Khi giá nước, điện và gas đang tăng, người dân Trung Quốc không dám tiêu tiền, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại ngụy trang tìm kiếm tiền gửi để giảm bớt khủng hoảng, nhưng liệu việc đó có thành công hay không? Cuộc khủng hoảng tài chính đang đến gần, Trung Quốc đang tăng giá ở trong nước và bán phá giá hàng hóa ra bên ngoài, nhưng việc kích thích nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại một lần nữa ‘gây quỹ’ cho ông Tập
Vào thứ Sáu, ngày 17/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu bán ‘trái phiếu siêu dài hạn’ trị giá 1.000 tỷ Nhân dân tệ (RMB). Điều này tương đương với việc ông Tập Cận Bình đột nhiên đi vay một nghìn tỷ RMB, với số tiền lớn như vậy, ông Tập sẽ tiêu tiền như thế nào?
Đặc điểm của ‘trái phiếu đặc biệt’ này là chính phủ có thể sử dụng chúng cho bất kỳ mục đích nào, hoặc ‘dành riêng quỹ’. Chúng không được tính vào thâm hụt tài chính và do đó không phải tuân theo bất kỳ quy định về ngân sách tài chính dài hạn nào; trái phiếu có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.
Việc phát hành nợ quốc gia này đã thu hút nhiều sự chú ý. Thế giới bên ngoài đang theo dõi chặt chẽ xem lô nợ quốc gia này sẽ được sử dụng như thế nào. Ai cuối cùng sẽ nắm giữ những trái phiếu này? Chính quyền Trung Quốc nói: “Nó được sử dụng để thực hiện các chiến lược lớn của quốc gia và xây dựng năng lực an ninh ở các khu vực trọng điểm”. Tuy nhiên, mục đích thực sự của chính quyền Trung Quốc có lẽ là dùng số tiền này để tránh khủng hoảng tài chính.
Trước hết, rõ ràng là chính quyền Trung Quốc không có tiền! Hãy nói về một số ví dụ gần đây. Giá nước, điện và gas đã bắt đầu hoặc sắp bắt đầu tăng trên toàn quốc. Các công ty năng lượng của Trung Quốc đều là doanh nghiệp lớn của nhà nước, mục đích tăng giá điện nước là để tăng doanh thu cho chính quyền.
Sau đó, trong dân chúng, ngày 11/5, hơn 600 phụ huynh Trường Tiểu học Thư Sinh ở Đài Châu, tỉnh Chiết Giang đã nhận được thông báo từ nhà trường. Vì chính quyền không trả được “phí dịch vụ giáo dục” nên hoạt động của trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để đảm bảo hoạt động của trường phát triển bình thường, nhà trường đã quyết định tạm thời thu học phí 20.000 RMB cho mỗi học sinh. Điều này cho thấy chính quyền địa phương của Trung Quốc không có tiền để duy trì cái gọi là “giáo dục bắt buộc”.
Thứ hai, hãy nhìn vào dữ liệu tài chính. Vào ngày 11/5/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố số liệu thống kê tài chính cho tháng 4. Dữ liệu cho thấy M1 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, quy mô tài chính xã hội cũng giảm 1,42 nghìn tỷ RMB so với cùng kỳ năm trước và chỉ có M2 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để giải thích những con số này, trước tiên chúng ta phải hiểu chúng đại diện cho điều gì.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, M1 là lượng cung tiền hẹp, bao gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng và tiền gửi không kỳ hạn của các doanh nghiệp, tổ chức; M2 là lượng cung tiền rộng, bao gồm M1 cộng tiền gửi có kỳ hạn của các doanh nghiệp và các tổ chức cộng với số dư tiết kiệm của cư dân. Quy mô tài chính xã hội, là tổng số tiền mà nền kinh tế thực vay từ hệ thống tài chính, nhưng không bao gồm tiền được vay bởi nền kinh tế phi thực tế. Ví dụ, tiền vay của các tổ chức phi ngân hàng sẽ không được tính là một phần của nguồn tài chính xã hội.
