Pháp đã tiến hành một “chiến dịch lớn” tại vùng lãnh thổ New Caledonia ở Thái Bình Dương đang bị bạo loạn nhằm giành lại con đường quan trọng nối sân bay với thủ phủ Noumea của lãnh thổ này. Quần đảo nằm ở phía đông nước Úc này đã rơi vào tình trạng bất ổn và xung đột, vốn khởi phát từ cuộc cải cách bầu cử gây tranh cãi do Paris thúc đẩy.
Theo các nhà chức trách Pháp, hơn 600 hiến binh, trong đó có 100 nhân viên từ đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của Paris, đã được điều động đến New Caledonia để giành lại quyền kiểm soát Tuyến đường Territoriale 1 dài 60 km và dọn dẹp các rào chắn do người biểu tình dựng lên.
Hôm Chủ nhật (19/5), đăng bài trên X (trước đây là Twitter), Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmain cho biết, chiến dịch đã thành công, với 76 hàng rào chắn bị dỡ bỏ. Ông cho biết thêm, 200 người đã bị bắt giữ, nhưng đường cao tốc vẫn bị đóng bởi vì việc dọn dẹp các mảnh vỡ có thể phải mất thêm vài ngày.
Vụ bạo loạn nổ ra vào ngày 13/5 và đến nay đã cướp đi sinh mạnh của 6 người. Các nhà hoạt động người bản địa Kanak đang phản đối việc cải cách hiến pháp sẽ cho phép những người đến New Caledonia sau năm 1998 được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Các nhà hoạt động tin rằng sự thay đổi này sẽ làm giảm quyền lực của người dân bản địa để ủng hộ những người định cư Pháp. Các cuộc biểu tình ôn hòa đã nhanh chóng biến thành bạo lực và cướp bóc. Các quan chức địa phương đã so sánh vụ bạo loạn này với cuộc nổi dậy vũ trang ủng hộ độc lập ở New Caledonia vào những năm 1980.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật (19/5), ông Louis Le Franc, cao ủy Pháp tại New Caledonia, nhấn mạnh: “Trật tự của nền cộng hòa sẽ được thiết lập lại bằng bất cứ giá nào.” Ông cảnh báo rằng những kẻ bạo loạn “sẽ gặp rủi ro tồi tệ nhất” nếu họ không thoái lui.
Trở thành thuộc địa của Pháp vào thế kỷ 19, New Caledonia hiện là nơi sinh sống của 270.000 người, trong đó người bản địa Kanak chiếm khoảng 40%. Mặc dù phần lớn quyền lực của lãnh thổ này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Pháp trong thời hậu thuộc địa, nhưng quần đảo này đã được trao nhiều quyền tự trị hơn vào năm 1998. Trước năm này, những người dân địa phương sống ở đó bị hạn chế quyền bầu cử.
Hôm 19/5, các thống đốc của 4 vùng lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp, gồm La Reunion ở Ấn Độ Dương, Guadeloupe và Martinique ở Caribe, và Guiana thuộc Pháp ở Nam Mỹ, đã thúc giục chính phủ Pháp hủy bỏ cuộc cải cách này, khi lập luận rằng “chỉ có phản ứng chính trị mới có thể ngăn chặn bạo lực gia tăng và ngăn chặn một cuộc nội chiến.”
New Caledonia đã từ chối độc lập khỏi Pháp trong các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào các năm 2018, 2020 và 2021. Cuộc trưng cầu dân ý năm 2021 đã bị thất bại do số lượng người đi bỏ phiếu thấp và lời kêu gọi tẩy chay của những nhà hoạt động Kanak, những người muốn cuộc trưng cầu dân ý bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.
Gia Huy (Theo RT)