Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga – Ukraine, Nga và Triều Tiên ngày càng trở nên thân thiết hơn. Ông Putin không chỉ có cuộc gặp hiếm hoi với ông Kim Jong-un mà còn tặng ông Kim Jong-un một chiếc ô-tô sang trọng. Một phát ngôn viên của Điện Kremlin gần đây nói với phương tiện truyền thông nhà nước Nga rằng đang có các thỏa thuận để Tổng thống Putin tới thăm Triều Tiên. Có tin Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại cảm thấy bất an khi mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên trở nên thân thiết.
Theo tờ Wall Street Journal, các nhà ngoại giao và quan chức cho rằng khi mối quan hệ giữa ông Putin và ông Kim Jong-un ngày càng thân thiết, người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình, ngày càng trở nên bất an. Ông Putin và ông Kim Jong-un là hai đối tác quốc tế quan trọng nhất nhưng cũng bất ổn nhất của ông Tập Cận Bình.
Trên thực tế, trước khi ông Putin đến thăm Trung Quốc vào tuần trước, phía Trung Quốc đã lo ngại rằng ông Putin sẽ trực tiếp thăm Triều Tiên sau chuyến thăm Trung Quốc. Các nhà ngoại giao và quan chức nói với Wall Street Journal rằng nếu ông Putin làm điều này, có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại của phương Tây về ‘trục chuyên chế 3 bên’, điều này sẽ dẫn đến sự cô lập quốc tế lớn hơn nữa đối với Bắc Kinh trong lĩnh vực ngoại giao.
Hiện Trung Quốc đang bị các nước phương Tây lên án vì ngấm ngầm ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và không tham gia các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Hoa Kỳ và Châu Âu là những thị trường quan trọng đối với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Mỹ – Trung hoặc Âu – Trung ngày càng xấu đi sẽ chỉ gây tổn hại cho các công ty Trung Quốc và làm nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Bà Tôn Vận, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói rằng Bắc Kinh đang tránh tạo ấn tượng rằng Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang tham gia hợp tác 3 bên nhằm tránh bị ràng buộc bởi 2 đối tác khó lường này.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc tạm thời cảm thấy nhẹ nhõm vì ông Putin không trực tiếp đến thăm Triều Tiên sau chuyến thăm Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa là ông Putin không có kế hoạch thăm Triều Tiên.
Ngày 18/5, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS rằng việc sắp xếp cho chuyến thăm Triều Tiên của ông Putin đang tiến triển suôn sẻ.
“Đang chuẩn bị cho chuyến thăm”, ông Peskov nói nhưng không thông báo ngày cụ thể cho chuyến đi.
Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên trở nên phức tạp hơn khi ông Kim Jong-un tìm cách giảm sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Động thái nổi bật nhất của ông Kim là công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Nga và cung cấp vũ khí cho chính quyền của ông Putin.
Nga và Triều Tiên vẫn chưa tiết lộ cho Trung Quốc những gì ông Putin và ông Kim Jong-un đã thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi vào mùa thu năm ngoái, những người quen thuộc với vấn đề này nói với Wall Street Journal, khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc phải hỏi những người đồng cấp phương Tây về thỏa thuận mà ông Putin và ông Kim Jong-un đã đạt được.
Những người này cho biết, chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng Nga có thể giúp Triều Tiên tăng cường năng lực hạt nhân.
Ông Chee Meng Tan, Giáo sư bậc I tại Đại học Nottingham Malaysia và chuyên gia về chính trị của Trung Quốc, viết trên The Conversation rằng chính quyền Trung Quốc thực sự lo lắng rằng nếu Triều Tiên trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân trưởng thành, nước này thậm chí có thể cho nổ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Trung Quốc.
Điều này nghe có vẻ lạ nhưng thực ra không phải là không thể. Ông Chee Meng cho rằng Triều Tiên từng là nước chư hầu của Trung Quốc. Vì vậy, khi ĐCSTQ can thiệp vào tiến trình Chiến tranh Triều Tiên và thậm chí bình thường hóa quan hệ với kẻ thù chính của Triều Tiên, những hành động như vậy không chỉ khiến Triều Tiên tức giận mà còn mở ra vết thương lịch sử khi là nước chư hầu của Trung Quốc.
Ông Chee Meng nói rằng, nếu Bắc Kinh muốn duy trì một chỗ đứng đáng kể ở Triều Tiên, Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của các nước khác tại Triều Tiên. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận theo hai hướng. Đầu tiên, Trung Quốc cử Chủ tịch Quốc hội, Triệu Lạc Tế, tới Triều Tiên vào tháng trước để tái khẳng định việc cam kết ủng hộ người lãnh đạo Kim Jong-un. Thứ hai, Trung Quốc cung cấp vũ khí và công nghệ cho Nga để giảm sự phụ thuộc của Nga vào Triều Tiên về mặt vũ khí.
Trước những cáo buộc từ Mỹ và Châu Âu, Trung Quốc luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đưa Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn. Ông Putin tìm kiếm vũ khí từ Triều Tiên, trong khi Triều Tiên tìm kiếm sự giúp đỡ hạt nhân của Nga. Tờ Wall Street Journal nói, các nhà phân tích chú ý đến quan hệ Nga – Triều cho rằng ông Kim Jong-un phải hành động thận trọng vì nếu một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim cần dự trữ đạn dược để bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông Kim cũng mong muốn có ông Putin đứng về phía mình như một nguồn lực khả thi để cải thiện các chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch