Hoàng Vân • Dịch Như
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái và chính quyền Trung Quốc đã không làm gì để ngăn chặn điều đó, thay vào đó, họ liên tục bịt miệng và cấm người dân “nói tiêu cực về nền kinh tế”. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Biden gần đây đã công khai tỏ ra bi quan về nền kinh tế Trung Quốc, cho rằng “nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ” và đặc biệt đề cập đến hai khía cạnh của sự thật về nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích rằng Mỹ dường như đang chuẩn bị mọi phương án trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc thực sự sụp đổ.
Mỹ chuẩn bị phương án cho sự sụp đổ kinh tế của Trung Quốc
Sự phát triển kinh tế tổng thể của Trung Quốc đang suy giảm và vẫn khó phục hồi sau khi hứng chịu đòn nặng từ hơn 3 năm phong tỏa vì dịch bệnh. Thị trường bất động sản ì ạch, thị trường chứng khoán lao dốc, hàng loạt công ty đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp cao và nhu cầu xuất khẩu yếu…
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, trong khi chính quyền Trung Quốc đang khoe khoang về “sự cải thiện toàn diện” của nền kinh tế, Bộ An ninh Quốc gia được yêu cầu làm sáng tỏ cái gọi là “việc nói chống lại nền kinh tế Trung Quốc” và buộc mọi người phải im lặng. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần bịt miệng người dân Trung Quốc, nhưng không thể bịt miệng Tổng thống Hoa Kỳ.
Tạp chí Time đăng bài phỏng vấn độc quyền với Tổng thống Biden vào ngày 4/6. Ông Biden công khai tuyên bố: “Mọi người đều nói về việc Trung Quốc hùng mạnh như thế nào, họ mạnh đến mức nào, nhưng dân số Trung Quốc già hơn nhiều so với đại đa số các nước ở Châu Âu, họ quá già để làm việc và họ bài ngoại. Lao động đến từ đâu? Nền kinh tế phát triển như thế nào? Nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ. Nhưng một số người nói rằng nền kinh tế của họ đang bùng nổ?”.
Với tư cách là người lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới, những phát ngôn của Tổng thống Biden về “sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc” đã được các phương tiện truyền thông chủ lưu quốc tế đưa tin rộng rãi.
Ông Tôn Quốc Tường, Phó Giáo sư chuyên trách Khoa Quan hệ Quốc tế và Khởi nghiệp tại Đại học Nam Hoa, Đài Loan, đã nói với tờ The Epoch Times về những nhận định chắc chắn của Tổng thống Biden: “Chúng tôi cho rằng ông ấy có cơ sở vững chắc và chúng tôi phải nói rằng các nguồn thông tin của tổng thống Mỹ và thậm chí cả các nguồn thông tin tình báo tổng thể của ông ấy có lẽ rất đầy đủ”.
“Bình luận của Tổng thống Biden thực chất phản ánh một tuyên bố từ cộng đồng quốc tế, đó là một dự báo bi quan đối với nền kinh tế Trung Quốc”. Ông Tôn Quốc Tường cho rằng những bình luận của Tổng thống Biden cũng có thể có ý định chiến lược nhất định.
Ông Tôn Quốc Tường cho rằng, “Thị trường của Trung Quốc thực sự quá lớn, tình hình có thể phức tạp hơn nhiều. Tất nhiên, như chúng ta đã thấy, cho dù là ở bờ vực sụp đổ hay giả định sụp đổ, Mỹ cũng dường như đang chuẩn bị các phương án dự phòng cho khả năng nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ”.
Lão hóa dân số sẽ làm giảm lực lượng lao động
Khi công khai chê bai nền kinh tế Trung Quốc, Tổng thống Biden chủ yếu đề cập đến hai sự thật về nền kinh tế nước này: dân số già hóa và tác động nghiêm trọng của chính sách bài ngoại của Trung Quốc.