M2 và nguồn tài chính xã hội phản ánh hai mặt của cùng một sự việc, lần lượt mô tả bên cung và bên cầu của các tổ chức tài chính. M2 là bên cung, phản ánh cung tiền trong toàn xã hội; tài chính xã hội là bên cầu, phản ánh nhu cầu về tiền trong toàn xã hội.
Sự khủng hoảng tài chính sắp xảy ra
Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại dữ liệu tài chính trong tháng 4, M2 tăng, nhưng M1 giảm, điều này cho thấy mọi người để phần lớn tiền vào các tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và không sẵn sàng sử dụng những số tiền đó để tiêu dùng hoặc đầu tư. Điều này làm giảm tính thanh khoản của tiền tệ, và tiêu dùng chậm chạp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Nói chung, hễ tổng tín dụng xã hội càng lớn thì kinh tế thực thể càng tốt. Nhưng hiện nay tín dụng xã hội đang bị thu hẹp, cho thấy nền kinh tế thực đang suy thoái. Nhìn chung, điều này cho thấy năng lực tài chính của Trung Quốc đang suy giảm, nếu không ứng phó kịp thời sẽ gây ra khủng hoảng tài chính.
Một mặt, tình hình kinh tế hiện tại đang đi xuống, chi tiêu của doanh nghiệp và chi tiêu cá nhân đang giảm, mức độ sẵn sàng đầu tư thấp. Lúc này, nếu chính quyền Trung Quốc phát hành trái phiếu, các tổ chức hoặc cá nhân mua trái phiếu, coi đó như một hình thức tiết kiệm, thì chính quyền Trung Quốc thực chất đang thu hút các nguồn vốn trong xã hội lại, trong khi người dân không chi tiêu, chính quyền sẽ tự mình ra tay tiêu tiền thay họ. Điều này cũng giống như việc Ngân hàng Trung ương tuyên bố thành lập khoản tái cấp vốn trị giá 300 tỷ RMB cho nhà ở xã hội vào thứ Sáu vừa qua – khi người dân không mua nhà, chính quyền sẽ ra tay mua nhà thay.
Mặt khác, nói cụ thể hơn, thứ gì mạnh đến mức có thể trở thành quả bom hạt nhân gây ra khủng hoảng tài chính?
Lịch sử trái phiếu đặc biệt của Trung Quốc
Trên thực tế, Trung Quốc đã phát hành cái gọi là ‘trái phiếu kho bạc đặc biệt’ 5 lần trước đó. Tính cả lần này, đã là lần thứ 6. Khoảng cách giữa lần thứ nhất và lần thứ 2 là 9 năm, khoảng cách giữa lần thứ 2 và lần thứ 3 là 10 năm, khoảng cách giữa lần thứ 3 và lần thứ 4 là 3 năm, khoảng cách giữa lần thứ 4 và lần thứ 5 là 2 năm 6 tháng, và khoảng cách giữa lần thứ 5 và thứ 6 là 1 năm 4 tháng. Khoảng thời gian này ngày càng ngắn hơn. Trong số 6 lần phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt này, chỉ có 2 lần là siêu dài hạn, và ở một lần khác, có một phần trái phiếu là siêu dài hạn.
Lần đầu tiên là trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998, khi 270 tỷ RMB trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn 30 năm được phát hành để bổ sung vốn cho các ngân hàng quốc doanh; lần thứ 2 là vào năm 2007, khi 1,55 nghìn tỷ RMB trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 đến 15 năm được phát hành để mua 200 tỷ USD ngoại hối làm vốn đăng ký khi Công ty Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc được thành lập; lần thứ 3 là vào năm 2017, khi 696,4 tỷ RMB được phát hành như một sự tiếp nối của khoản nợ quốc gia đặc biệt năm 2007, tức là nợ mới được vay để trả nợ cũ; lần thứ 4 là vào tháng 6/2020, khi một nghìn tỷ RMB trái phiếu kho bạc kỳ hạn từ 5 đến 7 năm được phát hành, được cho là dùng để chống dịch; lần thứ 5 là vào tháng 12/2022, khi 750 tỷ RMB trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 năm được phát hành, giống như lần năm 2017, là sự tiếp nối của năm 2007, vay mới để trả nợ cũ.
