Minh Thùy
25-5-2024
Xem các clip video trên YouTube mỗi ngày, thấy hình ảnh “ngôi sao đang lên” đầu trần, chân đất, y áo vá chằng vá đụp, ôm bình bát, đi như chạy trốn dòng người đu chen bám theo, ngày càng đông, mà ngao ngán. Thế kỷ 21 mà dân mình vẫn như ở thời kỳ đồ đá, đồ nhôm (xưa là đồ nhôm, giờ là đồ nhảm).
Không phải từng ngày mà từng giờ đều có clip mới tranh nhau đưa lên, chỉ một cảnh duy nhất: Người ôm bình bát đi trước, cả rừng người ùn ùn chạy theo, như đàn vịt tự lùa nhau đi, chen lấn, mong được sát bên thầy, chắp tay niệm Phật, cố dâng lên thầy gói bánh, gói xôi, chai nước… thậm chí cả phong bì, cái đồng hồ, mà thiên hạ lúc đầu đồn ầm ĩ là thỏi vàng.
Não lòng thật, thầy cứ nói đi nói lại, đến khô miệng: “Gặp thì đã gặp rồi, (ý nói đã nhìn thấy mặt mũi thầy rõ rồi) con đâu phải là Hollywood (đúng vậy, thầy đâu phải siêu sao như Brad Pitt hay Leonardo diCaprio) thôi xin mọi người về nhà, lo việc nhà, đi theo làm cản trở lưu thông, làm phiền nhiều người khác, mà người tu cũng cần có lúc làm việc riêng…” đến nỗi khi thầy lội vô bãi sau vũng nước để làm việc riêng hay tắm một chút mà cũng có một bà sồn sồn bám theo.
Một đám YouTuber bám theo, nông cạn, ích kỷ và vụ lợi, chỉ muốn tạo clip kiếm tiền từ YouTube, không biết kiếm được nhiều chưa, chắc khá rủng rỉnh nên càng bám chặt, như đám đỉa dính chặt da người mà hút máu. Khỏi cần kiếm việc làm gì cho tốn sức lao động, chỉ cần cái phone hiện đại, cái micro, nói năng còn ngọng, viết một câu không xong, toàn sai chính tả, chả có nội dung gì, rỗng không, nhờ lượng người view khá lên, nhờ đu bám mà thành nổi tiếng, dám có lúc chiếm nút bạc, nút vàng YouTube. Đây là đám người mừng rơn nhất, vì có sự kiện kiếm tiền sau mấy vụ “Thiền Am bên bờ vũ trụ“, vụ bà Nguyễn Phương Hằng, vụ mẹ kế đánh chết con chồng, vụ con nuôi nghệ sĩ Vũ Linh…
Một đám u mê cuồng tín, đàn ông, đàn bà, già trẻ, sồn sồn, rần rần chạy theo như lên đồng. Dưới sức nắng gay gắt của miền trung, hay dưới cơn mưa lũ, người không dù, không áo tơi cũng chịu ướt mà đu theo. Có bà dắt theo đứa bé, mới 8-9 tuổi đi dưới cơn mưa nặng, thật tội cho bé. Có bà đi từ xa, bỏ xe bên đường, không khóa, lao vào đám đông, khi quay lại mất xe, khóc mếu.
Một đám sư nữ theo đạo nhân quả gì đó, gồm cả bà già tóc bạc trắng, hai cô gái trẻ chưa tới 20, mặt khờ câm như bị thuốc mê, xúm nhau tự cạo trọc đầu giữa chốn đông người, khi bị chất vấn về đạo pháp thì nói huyên thuyên mấy câu lý thuyết Phật pháp, bản thân cũng chả hiểu gì, cũng ăn theo thầy để phát sách và giảng đạo mới sáng lập.
Và bây giờ nghe tin có 3.000 người Ấn Độ đang xin visa đến Việt Nam để chiêm ngưỡng “đức Phật mới xuất hiện”. Thêm một Việt kiều tự nói mới từ Anh về, đi máy bay đến tận nơi xin đảnh lễ thầy, cảm xúc trước hành động mà thầy cảm thấy chân thật, nên thầy đã tặng cho anh này cái bình bát-nồi cơm điện tự chế-của thầy, và giờ thì nó được cho vào lồng kính, đặt ngay nơi chính điện tại một ngôi chùa ở London! Mô Phật, lành thay! Biết đâu sau này nó thành vật linh thiêng của một vị bồ tát đắc đạo.
Thầy ngày càng mệt mỏi, như kiệt sức, không biết làm sao thoát khỏi đám đỉa đói này. Bản thân tôi theo đạo Phật, nhưng không xem đạo Phật như tôn giáo, mà là một triết lý sống, nên tôi nhìn ông Minh Tuệ như là một người tu hành đang tự tìm hướng đi, tu sửa bản thân, đơn giản thế thôi.
Ông đã đi mấy năm rồi, đi từ bắc vô nam rồi từ nam lại ra bắc, xưng con với mọi người, chỉ khất thực qua ngày, ngủ bờ bụi, hay ở nghĩa trang, để tìm cái gì, hướng tới đâu, để trở thành gì… cái đó chỉ có ông biết. Tất nhiên ông phải đi, vì ông đâu có chùa nào để tịnh tu một chỗ, mùa mưa ông tìm vào hang hốc trên núi nghỉ ngơi. Đi, cô độc mà nghỉ cũng cô đơn.