Ông Tôn Quốc Tường cho biết, “Vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc thực sự là một thách thức kinh tế nghiêm trọng”.
“Khi dân số Trung Quốc già đi, lực lượng lao động giảm và gánh nặng về an sinh xã hội sẽ tăng lên, tất cả những điều này sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”.
Dân số Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng âm vào năm 2022 và 2023. Theo dữ liệu thống kê dân số mới nhất do Trung Quốc công bố vào tháng 1 năm nay, tổng dân số Trung Quốc năm 2023 đã giảm 2,08 triệu người, với tỷ lệ sinh 6,39/nghìn, đạt mức thấp kỷ lục.
Theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 1 năm nay, vào cuối năm 2023, dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đã đạt 290 triệu người, chiếm khoảng 21,1% tổng dân số. Ủy ban Y tế và Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc dự báo, đến năm 2035, con số này sẽ tăng lên trên 400 triệu người, chiếm khoảng 30% tổng dân số. Khoảng 300 triệu người Trung Quốc hiện đang trong độ tuổi từ 50 đến 60 sẽ rời khỏi lực lượng lao động trong thập kỷ tới.
Nhà kinh tế học người Mỹ David Huang nói với The Epoch Times rằng, tình trạng già hóa dân số ở Trung Quốc khác với Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây, đó là người dân già đi trước khi họ trở nên giàu có, điều đó khiến cuộc sống của những người ở tầng lớp thấp trong xã hội rất khó khăn. “Đây là một yếu tố tiêu cực lâu dài đối với toàn bộ các ngành công nghiệp, nhu cầu trong nước hoặc hoạt động kinh tế”.
Chính sách bài ngoại của Trung Quốc đã làm giảm mạnh đầu tư nước ngoài
Phát biểu với tạp chí Time, Tổng thống Biden cũng đề cập đến một vấn đề khác đối với nền kinh tế Trung Quốc – các chính sách bài ngoại của chính quyền nước này.
Ông David Huang cho rằng, những nhận xét mà ông Biden đề cập đến có yếu tố khách quan; trong những năm gần đây chính quyền Trung Quốc có thái độ bài ngoại, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài và người nước ngoài bị xa lánh ở Trung Quốc.
Một bài báo của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc có tựa đề “Nhận thức về rủi ro: Ý nghĩa chính trị của an ninh kinh tế” nêu rằng trong những năm gần đây, khi chính trị dần thâm nhập vào môi trường kinh doanh, các công ty Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đã phải đối mặt với sự phức tạp và mức độ nghiêm trọng của các rủi ro gia tăng gấp bội, đặc biệt nhấn mạnh đến việc định nghĩa không rõ ràng về “bí mật nhà nước” trong các luật như Luật Chống Gián điệp và Luật Quan hệ Đối ngoại.
Trung Quốc sẽ thực thi ‘Luật Chống Gián điệp’ mới sửa đổi vào tháng 7/2023, mở rộng phạm vi định nghĩa về ‘hoạt động gián điệp’ và có hiệu lực hồi tố. Đồng thời, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã ban hành lệnh huy động toàn dân tham gia tố cáo gián điệp.
Đã có nhiều cuộc đột kích vào các công ty nước ngoài và giam giữ nhân viên ở Trung Quốc vào năm 2023, ví dụ như Smart Group, Bain & Company, Triumph Capital, v.v. Ngân hàng đầu tư của Mỹ là Morgan Stanley cũng bị điều tra.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng xấu đi, các nhà đầu tư nước ngoài đã mất dần hứng thú với thị trường Trung Quốc. Dữ liệu công bố ngày 18/2 của chính quyền Trung Quốc cho thấy, trong năm 2023 dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993, sụt giảm 82% so với năm 2022.