Đến năm nay là lần thứ 6, một nghìn tỷ RMB sẽ được phát hành lần đầu, với kỳ hạn lần lượt là 20 năm, 30 năm và 50 năm. Đợt phát hành đầu tiên được thực hiện vào ngày 17/5, và sẽ hoàn tất vào giữa tháng 11, được chia thành 22 đợt phát hành. Hơn nữa, trong những năm tới, chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục phát hành các đợt trái phiếu đặc biệt liên tiếp.
Ngoài những đợt phát hành trái phiếu đặc biệt để tái cấu trúc nợ, những đợt phát hành chính yếu nhất bao gồm: Năm 1998, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, để bổ sung vốn cho 4 ngân hàng lớn; năm 2007, cung cấp vốn ban đầu cho Quỹ Tài sản Quốc gia; năm 2020, để phục vụ công tác kiểm soát đại dịch, nhưng thực tế nhiều người nghi ngờ là để lấp khoản thâm hụt ngân sách.
Những lần phát hành trái phiếu trước đây đã thể hiện tính đa năng và tầm quan trọng chiến lược của công cụ trái phiếu đặc biệt này. Việc chính quyền Trung Quốc lại sử dụng công cụ tài chính hiếm hoi này một lần nữa thực chất là để thể hiện rằng lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã ý thức được việc khủng hoảng đang đến gần.
Tìm cách tiêu 1.000 tỷ Nhân dân tệ
Chính quyền Trung Quốc rất mơ hồ về cách sử dụng 1.000 tỷ RMB này.
Các nhà phân tích nước ngoài kỳ vọng rằng phần lớn số vốn sẽ được sử dụng để giảm nguồn cung dư thừa trong ngành bất động sản đang gặp khó khăn, đó là điều mà cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã yêu cầu vào ngày 30/4, nhằm thực hiện các biện pháp hấp thụ nguồn cung nhà ở hiện có. Một số mô hình đã được đề xuất, trong đó chính phủ về cơ bản là sẽ mua nhà từ những chủ nhà muốn đổi nhà hoặc từ những nhà phát triển đang gặp khó khăn. Trên thực tế, việc thực hiện và tác động của 2 biện pháp này còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc đề cập rằng ‘trái phiếu đặc biệt’ sẽ được sử dụng để “thực hiện các chiến lược quốc gia lớn và xây dựng năng lực an ninh trong các lĩnh vực trọng điểm”, cùng với khẩu hiệu mới của ông Tập: “năng suất chất lượng mới”, cho thấy ngành bất động sản sẽ không được hưởng lợi chính từ khoản nợ quốc gia này.
Việc làm thế nào để tiêu món nợ quốc gia 1.000 tỷ RMB này đang thử thách sự nhạy bén chính trị của đội ngũ của ông Tập vào “thời điểm quan trọng” này. Nếu ông Tập coi “ba lĩnh vực mới”: năng lượng mới, pin lithium và các sản phẩm quang điện là “lĩnh vực chiến lược và then chốt”, và khi các nước Châu Âu và Châu Mỹ đang đua nhau trấn áp việc xuất khẩu “ba lĩnh vực mới”, việc đầu tư để mở rộng sản xuất là lãng phí tài nguyên.
