Những điểm đáng lưu ý trong cuộc bầu cử Nghị viện Âu Châu năm 2024

Ella Kietlinska

Các nghị viên Âu Châu tham gia bỏ phiếu về việc sửa đổi hệ thống giao dịch phát thải của EU tại Nghị viện Liên minh Âu Châu ở Brussels vào ngày 22/06/2022. (Ảnh: John Thys/AFP qua Getty Images)

Liên minh Âu Châu đang tổ chức các cuộc bầu cử từ ngày 06/06 đến ngày 09/06, trong đó công dân của mỗi quốc gia trong 27 quốc gia thành viên sẽ bầu đại diện của họ vào Nghị viện Âu Châu với nhiệm kỳ 5 năm.

Nghị viện Âu Châu là cơ quan lập pháp chính của Liên minh Âu Châu và là một trong bảy định chế của khối liên minh này.

Vai trò chính Nghị viện Âu Châu là thông qua các luật của Liên minh Âu Châu, cùng với Hội đồng Liên minh Âu Châu, dựa trên các đề xướng của Ủy ban Âu Châu, nhánh điều hành của Liên minh Âu Châu.

Nghị viện của Liên minh Âu Châu gồm những nghị viên đại diện cho tất cả các quốc gia thành viên liên minh và được bầu trực tiếp bởi công dân của tất cả các nước thuộc liên minh này.

Hội đồng Liên minh Âu Châu bao gồm các bộ trưởng quốc gia từ mỗi chính phủ của 27 quốc gia trong khối liên minh này, và vai trò chính của hội đồng này là thông qua các luật và điều phối các chính sách. Các bộ trưởng họp theo 10 hình thức khác nhau tùy thuộc vào chính sách đang được thảo luận.

Những phỏng đoán

Có bảy nhóm chính trị trong Nghị viện Âu Châu hiện tại. Không nhóm nào giữ thế đa số tuyệt đối.

Theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, hiện tại, hai nhóm lớn nhất là Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) trung hữu và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả, nắm giữ lần lượt 177 ghế và 140 ghế.

Nhóm chính trị lớn thứ ba trong Nghị viện Âu Châu là nhóm Phục hưng Châu Âu (Renew Europe) theo đường lối ôn hòa, có 102 ghế.

Các đảng Bảo thủ và Cải tổ Châu Âu (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID) lần lượt giữ 68 ghế và 58 ghế, trong khi hai nhóm cánh tả là Liên minh Tự do châu Âu/Xanh (Greens/EFA) và Cánh Tả (The Left-GUE/NGL) lần lượt giữ 72 ghế và 37 ghế.

Europe Elects, một cơ quan tổng hợp thăm dò phi đảng phái, dự đoán rằng EPP và hai nhóm cánh hữu sẽ giành được tổng cộng 19 ghế, trong khi các nhóm ôn hòa, trung tả, và nhóm chính trị Xanh sẽ mất tổng cộng 35 ghế. Tổng cộng 720 ghế sẽ được tranh cử.

Số ghế do nhóm Cánh Tả nắm giữ được dự đoán là không đổi, nhưng những người độc lập không liên kết với bất kỳ nhóm chính trị nào sẽ giành được 30 ghế, theo Europe Elects.

Hồi tháng Một, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu đã dự đoán—dựa trên các cuộc thăm dò dư luận ở mọi quốc gia thành viên EU và một mô hình thống kê—rằng ba nhóm lớn nhất trong Nghị viện, EPP, nhóm những người xã hội chủ nghĩa và nhóm dân chủ trung tả (S&D), và nhóm những người ôn hòa Phục hưng Châu Âu, có thể sẽ mất ghế nhưng EPP sẽ vẫn là nhóm lớn nhất trong Nghị viện.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu dự đoán nhóm chiến thắng lớn nhất sẽ là các nhóm cánh hữu ECR và ID, hội đồng này ước tính họ sẽ cùng nhau giành được thêm 58 ghế.

Tổ chức tư vấn này cũng dự báo rằng Fidesz, đảng bảo tồn truyền thống của Hungary, hiện không có thành viên ở Nghị viện EU, được cho là ​​sẽ giành được 14 ghế. Tổ chức tư vấn này cho biết, nếu các thành viên của Fidesz đắc cử trong tháng Sáu quyết định tham gia nhóm ECR, thì cả hai nhóm cánh hữu—ECR và ID—sẽ có tổng số ghế nhiều hơn EPP, nhóm lớn nhất, hoặc S&D, nhóm lớn thứ hai.