Ông Tôn Quốc Tường cho rằng, các chính sách bài ngoại của Trung Quốc “thực sự có tác động đặc biệt tiêu cực đến sự phát triển của các ngành công nghệ cao của Trung Quốc và các lĩnh vực khác cần sự hỗ trợ của các nhân tài quốc tế. Tất nhiên, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đổi mới sáng tạo trong tương lai của Trung Quốc”.
Các chỉ số kinh tế liên quan đến sự sụp đổ kinh tế
Ông Tôn Quốc Tường cho rằng các vấn đề kinh tế được Tổng thống Biden tóm tắt lần này chỉ nằm ở hai khía cạnh: dân số già và tư tưởng bài ngoại của Trung Quốc. Để đánh giá xem liệu nền kinh tế Trung Quốc có đang ở bờ vực sụp đổ hay không, cần phải xem xét nhiều chỉ số và yếu tố kinh tế khác như tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất, thị trường bất động sản, nợ nần và các yếu tố khác.
Chính quyền Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP Quý I đạt 5,3%. Tuy nhiên, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc lại giảm từ mức 50,4 trong tháng 4 xuống còn 49,5 vào tháng 5, rơi xuống dưới mức 50 – mức phân chia giữa sự mở rộng và co lại của hoạt động sản xuất.
Ông Hoàng Đại Vĩ nhận định rằng, tăng trưởng GDP Quý I của Trung Quốc thực chất có liên quan mật thiết với việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu vào đầu năm, đặc biệt là xuất khẩu xe điện và tấm pin mặt trời sang Châu Âu và Mỹ. Nhiều đơn hàng, do lo ngại Mỹ sẽ tăng thuế về sau, nên đã được tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu trong Quý I và Quý II, và vì thế chỉ số xuất khẩu có sự tăng trưởng rõ rệt.
“Vì vậy, tốc độ tăng trưởng GDP khó duy trì trong Quý II và Quý III, và chúng ta nhận thấy số lượng đơn đặt hàng sản xuất trong tháng 5 đã giảm xuống dưới mức mức mở rộng sản xuất”.
Ông Tôn Quốc Tường cũng cho rằng, chỉ số PMI là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình. “Chỉ số PMI trong tháng 5 đã rơi xuống dưới mức 50, cho thấy hoạt động sản xuất đang co lại, phản ánh những vấn đề như nhu cầu yếu, dư thừa công suất và các vấn đề khác”.
Một chỉ báo kiểm chứng khác là thị trường bất động sản. Ông Tôn cho biết, “Thị trường bất động sản có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc, các mức giá nhà cao và lượng nhà chưa bán lớn có thể dẫn đến bong bóng bất động sản bị vỡ. Việc vỡ bong bóng này không chỉ ảnh hưởng đến bất động sản mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”. Ông nói rằng, chính sách kiểm soát hiện tại của Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro kinh tế lớn hơn.
Ông Tôn cho rằng mức nợ của Trung Quốc cũng tương đối cao. “Nợ cao cũng có thể hạn chế khả năng đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời cũng sẽ làm gia tăng các cuộc khủng hoảng tài chính”.
“Hiện tại chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều yếu nên cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế hiện nay”.
Ông David Huang cho biết: “Quả thực như Tổng thống Biden đã nói, hiện nay kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn, vượt xa cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2015-2016 và sự suy thoái tài chính năm 2008 của Trung Quốc. Điều lớn nhất là tất cả các biện pháp can thiệp thị trường trước đây đều không hiệu quả”.
Trung Quốc đang xuất hiện một triệu chứng kinh tế đáng báo động, điều chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế thế giới, đó là “bốn thị trường” gồm thị trường cổ phiếu, thị trường ngoại hối, thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu đều đang suy yếu. Vào ngày 5/12 năm ngoái, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã chuyển triển vọng xếp hạng tín dụng tổng thể của chính phủ Trung Quốc sang “tiêu cực”. Và ngày 10/4 năm nay, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ triển vọng tín dụng của chính phủ Trung Quốc xuống “tiêu cực”.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch