới thể thao và chính phủ các nước, Chủ tịch Witold Banka của WADA đã nhắc lại “đây không phải sự cố doping, mà là vấn đề sự cố ô nhiễm thực phẩm”.
Ông Witold Banka cũng kêu gọi Mỹ “tăng cường hệ thống chống doping”, nhấn mạnh rằng “WADA chưa bao giờ bao che cho vi phạm, nhưng hiện đang là mục tiêu lên án”.
Nhưng lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đến từ cựu chủ tịch WADA là Richard Pound (người Canada), cựu quan chức WADA đã công khai lên tiếng chỉ trích USADA. Ông cho biết ông “vô cùng thất vọng và ghê tởm trước những lời dối trá và xuyên tạc của USADA…. mục đích là làm tổn hại danh dự của WADA”.
Cựu chủ tịch đặt câu hỏi: “USADA được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, nước hiện có mối quan hệ lạnh nhạt với Chính phủ Trung Quốc. Giữa hai bên như vậy sẽ có quan hệ thế nào? Một nửa số tiền tài trợ của WADA đến từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).”
Tương tự, Phó chủ tịch WADA là Yang Yang người Trung Quốc cho biết, bà tức giận bị buộc tội vì bà là người Trung Quốc: “Thật không công bằng, tôi ngạc nhiên khi tính chính trực của tôi bị nghi ngờ mà không có bằng chứng”.
Ông Jean-Christophe Rolland (người Pháp) – thành viên IOC – mô tả cuộc tấn công vào WADA là “có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”. Ông nói thêm: “Tác động sẽ còn lớn hơn trong bối cảnh Thế vận hội Paris đến gần”.
Một số thành viên khác thì nhấn mạnh cần phải đệ trình kết quả điều tra độc lập trước Thế vận hội Paris (26/7 – 11/8).
Chủ tịch đương nhiệm Witold Banka cho biết: “Thật không may là vụ việc này gây nghi ngờ về tính trung thực đối với Thế vận hội Paris sắp tới, thực tế không phải vậy”.
Không có đại diện Mỹ trong ban quản trị của Quỹ WADA có trụ sở tại Montreal.
Mộc Vệ (t/h)