Sau đó là hoạt động Nghiên cứu và Phát triển và sản xuất mạch tích hợp (IC), được coi là “việc thực hiện các chiến lược lớn của quốc gia và xây dựng năng lực an ninh trong các lĩnh vực trọng điểm”. Tuy nhiên, việc tự túc sản xuất IC không phải đơn giản, bởi ngành IC luôn là dự án hợp tác giữa nhiều quốc gia nên rất khó để thực hiện một mình.
Vậy số tiền còn lại dùng vào đâu? Chính quyền Trung Quốc khoe khoang rằng GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay. Vì vậy, một trong những mục đích của Trung Quốc là chi tiền để duy trì sự tăng trưởng GDP, và mục đích thứ hai là ngăn chặn nợ địa phương bùng nổ.
Lối thoát duy nhất cho tương lai là Ngân hàng Trung ương phải chi tiền mua trái phiếu địa phương. Mặc dù ngân hàng trung ương không trực tiếp mua trái phiếu dài hạn, việc bán trái phiếu chính phủ không liên quan đến việc in tiền, nhưng điều này đang phát triển từng bước; số tiền mà Ngân hàng Trung ương thu được từ việc bán trái phiếu quốc gia vẫn được chuyển đến các chính quyền địa phương và cuối cùng chính quyền địa phương sẽ không có khả năng trả lại. Chẳng phải điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương sẽ trả nợ cho các chính quyền địa phương sao?
Vậy ai sẽ nắm giữ những trái phiếu siêu dài hạn này? Theo ước tính của Bloomberg, các ngân hàng thương mại nắm giữ khoảng 65% trái phiếu chính phủ Trung Quốc, khoảng một nửa trong số đó đến từ 6 tổ chức cho vay lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, khi Trung Quốc có kế hoạch bán trái phiếu thông qua đấu giá công khai trên thị trường liên ngân hàng, những thực thể cho vay nhỏ hơn trong khu vực có thể sẽ giành được miếng bánh.
Thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với trái phiếu dài hạn như trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã giảm 50 điểm cơ bản so với một năm trước. Các tổ chức tín dụng nhỏ, đang gặp tình trạng thừa vốn và thiếu cơ hội đầu tư, đang đổ xô vào mua trái phiếu chính phủ, điều này đã gây ra lo ngại cho các cơ quan quản lý. Họ lo rằng những tổ chức này đang đầu cơ trái phiếu chính phủ, khiến bản thân họ phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn tiềm ẩn.
Liệu cuộc đấu giá cực lớn này có gieo mầm mống cho sự thất bại của Ngân hàng Thung lũng Silicon phiên bản Trung Quốc hay không? Thất bại của Ngân hàng Thung lũng Silicon năm ngoái là một ví dụ cảnh báo: Ngân hàng Mỹ này đã đổ hàng tỷ USD vào trái phiếu dài hạn với kỳ vọng rằng lãi suất sẽ ổn định, nhưng vụ đặt cược lớn của họ đã kết thúc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ. Mặc dù thị trường trái phiếu chính phủ của Trung Quốc khác với thị trường Mỹ nhưng không thoát khỏi những đợt bán tháo trái phiếu.
Tăng giá trong nước và bán phá giá bên ngoài, vẫn khó kích thích nền kinh tế
Trên thị trường hiện nay có hai quan điểm. Một là bất động sản đang trên bờ vực sụp đổ, hai là bất động sản tuy đang trên bờ vực sụp đổ nhưng lợi thế của ngành sản xuất vẫn còn. Nhưng xét theo quy mô tài chính xã hội ngày càng thu hẹp, ngành sản xuất thực tế cũng đang suy thoái.
Trên thực tế, nếu người dân không đầu tư vào bất động sản, chính phủ chỉ có thể làm được bấy nhiêu vì ngay cả khi chính phủ không mở rộng đầu tư thì nợ của họ trên thực tế sẽ tăng lên. Bởi vì có rất nhiều khoản chi cố định hàng năm, bao gồm cả chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng, nên giá đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, nước, điện và gas sẽ tăng. Và đây chỉ là đợt tăng đầu tiên, chắc chắn sẽ không đủ trong tương lai. Giá cả tiếp tục tăng từ nhiều phương diện khác nhau, chẳng hạn như bí mật tăng thuế giá trị gia tăng, tăng cơ sở an sinh xã hội, v.v.