Đám đông không buông tha ông, họ tưởng được cúng dường cho ông, được sờ vô y áo ông, nắm tay ông, thì họ được phước (chắc nhờ phước đức này mà ăn nên làm ra, trúng số, trúng mánh, mau làm giàu) nên cứ sì sụp lạy ông, dù ông không hề muốn. Nhìn ánh mắt họ hướng về ông cứ như mê mẩn vị thần linh nào mà phát hoảng. Muốn hét lên với họ: Hãy tỉnh lại đi, hãy bỏ tham lam u mê đi!
Tôi e ngại là đến lúc nào đó, có kẻ cuồng tín đến độ lên cơn ôm chầm lấy ông, rồi mấy tay tự nhận là hộ pháp hay thị giả theo hầu ông, sẽ nhảy đến ngăn cản, kéo ra… thành xô xát “tác động vật lý” loạn đả với nhau, có khi đến đổ máu… và công an phải vào cuộc, thì họa may mới tỉnh cơn mê.
Bỗng dưng tôi nhớ đến một phim xưa kể chuyện thời trung cổ bên Âu châu, một bé gái chừng 13 tuổi bỗng dưng có thai, sinh ra một bé trai, mà cô nói đó là em cô, cô chưa từng biết đến đàn ông. Khoa học ngày nay đang nghiên cứu có trường hợp song thai hiếm hoi, thai nhi sinh đôi, nhưng lại đậu vào trùng thai với bé kia, đến thời điểm thích hợp nó phân ly ra, dĩ nhiên đây phải là bé gái. Ở thời trung cổ, người ta cho cô bé này nói láo, bị hãm hiếp nhưng không dám khai ra người làm hại mình, bắt giam cô, tra tấn, đến kết cuộc kinh khủng là bọn cha đạo (hồi xưa theo thần quyền, pháp luật thuộc về đạo giáo, cha đạo được quyền xử phạt ở tòa án) đã cho phép một đám đàn ông trẻ, xông vào hãm hiếp tập thể, xâu xé cô bé đến chết. Và đứa bé trai mà cô sinh ra, bị quăng vào đám đông man rợ để giết, xé đứa bé thành từng mảnh mà ăn, nhai, nuốt vì cho đó là linh thiêng, sẽ trợ phúc cho bản thân họ.
Thú thật, chỉ xem nửa phim là tôi bỏ cuộc, tắt máy, không thể nào xem đến đoạn kết, mà cảnh cuồng tín, man rợ vẫn ám ảnh tôi.
Tôi cũng đã xem vài bộ phim về những người Tibet tu theo mật tông, một số người đi hành thiền, tam bộ nhất bái, giữa mùa đông băng giá, cô đơn trên đường thiên lý, thấy quá nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng, thú thật tôi không ủng hộ kiểu hành đạo ép xác như vậy, vì với tôi, Phật tại tâm, Phật có ở trên thiên đường hay nơi cao sơn nào mà phải vừa đi vừa lạy mới tới được Đức Phật mà đảnh lễ.
Hãy để ông Minh Tuệ yên ổn với con đường ông đi, đâu có phiền hà gì ai, đâu gây rắc rối cho đoàn thể nào, cho Phật giáo Việt Nam, cho cuộc đời… Ông chẳng rao giảng gì, chẳng muốn thành nhân vật của thế kỷ để tên tuổi được ghi vào Guinness.
Có người còn đặt câu hỏi: Ông đã làm được gì cho đời, cho đạo mà sùng kính ông? Đúng vậy, đến giờ ông chả làm gì cho đời, cho người. Ông nói đơn giản: “Con đang tu theo hạnh đầu đà, chỉ có đi và khất thực, ăn ngày 1 bữa“. Ông không hề nói muốn đắc đạo để thành chánh quả hay bậc thánh a la hán.
Giờ chỉ còn lời an ủi ông: Hãy xem đây là kiếp nạn thử thách con đường tu hành và sự kiên nhẫn chịu đựng của ông, như Đường Tăng đi thỉnh kinh phải trải qua bao kiếp nạn khổ đau, nguy hiểm, bị ma quỉ ám đường, phá phách vô vàn. Con người hiện đại chỉ thích đi tắt, tìm việc nhàn nhã, mà kiếm ra tiền dễ, nhanh, nhiều… lại thêm quyền cao chức trọng, thỏa mãn cái bản năng hưởng thụ và tham lam vô tận của mình.
Nhìn đám người háo hức cuồng tín chạy theo ông Minh Tuệ mà thêm chán nản. Ta đang ở thế kỷ 21 hay thời trung cổ? Những người đó hầu như trình độ học vấn trung bình, hiểu biết hạn hẹp, chỉ biết sì sụp khấn vái thần linh phù hộ làm giàu, chứ không đủ bản lĩnh tin vào năng lực của chính mình. Ông Minh Tuệ là một hiện tượng cho cơn lên đồng mê muội này.
Nhà thơ Tản Đà xưa đã viết: “Nước 4000 năm vẫn trẻ con”
Trịnh công Sơn cũng ngậm ngùi than: “Ôi đất nước u mê ngàn năm.”
Câu hỏi cuối cùng: Ta vẫn luôn tự hào đất nước ta là đỉnh cao trí tuệ của thời đại, thế tại sao lại ra nông nỗi này?!
Mainz, 24.05.2024
________
Ghi chú: Tựa bài viết này trích từ lời ca trong bài “Người con gái Việt Nam da vàng“, của nhạc sĩ Trịnh công Sơn.