Kế hoạch giải cứu BĐS của Trung Quốc làm tăng thêm nợ và dư thừa công suất

Antonio Graceffo

Bình luận: Kế hoạch giải cứu BĐS của Trung Quốc làm tăng thêm nợ và dư thừa công suất
Một công nhân đi ngang qua một khu nhà ở đang được xây dựng bởi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 28/9/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Kế hoạch giải cứu bất động sản (BĐS) mang tính “lịch sử” của Trung Quốc dường như sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế lớn của nước này.

Kế hoạch lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm giải cứu lĩnh vực bất động sản bao gồm việc yêu cầu các chính quyền địa phương sử dụng nợ để mua những bất động sản có giá quá cao và bán chúng với giá chiết khấu.

Bắc Kinh đã công bố kế hoạch giải cứu lĩnh vực bất động sản, vốn được coi là mang tính “lịch sử”. Nó mang tính lịch sử theo nghĩa đây là một trong những gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, nó sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này.

Kế hoạch lớn này kêu gọi các chính quyền địa phương mua lại những ngôi nhà chưa bán được và sau đó bán hoặc cho thuê chúng với giá thấp hơn giá thị trường. Điều này sẽ chỉ trì hoãn kết cục không thể tránh khỏi do vấn đề kép của lĩnh vực bất động sản là nợ và dư thừa công suất. Hơn nữa, sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc làm trầm trọng thêm vấn đề và làm tăng thêm nợ cho cuộc khủng hoảng nợ vốn đang gia tăng ở nước này.

Kế hoạch này đã được coi là thành công vì sau khi nó được công bố, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng điểm. Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là những biến động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán là do tâm lý chứ không phải là do những thay đổi đối với các yếu tố kinh tế cơ bản.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 6 nghìn tỷ USD giá trị trong 3 năm qua do suy giảm kinh tế chung và lo ngại về nợ nần chồng chất cũng như tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực bất động sản. Điều này có nghĩa là ngay cả một mức tăng đáng kể cũng sẽ không đủ để đưa thị trường trở lại mức cao trước đó. Việc thị trường chứng khoán tăng tạm thời không chứng tỏ rằng kế hoạch giải cứu bất động sản của Bắc Kinh là một ý tưởng hay hoặc nó sẽ cứu được lĩnh vực bất động sản.

Kế hoạch giải cứu trên thực tế chuyển nguồn thu thuế vào tay các nhà phát triển tư nhân. Điều này sẽ cứu những công ty này và ngăn họ phá sản, cho phép họ tiếp tục kinh doanh. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của họ là xây dựng thêm bất động sản, và điều này khiến vấn đề vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng.

Lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với tình trạng dư cung, trong khi giới trẻ không có đủ tiền mua một căn hộ chung cư. Ngoài ra, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng già hóa một phần do người trẻ không có khả năng mua căn hộ và kết hôn. Trong nền kinh tế thị trường bình thường, không thể đồng thời có quá nhiều căn hộ và quá nhiều người mua tiềm năng. Giá căn hộ sẽ giảm để đáp ứng nhu cầu và thị trường sẽ đạt đến trạng thái cân bằng.

Ví dụ ở Mỹ, nhiều người trẻ phàn nàn rằng giá nhà quá cao và họ không đủ tiền mua nhà. Mặc dù điều này đúng nhưng nó khác với tình hình ở Trung Quốc vì không có tình trạng dư cung nhà ở Mỹ và phương Tây. Giá nhà cao nhưng vẫn không thiếu người mua. Nếu có ít người sẵn sàng trả giá cho những ngôi nhà đó thì giá sẽ giảm. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, sự can thiệp của chính phủ trung ương đã ngăn giá nhà giảm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Có một số lý do khiến Bắc Kinh được khuyến khích để duy trì giá nhà ở mức cao. Đầu tiên, các nhà phát triển Trung Quốc là các đơn vị mắc nợ nhiều nhất trên Trái đất, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong danh mục cho vay của các ngân hàng. Nếu giá bất động sản được phép giảm để đáp ứng thị trường, các khoản vay này sẽ bị lộ và các nhà phát triển bất động sản sẽ vỡ nợ. Một chuỗi vỡ nợ của các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc có thể gây ra khủng hoảng ngân hàng.

Một lý do khác khiến Bắc Kinh muốn duy trì giá bất động sản cao là lĩnh vực bất động sản chiếm 20–30% GDP. Nếu giá nhà giảm thì GDP cũng vậy. Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể trong vài năm qua và sự mất giá trị đáng kể trong lĩnh vực bất động sản sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong tăng trưởng GDP.

Xin lưu ý thêm rằng, trong nhiều năm, các nhà phân tích phương Tây đã suy đoán rằng các tuyên bố về tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã bị chính quyền trung ương Trung Quốc thổi phồng. Cuộc khủng hoảng bất động sản này đang chứng minh những lời cáo buộc đó là đúng. Bắc Kinh kiểm soát giá bất động sản, đây là yếu tố chính quyết định quy mô GDP. Tình trạng dư cung bất động sản xuất hiện bởi vì Bắc Kinh duy trì giá bất động sản ở mức cao một cách giả tạo. Do đó, Bắc Kinh đã thổi phồng GDP của Trung Quốc một cách giả tạo.

Kế hoạch này không những không giải quyết được cuộc khủng hoảng bất động sản mà còn làm tăng thêm khoản nợ của Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang chuẩn bị một quỹ trị giá 42 tỷ USD để hỗ trợ việc mua các bất động sản chưa bán được. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã lên tới hơn 286%. GDP giảm sẽ làm tăng con số đó nên Bắc Kinh không thể cho phép giá nhà giảm. Đồng thời, nợ tăng cao sẽ khiến con số tỷ lệ này tăng lên.

Ngoài việc khuyến khích các chính quyền địa phương và các tổ chức nhà nước mua bất động sản tồn đọng, các khoản trả trước và lãi suất cho vay thế chấp cũng đang được giảm bớt để kích thích nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, thanh niên và lao động di cư không thể tìm được việc làm. Khi người dân bi quan về tương lai kinh tế của mình, họ có xu hướng không mua bất động sản. Việc giảm lãi suất cho vay thế chấp và tiền trả trước đối với bất động sản được định giá quá cao hẳn là không đủ để kích thích đủ nhu cầu để đưa thị trường về trạng thái cân bằng.

Theo The Epoch Times

Related posts