Liên Minh Âu Châu đi trước Mỹ, cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 5 năm

Indrajit Basu

Cờ châu Âu tung bay trước tòa nhà Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) ở Frankfurt, Đức, ngày 21/07/2022. (Ảnh: Wolfgang Rattay/Reuters)

Hôm 06/06, ngân hàng trung ương của Liên minh Âu Châu đã tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên trong số các quyết định chính sách tiền tệ của mình kể từ năm 2019, mặc dù dữ liệu đang cho thấy các xu hướng khác nhau.

Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), cơ quan từng được dự đoán rộng rãi là sẽ bắt đầu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, đã hạ ba mức lãi suất chủ chốt 25 điểm cơ bản kể từ hôm 12/06. Hành động này sẽ hạ mức lãi suất cho các hoạt động tái cấp vốn xuống 4.25%, đồng thời cắt giảm lãi suất cho vay cận biên của ECB và lãi suất tiền gửi vào ngân hàng trung ương xuống còn lần lượt 4.5% và 3.75%.

Mức giảm này đánh dấu lần đầu tiên ECB cắt giảm lãi suất hoạt động tái cấp vốn chính và lãi suất cho vay cận biên kể từ tháng 03/2016. Đối với lãi suất tiền gửi, đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 09/2019.

Nói chuyện trước giới truyền thông sau thông báo cắt giảm, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết: “Dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng lạm phát, những động lực của lạm phát, và sức mạnh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, sau chín tháng giữ vững lãi suất, việc tiến hành điều chỉnh lại mức độ thắt chặt của chính sách tiền tệ bây giờ là thỏa đáng.”

Với lần cắt giảm lãi suất này, EU đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu giảm lãi suất cho vay trong tuần này, sau quyết định của Canada hôm 05/06. Bước đi này cũng phù hợp với các hành động nới lỏng chính sách tiền tệ trước đó của các ngân hàng trung ương Brazil, Mexico, Chile, Thụy Sỹ, và Thụy Điển trong năm nay.

Trong khi đó, ECB lại đi trước Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) và Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). Hai cơ quan này có thể vẫn còn phải chờ đợi nhiều tháng nữa trước khi thực hiện các đợt cắt giảm tương tự.

“Áp lực giá đã yếu hơn, và kỳ vọng lạm phát đã giảm ở mọi cấp độ,” bà Lagarde cho biết, đồng thời nói thêm rằng ECB dự định sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức đủ thắt chặt trong khoảng thời gian cần thiết để đạt được tỷ lệ lạm phát mục tiêu. “Chúng tôi không cam kết theo một lộ trình lãi suất cụ thể.”

Chủ tịch ECB cũng lưu ý rằng lạm phát đã giảm đủ để cho phép ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, với việc lạm phát của khu vực đồng euro dự kiến ​​sẽ cao hơn mức mục tiêu 2% của ECB trong năm tới, bà đã hạn chế đưa ra bình luận cụ thể về tốc độ hoặc mức độ cắt giảm lãi suất của ngân hàng này trong tương lai.

Tuy nhiên, ECB đã xác nhận kế hoạch giảm lượng chứng khoán mà hệ thống đồng euro này đang nắm giữ theo chương trình thu mua khẩn cấp do đại dịch (PEPP), với mức giảm trung bình dự kiến là 7.5 tỷ euro (8.17 tỷ USD) mỗi tháng trong sáu tháng cuối năm. Cách mà ECB dự định giảm nắm giữ chứng khoán PEPP phần lớn sẽ giống như các phương pháp mà cơ quan này sử dụng trước đó trong chương trình thu mua tài sản.

Áp lực giá dai dẳng

ECB cũng đã tăng dự báo lạm phát trong năm nay và năm tới, nhấn mạnh rằng nếu có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào tiếp theo, thì việc cắt giảm sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới. Ngân hàng này đã nhắc lại sự cần thiết của việc duy trì chi phí đi vay ở mức đủ cao để kiểm soát tốc độ tăng giá.

Chủ tịch ECB cho biết: “Bất chấp tiến bộ trong những quý gần đây, áp lực giá cả trong khu vực vẫn mạnh do tăng trưởng tiền lương ở mức cao và lạm phát có thể sẽ vẫn duy trì ở mức cao hơn so với mục tiêu trong năm tới.”

ECB đã điều chỉnh dự báo lạm phát chung và lạm phát cốt lõi cho năm 2024 và 2025 tăng lên so với dự báo hồi tháng Ba. Ngân hàng trung ương này hiện dự đoán lạm phát sẽ ở mức trung bình 2.5% vào năm 2024, 2.2% vào năm 2025, và 1.9% vào năm 2026.

ECB cũng dự đoán rằng lạm phát, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, sẽ ở mức trung bình 2.8% vào năm 2024, 2.2% vào năm 2025, và 2% vào năm 2026. Tuy nhiên, theo ECB, tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể sẽ tăng tốc lên 0.9% vào năm 2024, 1.4% vào năm 2025, và 1.6% vào năm 2026.

Fed Hoa Kỳ sẽ tiếp bước?

Khi các ngân hàng trung ương Âu Châu áp dụng lập trường nới lỏng tiền tệ hơn so với Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, kỳ vọng về một hành động tương tự từ phía Fed đã bắt đầu tăng cao trong cuộc họp hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang hôm 11 và 12/06.

Lãi suất cao hơn của Hoa Kỳ sẽ làm thắt chặt thị trường tài chính toàn cầu và địa phương, mặc dù về mặt lý thuyết, chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa hai khu vực có thể khiến đồng euro mất giá so với đồng USD, khiến các mặt hàng xuất cảng của châu Âu trở nên cạnh tranh hơn đối với thị trường ngoại quốc.

Bên cạnh đó, đồng euro giảm giá sẽ khiến chênh lệch các mức lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên, khiến giá trái phiếu ở khu vực đồng euro tăng nhanh hơn so với ở Hoa Kỳ. Tác động này được cho là do mối quan hệ nghịch đảo giữa giá trái phiếu và lợi suất.

Tuy nhiên, gói kích thích của chính phủ, việc chi tiêu để phục hồi sau đại dịch, và mức tăng trưởng mạnh hơn đang thúc đẩy lạm phát ở một nền kinh tế Mỹ có hoàn cảnh rất khác so với ở châu Âu, điều mà Fed đang phải giải quyết.

Với tỷ lệ lạm phát ở mức 3.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ đang cách khá xa so với tỷ lệ mục tiêu 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang.

Trong khi đó, các chỉ số thị trường cho thấy Fed có thể tiến hành ra quyết định theo lịch trình riêng của mình. Đồng euro đã tăng giá nhẹ, với tỷ giá euro/USD tăng lên gần 1.09. Lợi suất trái phiếu chính phủ tại khu vực đồng euro cũng tăng, mặc dù chứng khoán Âu Châu đã xóa nhòa một số mức tăng trước đó, ngay cả khi chỉ số Euro Stoxx 600 đạt mức cao kỷ lục hôm 06/06.

Nói cách khác, theo CME FedWatch, các thị trường đang đánh giá khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng này là 0%.

Vân Du biên dịch

Related posts