Hôm thứ Hai (27/5), Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố cho biết Trung Quốc đã đơn phương thông báo về việc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài đến ngày 16/9, và Manila đã gửi công hàm phản đối.
“Thông qua công hàm ngoại giao, Philippines phản đối lệnh cấm này vì nó bao gồm các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”,
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc sẽ bao trùm “các khu vực của Biển Đông phía bắc vĩ tuyến 12 độ Bắc”, bao gồm bãi cạn Scarborough nhưng không bao gồm bãi cạn Second Thomas, một quan chức của bộ xác nhận với tờ Nikkei Asia.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá làm gia tăng căng thẳng trên Biển Tây Philippines và Biển Đông. Điều này trực tiếp vi phạm thỏa thuận giữa Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao và đối thoại, đồng thời giảm leo thang tình hình trên biển”.
Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi
Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh tiếp tục xấu đi do các tranh chấp trên Biển Đông.
Ngày 20/5, Philippines kêu gọi Trung Quốc cho phép cộng đồng quốc tế giám sát bãi cạn Scarborough, một thực thể hàng hải nằm trong khu vực Biển Đông vốn là ngư trường truyền thống của cả ngư dân Philippines và Trung Quốc. Manila đồng thời cáo buộc Bắc Kinh phá hủy hệ sinh thái của đầm phá tại bãi cạn này.
Vấn đề bãi cạn Scarborough từng được đề cập trong phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016, theo đó Manila đã thắng kiện Bắc Kinh.
Manila thường xuyên thực hiện các sứ mệnh nhân đạo cho những ngư dân tại bãi cạn này.Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cản trở các sứ mệnh này bằng các hành động cố ý va chạm và phun vòi rồng – những hành động mà cộng đồng quốc tế đã lên án.
Ông Chester Cabalza, người sáng lập International Development and Security Cooperation, một tổ chức tư vấn tại Manila, cho biết lệnh cấm này vẫn không ngăn cản được ngư dân Philippines.
“Lệnh cấm đã trở thành mối đe dọa đối với ngư dân Philippines khi Trung Quốc cố gắng hợp pháp hóa và thực thi sắc lệnh mới của họ”, ông nói với tờ Nikkei Asia.
“Vì Trung Quốc không tuân thủ phán quyết trọng tài, Philippines cũng có thể bất chấp các hành động không thể chấp nhận được của họ”.
Ông Don McLain Gill, một nhà phân tích và giảng viên tại Đại học De La Salle ở Manila, nhấn mạnh rằng ngư dân Philippines vẫn tiếp tục đánh bắt cá trong khu vực, bất chấp những điều mà Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines mô tả là “các hoạt động nguy hiểm” của Trung Quốc.
“Tuy nhiên, vẫn có những nguy cơ leo thang. Do đó, Manila có thể sẽ duy trì sự thận trọng và sử dụng các kênh liên lạc mở với Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh việc các hành động phi pháp và đơn phương của Trung Quốc tiếp tục làm suy yếu quan hệ song phương”, ông kết luận.
Philippines đối diện với thách thức ở Biển Đông
Trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc, giới chuyên gia kêu gọi chính quyền Tổng thống Marcos Jr. có phản ứng quyết liệt hơn. Ông Renato de Castro, thành viên Diễn đàn Thái Bình Dương, nhấn mạnh việc nhượng bộ vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc sẽ gây tổn thất nặng nề về mọi mặt cho Philippines.
Ông cho rằng Manila cần kiên quyết bảo vệ chủ quyền, đồng thời “giữ vững lập trường” trước các hoạt động “vùng xám” và chiến tranh thông tin của Bắc Kinh.
Nhiều ý kiến đề xuất Philippines cần kết hợp giữa ngoại giao thận trọng và tăng cường năng lực quốc phòng để ứng phó với tình hình hiện tại.
Ông Julio Amador, Giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Amador Research Services ở Philippines, nhấn mạnh cả hai biện pháp này đều cần được đưa vào chiến lược quốc gia. Trong khi ngoại giao cần tập trung vào “cả các quốc gia ủng hộ lẫn các nước láng giềng”, thì việc xây dựng quân đội với các khả năng tác chiến thông thường và bất đối xứng cũng đóng vai trò “thiết yếu”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Philippines đã chi 1,25% GDP cho quốc phòng năm 2023, cao hơn Indonesia (0,68%) và Malaysia (0,93%), nhưng vẫn thấp hơn Singapore (2,66%) và Trung Quốc (1,67%). Đài Loan, cũng đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc, đã chi 2,17% GDP cho quốc phòng năm 2023 và dự kiến tăng lên 2,5% vào năm 2024.
Ông Amador đề xuất chính phủ Philippines nên tăng chi tiêu quốc phòng bằng cách “cắt giảm chi tiêu cho lương hưu”.
Tuy nhiên, ông Don McLain Gill cho rằng “bất kỳ sự gia tăng chi tiêu quốc phòng nào cũng phải đi kèm với mục tiêu rõ ràng, cắt giảm chiến lược vận hành và tích hợp với các hệ thống hiện có, đặc biệt nếu nguồn ngân sách đó được sử dụng để mua sắm vũ khí và công nghệ”.
Huyền Anh tổng hợp