Cựu quan chức CIA nhận tội gián điệp cho chính quyền Trung Quốc

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Christopher Wray, cho biết FBI đã thực hiện hơn 2.000 cuộc điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc (Ảnh: FBI/Flickr)

Một cựu sĩ quan CIA đã nhận tội âm mưu làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc trong hơn một thập kỷ tại tòa án liên bang ở Honolulu, Bộ Tư pháp tuyên bố vào ngày 24/5.

Alexander Yuk Ching Ma, một công dân Hoa Kỳ nhập tịch, bị bắt vào năm 2020 và bị buộc tội âm mưu chuyển thông tin tuyệt mật cho quan chức tình báo Trung Quốc.

Ông Ma, làm việc cho CIA từ năm 1982 đến năm 1989, đã âm mưu cùng với người họ hàng ruột thịt của mình, cũng là một cựu sĩ quan CIA, cung cấp thông tin mật về quốc phòng của Hoa Kỳ cho chính quyền Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ của mình tại CIA, ông Ma đã nắm giữ nhiều bí mật hàng đầu và từng ký nhiều thỏa thuận bảo mật. Ông cũng hiểu rõ nghĩa vụ bảo vệ bí mật của chính phủ Hoa Kỳ.

Sau khi rời CIA, ông Ma sống và làm việc tại Thượng Hải, Trung Quốc trước khi chuyển đến Hawaii vào năm 2001.

Đáng chú ý, người thân ruột thịt của ông Ma có quyền truy cập vào thông tin tuyệt mật của CIA, bao gồm cả “danh tính của các sĩ quan CIA bí mật”, theo tài liệu của tòa án.

Tài liệu viết rằng hai cựu sĩ quan CIA đã chia sẻ thông tin quốc phòng mật cho quan chức tình báo Trung Quốc trong hơn một thập kỷ.

Các công tố viên cho biết kế hoạch gián điệp bắt đầu bằng cuộc gặp kéo dài ba ngày tại các phòng khách sạn ở Hồng Kông vào năm 2001, nơi ông Ma và người thân gặp các quan chức của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS), cơ quan tình báo hàng đầu của chế độ.

Trong các cuộc gặp này, hai anh em ông Ma đã cung cấp thông tin mật về nhân sự, cơ cấu nội bộ, hoạt động và phương thức liên lạc của CIA. Một phần của những cuộc gặp này đã được quay video, cho thấy ông Ma nhận và đếm 50.000 USD tiền mặt cho những bí mật mà họ tiết lộ.

Theo thỏa thuận nhận tội, ông Ma đã tìm cách làm việc cho FBI, nhằm lấy lại quyền truy cập thông tin mật cho tình báo Trung Quốc. Năm 2003, ông nộp đơn xin việc làm nhà ngôn ngữ học theo hợp đồng tại Văn phòng thực địa Honolulu của FBI.

Biết mối quan hệ của ông với tình báo Trung Quốc, FBI đã thuê ông Ma như một phần của kế hoạch điều tra nhằm theo dõi các hoạt động của ông. Từ tháng 8 năm 2004 đến tháng 10 năm 2012, ông làm nhà ngôn ngữ học hợp đồng, xem xét và dịch các tài liệu tiếng Trung ở một địa điểm bên ngoài.

Các công tố viên cho biết trong 6 năm làm việc hợp đồng cho FBI, ông Ma thường xuyên sao chép, chụp ảnh và đánh cắp tài liệu mật. Ông ta mang theo những tài liệu và hình ảnh bị đánh cắp đến Trung Quốc và giao chúng cho những người Trung Quốc xử lý.

Ông Ma thường trở về sau những chuyến đi Trung Quốc với những khoản tiền mặt đáng kể và những món quà đắt tiền, bao gồm cả những bộ gậy chơi gôn mới.

Theo các công tố viên, ông Ma thú nhận rằng ông biết chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng thông tin này để làm hại Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn cố tình làm điều đó.

Theo hồ sơ tòa án, vào năm 2019, ông Ma đã gặp một đặc vụ chìm của FBI mà ông tin là sĩ quan tình báo Trung Quốc. Trong những cuộc gặp này, ông Ma xác nhận ông làm việc cho tình báo Trung Quốc và nhận 2.000 USD tiền mặt như một “món quà nhỏ”. Ông cũng đề nghị tiếp tục làm việc cho tình báo Trung Quốc.

Trong cuộc gặp cuối cùng với đặc vụ ngầm FBI vào tháng 8 năm 2020 trước khi bị bắt, ông Ma một lần nữa nhận thêm tiền cho những nỗ lực gián điệp trong quá khứ của mình và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ chế độ Trung Quốc, đồng thời nói rằng ông muốn “tổ quốc” thành công.

Thỏa thuận nhận tội yêu cầu ông Ma phải hợp tác với chính quyền Hoa Kỳ, bao gồm cả việc tuân theo các cuộc thẩm vấn của các cơ quan chính phủ. Nếu được tòa án chấp nhận, ông Ma sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù.
Nỗ lực gián điệp của Trung Quốc

Vụ việc này là một trong nhiều nỗ lực gián điệp của chính quyền Trung Quốc nhắm vào các nhân viên quân sự và tình báo Hoa Kỳ. Năm 2019, cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee nhận bản án 19 năm tù sau khi nhận tội âm mưu cung cấp thông tin mật cho tình báo Trung Quốc sau khi rời CIA vào năm 2010.

Đầu năm 2024, một cựu thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ đã bị kết án 27 tháng tù vì cung cấp cho chế độ cộng sản Trung Quốc thông tin quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ để đổi lấy hối lộ.

Năm 2021, một nữ cựu thủy thủ Hải quân Mỹ cũng bị kết án 30 tháng tù và phạt 20.000 USD vì âm mưu cùng chồng gửi trái phép thiết bị quân sự nhạy cảm sang Trung Quốc.

Những trường hợp này nêu bật những nỗ lực tình báo của chính quyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Vào năm 2020, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết cứ 10 tiếng FBI lại điều tra một vụ phản gián mới của Trung Quốc.

Ông Wray cũng lưu ý rằng, FBI đã thực hiện hơn 2.000 cuộc điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc.

Thanh Tâm, theo ET

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Related posts