Chủ tịch nhóm trung hữu Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) Manfred Weber nói tại một cuộc họp báo chung trong cuộc họp Chi nhánh Các nhóm EPP (Đảng Nhân dân Âu Châu) tại Berlin, vào ngày 09/09/2021. (Ảnh: Stefanie Loos/AFP qua Getty Images)
Chủ tịch nhóm trung hữu Đảng Nhân dân Âu Châu (EPP) Manfred Weber nói tại một cuộc họp báo chung trong cuộc họp Chi nhánh Các nhóm EPP (Đảng Nhân dân Âu Châu) tại Berlin, vào ngày 09/09/2021. (Ảnh: Stefanie Loos/AFP qua Getty Images)

Eurobarometer, một nhà thăm dò ở EU, cho biết người dân Âu Châu quan tâm đến cuộc bầu cử Nghị viện này hơn so với cuộc bầu cử trước đó hồi năm 2019 và thậm chí cả hồi mùa thu năm 2023.

Theo Eurobarometer, trong cuộc thăm dò này, được tiến hành vào mùa xuân, 60% số người được hỏi cho biết họ sẽ quan tâm đến các cuộc bầu cử ở châu Âu năm 2024 và 71% có thể sẽ bỏ phiếu nếu cuộc bầu cử được tổ chức trong vòng một tuần.

Các cuộc bầu cử ở châu Âu là các cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới.

Ngày bầu cử kéo dài từ Thứ Năm đến Chủ Nhật và mỗi quốc gia có quyền quyết định thời gian và cách thức tổ chức bầu cử, nhưng một số quy tắc chung được áp dụng ở tất cả các quốc gia EU.

Quan điểm chính trị

Nghị viện Âu Châu hiện tại được bầu vào năm 2019 gồm có 705 nghị viên, nhưng Nghị viện hiện tại đang được bầu sẽ có 720 ghế do những thay đổi về dân số ở các nước EU.

Nghị viện EU sẽ mở rộng từ 705 thành viên được bầu vào năm 2019 lên 720 thành viên trong cuộc bầu cử này do những thay đổi về dân số ở EU.

Trong một tuyên bố, Nghị viện Âu Châu cho biết: “Sau các cuộc bầu cử, thì Pháp, Tây Ban Nha, và Hà Lan mỗi nước sẽ có thêm hai ghế, trong khi Áo, Đan Mạch, Bỉ, Ba Lan, Phần Lan, Slovakia, Ireland, Slovenia, và Latvia mỗi nước được cho là có thêm một ghế.”

Theo trang web của Nghị viện, các thành viên của Nghị viện Âu Châu (MEP) được sắp xếp theo đảng phái chính trị của họ, chứ không phải theo quốc tịch.

EU yêu cầu ít nhất 23 nghị viên đại diện cho ít nhất 1/4 số quốc gia EU phải cùng nhau thành lập một nhóm chính trị. Còn có các nghị viên độc lập chưa tham gia nhóm nào.

Nghị viện nêu rõ rằng các nghị viên thuộc một nhóm chính trị không thể bị buộc phải bỏ phiếu theo một đường hướng cụ thể.

Chức Chủ tịch Ủy ban Âu Châu

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, nhánh hành pháp của EU, sẽ được lựa chọn từ các ứng cử viên chính do mỗi nhóm trong số bảy nhóm chính trị của Nghị viện Âu Châu đề xướng.

Sau các cuộc bầu cử, tất cả 27 quốc gia thành viên EU sẽ đề cử một ứng cử viên của đảng chính trị Âu Châu giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử. Sau đó, Nghị viện phải phê chuẩn người được đề cử này theo số phiếu đa số tuyệt đối. Nếu người được đề cử không nhận được đủ số phiếu bầu, thì các nước phải đưa ra một ứng cử viên khác.

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen có bài phát biểu trước báo giới tại cơ quan đại diện ở Pháp của Ủy ban Âu Châu ở Paris, hôm 06/05/2024. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP qua Getty Images)
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen có bài phát biểu trước báo giới tại cơ quan đại diện ở Pháp của Ủy ban Âu Châu ở Paris, hôm 06/05/2024. (Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP qua Getty Images)

Các đảng ECR và ID đã quyết định không đề cử ứng cử viên chính của họ cho chức chủ tịch Ủy ban.

Trong một tuyên bố, ECR cho biết họ không bao giờ ủng hộ hệ thống ứng cử viên chính và hệ thống này “không hề phù hợp.”

Chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban Âu Châu, bà Ursula von der Leyen, là thành viên của EPP, nhóm nắm giữ số ghế nhiều nhất trong Nghị viện. Bà cũng đã được EPP đề cử làm ứng cử viên chính cho nhiệm kỳ thứ hai, nhưng việc ứng cử của bà sẽ chỉ được xem xét nếu EPP lại giành được nhiều ghế nhất.

Cẩm An biên dịch

Related posts