Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Seoul vào sáng thứ Hai (27/5). Trước đó hôm 26/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tổ chức cuộc gặp song phương tại Seoul, ông cũng hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Đây là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên của ông Kishida với ông Lý Cường kể từ khi ông lên nắm quyền thủ tướng, và khi quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc trở nên căng thẳng vì một loạt tranh chấp.
Theo Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, ông Kishida nói rằng ông đã yêu cầu ông Lý Cường ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm của Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản trong cuộc hội đàm hôm Chủ nhật (26/5).
Ông Kishida cũng đề cập đến vấn đề eo biển Đài Loan – vấn đề đang thu hút nhiều sự chú ý – với ông Lý Cường. Chỉ vài ngày trước khi hai người gặp nhau, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn quanh Đài Loan, khiến các nước phương Tây lên án.
Ông Kishida cho biết ông đã truyền đạt “mối quan ngại sâu sắc” của Nhật Bản về việc mở rộng quân sự gần đây của Bắc Kinh cho ông Lý Cường, nhấn mạnh rằng Nhật Bản coi sự ổn định ở eo biển Đài Loan là “rất quan trọng” không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cộng đồng quốc tế.
Theo Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin, ông Lý Cường cho biết trong cuộc hội đàm rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề lớn về nguyên tắc, liên quan đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Nhật và cũng là một lằn ranh đỏ. Hy vọng Nhật Bản sẽ giữ cam kết, tạo bầu không khí tích cực cho quan hệ song phương không ngừng phát triển.
Đây là điều mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã liên tục nói về vấn đề Đài Loan khi gặp Mỹ và các đồng minh. Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố sau cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ quanh Đài Loan, nói rằng họ “quan ngại sâu sắc về các cuộc tập trận quân sự phối hợp của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan”, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của ĐCSTQ và phối hợp với các đồng minh và đối tác.
Trong cuộc gặp với ông Lý Cường, ông Kishida cũng cho rằng Trung Quốc nên dỡ bỏ phao lắp đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, nằm gần cực nam của tỉnh Okinawa và quần đảo Senkaku (Trung Quốc là quần đảo Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát. ĐCSTQ luôn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku và đã nhiều lần cử tàu xâm chiếm vùng lãnh hải của Nhật Bản gần quần đảo Điếu Ngư, gây ra tranh chấp với Nhật Bản.
Ông Kishida hôm Chủ nhật cũng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho các công dân Nhật Bản bị giam giữ ở Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Trước khi gặp ông Lý Cường, ông Kishida cũng đã có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Seoul.
Ông Lý Cường cũng đã tổ chức các cuộc hội đàm song phương với ông Yoon Suk-yeol. Cả hai bên nhất trí khuyến khích đối thoại ngoại giao và an ninh. Ông Yoon Suk-yeol yêu cầu Trung Quốc (ĐCSTQ) đóng vai trò tích cực trong việc kiềm chế sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Hàn Quốc trước đây đã lên án ĐCSTQ không hành động trong vấn đề này.
Theo bản tóm tắt cuộc họp do Tân Hoa Xã công bố, ông Lý Cường nhấn mạnh các vấn đề hợp tác song phương trong cuộc gặp. Ông Lý Cường cho biết, chuỗi công nghiệp và cung ứng của Trung Quốc và Hàn Quốc có mối liên hệ sâu sắc với nhau, chống lại chính trị hóa và an ninh hóa một cách trống rỗng trong các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu của hai nước.
Trong những năm gần đây, khi ĐCSTQ ngày càng trở nên hung hãn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thường sử dụng biện pháp cưỡng ép kinh tế, Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu thực hiện các chính sách giảm thiểu rủi ro đối với Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, đồng thời hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip nhằm ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng những công nghệ tiên tiến này phát triển quân đội của mình. ĐCSTQ lên án những hành vi này là làm suy yếu sự ổn định của chuỗi cung ứng.
Cuộc họp ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được tổ chức vào thứ Hai. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hợp tác an ninh ba bên với Mỹ.
Reuters đưa tin, các nhà ngoại giao và quan chức cho biết họ không kỳ vọng nhiều vào hội nghị thượng đỉnh ba bên vào thứ Hai.
Bắc Kinh trước đây đã cảnh báo rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm nâng cấp hơn nữa quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng và đối đầu trong khu vực.
Hàn Quốc và Nhật Bản cảnh báo ĐCSTQ không nên cố gắng thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan, trong khi Bắc Kinh chỉ trích các nhà lập pháp Hàn Quốc và Nhật Bản hôm 21/5 vì dự lễ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức.
Theo Trương Đình, Epoch Times