Trong cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Philippines diễn ra từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, một số tiểu đội đã được điều động đến ba hòn đảo nhỏ có ý nghĩa chiến lược nằm ở eo biển Luzon. Thủy quân Lục chiến Mỹ đang tiến hành tập trận cùng với các đồng minh, nhằm tiến tới những khu vực mà trong tương lai có thể đối mặt với lực lượng quân đội của Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal ngày 26/5 đưa tin đây là cuộc tập trận quân sự. Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong thế giới thực, họ đang điều chỉnh một chiến lược. Theo quan điểm của họ, chiến lược này rất quan trọng để chống lại Trung Quốc trên các đảo lân cận.
Họ thuộc Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 3 của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Trung đoàn được thành lập vào tháng 3/2022 như một phần trong kế hoạch tái thiết toàn diện của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, nhằm đáp ứng tốt hơn trước sự cạnh tranh giữa các cường quốc sau nhiều thập kỷ chiến đấu ở Iraq và Afghanistan.
Trước đó, Khu vực Quân sự Bắc Luzon của Philippines đã chỉ ra rằng, eo biển Luzon là “khu vực chiến lược quan trọng để điều động lực lượng nhằm giành ưu thế chiến lược, cũng được coi là điểm nghẽn (choke point) của giao thông hàng hải và hàng không”.
Từ ngày 22/4 đến ngày 10/5, Mỹ và Philippines đã tiến hành cuộc tập trận quân sự chung thường niên Balikatan 2024. Điều đáng chú ý là Mỹ và Philippines đã đưa một số hòn đảo gần Đài Loan, bao gồm cả đảo Itbayat, vào phạm vi của cuộc tập trận này, điều này nhấn mạnh vai trò của Philippines trong một cuộc xung đột tiềm tàng trên eo biển Đài Loan.
Các phóng viên của tờ Wall Street Journal đã bay tới đảo Itbayat ở eo biển Luzon cùng với Trung đoàn Lục chiến số 3. Ở đó, các chiến binh khảo sát đường và cầu để xác định xem phương tiện nào có thể được vận hành trong thời chiến, sau đó họ đến khu vực phía Bắc của đảo hướng về Đài Loan để quan sát kỹ hơn.
Một đội chiến đấu khác tới đảo Yami (Mavulis) ở miền bắc Philippines, cách Đài Loan chỉ 88 dặm (142km), để tiến hành trinh sát mặt đất nhằm hiểu họ cần chuẩn bị gì ở đó nếu chiến tranh nổ ra. Họ nhận thấy rằng điều thực sự cần thiết trong thời chiến nhưng hiện chưa có là tàu thuyền, để có thể vận chuyển binh sĩ và thiết bị giữa các hòn đảo hoặc từ một điểm bờ biển này đến điểm khác. Không có tàu, thủy quân lục chiến bị hạn chế bởi địa hình gồ ghề và đường hẹp trong khu vực và phải dựa vào vận tải trực thăng. Nhưng máy bay trực thăng quá dễ thấy trong thời chiến và khả năng vận chuyển của chúng nhỏ hơn tàu.
Trung Quốc mệt mỏi với chiến lược quân sự Hoa Kỳ
Trong một cuộc xung đột, các lính thủy đánh bộ này sẽ mang theo tên lửa và radar, và cố gắng tiến về phía trước càng xa, càng nhanh. Họ sẽ di chuyển theo từng đội nhỏ, xuyên qua các hòn đảo và dọc theo đường bờ biển. Họ sẽ tiếp tục tiến lên, để tránh bị các tên lửa, cảm biến và máy bay không người lái của Trung Quốc phát hiện.
Ông John Lehane, chỉ huy quân đoàn đóng tại Hawaii, nói với tờ Wall Street Journal rằng kẻ thù sẽ phải “tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để tìm ra chúng ta đang ở đâu và chúng ta đang làm gì”.
Một phần mục tiêu của lực lượng thủy quân lục chiến này là gây khó khăn cho Trung Quốc trong giai đoạn đầu của xung đột, để tạo thời gian cho các lực lượng quân đội Mỹ khác được triển khai.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Benjamin Jensen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, giảng viên tại Đại học Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, cho rằng những lực lượng này nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn sẽ trở thành kỵ binh ven biển của thế kỷ 21.
Ông Jensen nói: “Tình huống lý tưởng là bạn có những lực lượng cơ động di chuyển qua lại trên chuỗi đảo thứ nhất, để bạn có thể liên tục buộc Trung Quốc phải truy lùng bạn, điều này sẽ gây ra gánh nặng to lớn cho mạng lưới tình báo của Trung Quốc”.
Theo thông tin công khai, chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu) ở phía Bắc, qua Đài Loan ở trung tâm, đến Philippines, quần đảo Sunda Lớn và New Zealand ở phía Nam. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên trong chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.
Trong các cuộc tập trận thực tế, quân đội Mỹ không dễ dàng đạt được tất cả các mục tiêu trên và phải đối mặt với những thách thức về các vấn đề khác nhau, trong đó có việc vận chuyển vật tư.
Trong 2 năm qua, Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 3 đã thực hiện các đợt huấn luyện tại Quần đảo Hawaii, diễn tập mô phỏng chiến đấu tại California và 4 lần đến Philippines. Họ đang luyện tập các chiến thuật để duy trì liên lạc một cách bí mật, chẳng hạn như tạo ra nhiều tiếng ồn trên phổ điện từ để đánh lừa đối phương.
Vai trò của Philippines trước xung đột ở eo biển Đài Loan
Vào tháng 8 năm ngoái, Philippines đã nêu rõ lập trường của mình về xung đột eo biển Đài Loan trong một tài liệu chính sách an ninh quốc gia được công bố. Tài liệu cho biết, “Do khoảng cách địa lý gần giữa Đài Loan và quần đảo Philippines, và hơn 150.000 công dân Philippines đang sinh sống tại Đài Loan, bất kỳ xung đột quân sự nào ở eo biển Đài Loan đều sẽ không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến Philippines”.
Tài liệu cho biết: “Philippines lo ngại về sự ổn định kinh tế, dòng người tị nạn tiềm ẩn và phúc lợi của người dân ở nước ngoài”.
Tổng thống Philippines Marcos trước đó đã nói rõ rằng “chúng tôi đang ở tuyến đầu trong căng thẳng ở hai bờ eo biển”.
Philippines trước đó đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines và năm ngoái thông báo bổ sung thêm 4 căn cứ nữa, nâng tổng số căn cứ mở cửa cho quân đội Mỹ lên 9 căn cứ. Hai trong số các căn cứ mới được bổ sung nằm ở đảo Luzon, tương đối gần Đài Loan.
Philippines cho biết, những địa điểm này có tầm quan trọng chiến lược. Các chuyên gia như ông Randall Schriver, người từng là quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về các vấn đề Đông Á dưới thời chính quyền của ông Trump, cũng cho rằng đảo Luzon có ý nghĩa rất lớn đối với Quân đội Mỹ, đặc biệt như một căn cứ tiềm năng để triển khai tên lửa, hệ thống pháo binh và tên lửa đạn đạo nhằm chống lại cuộc xâm lược Đài Loan bằng đường biển của Trung Quốc.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch