Jessica Mao, Sean Tseng
Theo dữ liệu của bộ thương mại, nhờ chiến lược đưa sản xuất về gần thị trường này, mới đây Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn nhập cảng hàng đầu vào Hoa Kỳ.
Các động lực đang thay đổi
Các sự kiện năm nay đã làm nổi bật các động lực đang thay đổi giữa Mexico, Hoa Kỳ, và Trung Quốc.
Hôm 18/04, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Raquel Buenrostro đã gặp ông Trương Nhuận (Zhang Run), đại sứ Trung Quốc tại Mexico. Trong cuộc gặp này, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, bà Buenrostro đã khẳng định Mexico cởi mở với đầu tư của Trung Quốc, nhấn mạnh các khuyến khích kinh tế của Mexico nhằm tăng cường chuỗi cung ứng và sự ủng hộ của nước này đối với các chính sách công nghiệp quốc gia.
Tuy nhiên, bốn ngày sau cuộc gặp ngoại giao này, Mexico đã bất ngờ tuyên bố sửa đổi Luật thuế Xuất Nhập cảng Chung, có hiệu lực ngay lập tức, với hàng trăm mức thuế quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, để báo hiệu cho hành động sắp diễn ra, Mexico đã phản ứng trước khi có một cuộc điều tra chống bán phá giá bằng cách áp thuế từ 3.68 đến 12.35% đối với bóng thép mài và đinh thép của Trung Quốc và mức thuế đền bù tạm thời lên tới 31%. Cuộc điều tra này đã kết luận rằng bóng thép mài đã được nhập cảng vào Mexico trong điều kiện bán phá giá.
Chính phủ Mexico cũng được cho là đã điều chỉnh lập trường của mình đối với các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc.
Hồi tháng Tư, Reuters đưa tin cho biết Mexico sẽ không còn gia hạn các ưu đãi như đất công giá rẻ hay giảm thuế cho các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc. Dẫn lời các quan chức Mexico ẩn danh, bản tin của Reuters cho biết, tại một cuộc họp với các giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD hồi tháng Một, các quan chức cho biết họ sẽ không cung cấp các ưu đãi như những ưu đãi đã được trao trước đây, và họ sẽ hoãn các cuộc họp tiếp theo với các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc.
Sự thay đổi chính sách này đã xảy ra sau áp lực từ văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), vốn khăng khăng yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc bị loại khỏi các lợi ích thương mại có được theo USMCA. Lập trường của USTR dựa trên lo ngại rằng các công ty xe hơi Trung Quốc đang khai thác Mexico như một cửa ngõ để bán xe điện giá rẻ vào thị trường Hoa Kỳ mà không phải chịu mức thuế quan tiêu chuẩn 25% của Hoa Kỳ.
Những diễn biến này càng được nhấn mạnh hôm 01/04 khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, trong bài diễn văn trước các nhân viên ngành thép ở Pittsburgh, Pennsylvania, đã kêu gọi thực hiện một số biện pháp thương mại nhắm vào ĐCSTQ. Các biện pháp này bao gồm tăng thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc, thúc giục Mexico tạm dừng vận chuyển các nguyên liệu này sang Hoa Kỳ, và bắt đầu những cuộc điều tra các chính sách thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải, và tiếp vận.
Nhà phân tích: Việc áp thuế quan là gần như không thể tránh khỏi
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà phân tích chính trị và quan sát viên về Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng Mexico có một vai trò độc nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Ông Vương nói, “Là quốc gia láng giềng của Hoa Kỳ và là thành viên tham gia USMCA, Mexico nhận thấy mình trong một thời điểm quan trọng, đặc biệt là với những nỗ lực đi đầu của Hoa Kỳ nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Vị trí này mang lại cho Mexico một cơ hội lịch sử để xác định lại vai trò và vị thế đàm phán của họ trên thị trường quốc tế.”
Theo ông Vương, với tư cách là nước nhập cảng lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ có ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc thương mại toàn cầu. Khi sự cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang, Hoa Thịnh Đốn quyết tâm cắt đứt con đường né tránh thuế quan Mỹ của Trung Quốc. USMCA là một công cụ quan trọng trong chiến lược này. Ông nói, ba quốc gia sẽ xem xét lại thỏa thuận này vào năm 2026, do đó, lợi ích tốt nhất của Mexico là duy trì lập trường nhất quán với Hoa Kỳ.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, việc Mexico áp thuế quan là gần như không thể tránh khỏi,” ông Vương nói. “Mexico đang ngày càng nhận ra giá trị địa kinh tế của họ và họ cần tận dụng lợi thế đàm phán này.”
Ông Vương cũng chỉ ra những bất lợi mà ĐCSTQ phải đối mặt trong bối cảnh USMCA và vị thế của Trung Quốc như một nền kinh tế phi thị trường.
Ông nói, “Vị trí của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu khá thụ động, trừ phi quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện và hướng tới hợp tác hơn là cạnh tranh. Với việc Hoa Kỳ đang phong tỏa ĐCSTQ trên toàn cầu, trong xu hướng lớn này, Mexico không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng về phía Hoa Kỳ.”
Vân Du biên dịch