Khi đó nền kinh tế tương lai chắc chắn sẽ dựa vào ngoại thương, bởi vì không ai còn tin rằng nhu cầu trong nước có thể thúc đẩy nền kinh tế, kể cả chính ông Tập Cận Bình. Do đó, ĐCSTQ tuyệt vọng phủ nhận tình trạng ‘dư thừa công suất’ và đang tìm mọi cách để đổ nó ra nước ngoài.
Có một số vấn đề khi dựa vào ngoại thương. Thứ nhất, số lượng không đủ. Mặc dù xuất khẩu ô-tô tăng vọt nhưng trên thực tế, ô-tô là ngành công nghiệp trụ cột của các nước công nghiệp lớn, và Châu Âu và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ hạn chế mua ô-tô của Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản, mặc dù ngành ô-tô đã trở nên mạnh mẽ, nhưng vẫn không thể kéo toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản. Mặc dù Trung Quốc đang thống trị thị trường xe điện toàn cầu, nhưng việc Trung Quốc độc chiếm thị trường này là không khả thi.
Thứ hai, việc kiểm soát kinh tế vĩ mô thất bại. Trước đây, ngoại thương chỉ là một trong ‘ba trụ cột’ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Giờ đây, hai trong số những ‘trụ cột’ đó đã bị đình trệ: bất động sản và cơ sở hạ tầng. Không thể chỉ dựa vào ngoại thương để thúc đẩy nền kinh tế, chưa kể việc Châu Âu và Hoa Kỳ đang dần tách khỏi Trung Quốc.
Thứ ba, ngay cả khi Trung Quốc thống lĩnh các khu vực như ngoại thương, ô-tô hay chất bán dẫn, thực tế thu thuế từ những lĩnh vực này cũng không thể bù đắp được khoản chi tiêu công ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc. Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu đặc biệt để kích thích đầu tư trong ngắn hạn, nhưng nhiều khoản đầu tư này chỉ là ‘vay mới trả cũ’ hoặc lãng phí, không thể duy trì được lâu dài. Trong khi cố gắng duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, một mặt tăng chi phí công ích, mặt khác tăng thuế, tăng an sinh xã hội, Trung Quốc đồng thời phải nỗ lực duy trì ổn định giá bất động sản – đây là các khoản chi phí cứng. Kết quả là sẽ dẫn đến việc suy yếu dần ngành sản xuất.
Dựa vào ngoại thương là không bền vững. Vì vậy, ông Tập chỉ có hai lựa chọn:
Thứ nhất, học theo Hoa Kỳ, in tiền và trở thành quốc gia tiêu dùng: Lựa chọn này đòi hỏi Trung Quốc phải tăng chi tiêu cho người dân, từ đó kích thích nhu cầu nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Tập đã bác bỏ khả năng này, có thể do lo ngại về tác động tiêu cực đến ngân sách quốc gia và khả năng lạm phát.
Thứ hai, đột phá công nghệ, tập trung vào lĩnh vực cao cấp thay vì cạnh tranh giá rẻ: Lựa chọn này hướng đến việc Trung Quốc nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, phát triển các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khả năng thực hiện điều này còn có nhiều nghi vấn, đặc biệt khi Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro “chảy máu chất xám” và bị cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Với tư cách là một công dân bình thường, các chuyên gia vẫn khuyên bạn không nên mua trái phiếu chính phủ siêu dài hạn. Trong thời hạn của trái phiếu chính phủ, liệu chính quyền cộng sản Trung Quốc có thể vẫn tồn tại hay không? Một ngày nào đó tờ trái phiếu ấy liệu có trở thành một mảnh giấy vụn hay không?
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch