Thủ tướng Modi của Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba lịch sử

Lãnh đạo đảng Bharatiya Janata, ông Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ trong buổi lễ tuyên thệ tại phủ tổng thống Rashtrapati Bhavan, New Delhi ngày 9 tháng 6 năm 2024. (Nguồn: MONEY SHARMA/AFP via Getty Images)

Ông Narendra Modi, lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata (BJP)theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới. Đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông.

Thủ tướng Modi hiện đã trở thành thủ tướng Ấn Độ phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp kể từ thời Thủ tướng Jawaharlal Nehru, người đã lãnh đạo Ấn Độ kể từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1947 cho đến khi ông qua đời vào năm 1964. Khi đó, Thủ tướng Nehru đã lãnh đạo Đảng Quốc đại Ấn Độ (INC), hiện là đảng đối lập lớn nhất. Ông Modi đã tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của Tổng thống Ấn Độ Draupadi Murmu.

BJP đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử vừa kết thúc ở Ấn Độ khi giành được 240 ghế trong quốc hội gồm 543 thành viên. Tuy nhiên, vì không đạt được ngưỡng đa số cần thiết để tự mình lập chính phủ, nên BJP hiện phải thương lượng giải quyết các đòi hỏi của các đồng minh trong Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) do BJP lãnh đạo để thành lập chính phủ. Một số đồng minh đã yêu cầu các chức vụ cao trong nội các như một điều kiện để ở lại liên minh. Khối NDA chiếm tổng cộng 293 ghế trong quốc hội.

Khối INDIA đối lập do Đảng Quốc đại lãnh đạo, không bị tụt lại quá xa so với NDA, khi giành được 232 ghế. Theo truyền thông Ấn Độ, phe đối lập được cho là đã liên hệ với một số đồng minh chủ chốt của Thủ tướng Modi, trong đó có Thủ hiến Nitish Kumar của bang Bihar, lãnh đạo đảng Janata Dal (United), và Thủ hiến sắp nhậm chức Chandrababu Naidu của bang Andhra Pradesh , lãnh đạo Đảng Telugu Desam (TDP) để có thể thành lập một chính phủ. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo này đều xác nhận sự ủng hộ của họ đối với liên minh NDA, và Thủ tướng Modi đã được nhất trí bầu làm lãnh đạo NDA vào thứ Sáu (7/6).

Hôm thứ Bảy (8/6), ông Modi đã tổ chức một cuộc họp kéo dài 11 giờ với các đồng minh tại nơi ở của ông để thành lập nội các mới. Ông đã yêu cầu các bộ trưởng được đề xuất mới “tập trung vào chính phủ” và đảm bảo “các dự án được hoàn thành đúng thời gian.”

Các thành viên chủ chốt trong nội các trước đây, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, Bộ trưởng Đường bộ và Cao tốc Nitin Gadkari, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar, cũng như Chủ tịch BJP J. P. Nadda đã tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng liên bang hôm Chủ nhật (9/6). Theo truyền thông Ấn Độ, hầu hết trong số họ đều giữ được chức vị bộ trưởng của mình.

Lãnh đạo của một số quốc gia láng giềng, gồm có Bangladesh, Sri Lanka, Bhutan, Nepal, Mauritius, và Seychelles, đã có mặt tại lễ nhậm chức của Thủ tướng Modi.

Đáng chú ý, Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu cũng tham dự lễ nhậm chức này. New Delhi coi Tổng thống Muizzu là người thân Trung Quốc do đó việc ông có mặt tại buổi lễ nhậm chức của thủ tướng Ấn Độ được xem như một động thái mang tính biểu tượng trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và quốc đảo này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Muizzu tới Ấn Độ sau khi ông được bầu làm tổng thống vào ngày 17/11 năm ngoái. Tổng thống Muizzu nhấn mạnh, ông mong muốn hợp tác với Thủ tướng Modi để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Ông mô tả mối quan hệ này đang đi “theo hướng tích cực”.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Modi còn có sự tham dự của những nhân vật Ấn Độ nổi tiếng trong những lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ, người biểu diễn văn hóa, và những người có ảnh hưởng. Theo truyền thông Ấn Độ, nhân viên ngành Đường sắt Ấn Độ, công nhân vệ sinh, người lao động, và phụ nữ của các bộ lạc cũng được mời tham dự lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Gia Huy (Theo RT)

Iran công bố danh sách 6 ứng cử viên tranh cử tổng thống

Iran công bố danh sách sáu ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống(Ảnh minh họa: Maxx-Studio/Shutterstock)

Bộ Nội vụ Iran đã công bố danh sách cuối cùng gồm sáu ứng cử viên sẽ tham gia tranh cử tổng thống trong tháng Sáu. Cuộc bầu cử được triệu tập sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng vào tháng Năm.

Các ứng cử viên đã được Hội đồng Bảo vệ Iran – một hội đồng gồm các giáo sĩ và luật gia, chấp thuận và quyết định ai có thể ứng cử vào chức vụ tại Cộng hòa Hồi giáo.

Danh sách gồm Masoud Pezeshkian, Mostafa Pour Mohammadi, Saeed Jalili, Alireza Zakani, Amirhossein Qazizadeh Hashemi và Mohammad Bagher Ghalibaf sẽ tham gia cuộc bầu cử ngày 28 tháng 6, theo thông báo của bộ này vào Chủ Nhật (9/6).

Ông Ghalibaf hiện là chủ tịch của quốc hội Iran, một cựu cảnh sát trưởng, ông đã tranh cử tổng thống vào năm 2005 và 2013 nhưng không thành công. Ông Hashemi hiện đang giữ chức phó tổng thống. Ông Zakani là thị trưởng Tehran. Cả ba đều được coi là những người theo đường lối cứng rắn.

Ông Pezeshkian được coi là một người theo chủ nghĩa cải cách. Ông Mohammadi là một luật gia bảo thủ, và ông Jalili đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran từ năm 2007 đến năm 2013 và là một nhà đàm phán hạt nhân cấp cao.

Hội đồng cũng đã loại cựu Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinezhad khỏi danh sách tranh cử. Ông Ahmadinezhad được nhớ đến vì đã thách thức Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và chủ trì một cuộc đàn áp đẫm máu đối với các cuộc biểu tình vào năm 2009.

Cố Tổng thống Raisi và Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian đã thiệt mạng trong chiếc trực thăng bị rơi vào ngày 19 tháng 5 tại tỉnh Đông Azerbaijan của Iran. Nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được xác định.

“Không tìm thấy khiếm khuyết nào có thể ảnh hưởng đến vụ tai nạn về mặt sửa chữa và bảo dưỡng”, Bộ Tổng tham mưu tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng trọng lượng của trực thăng khi cất cánh “nằm trong giới hạn cho phép”. Báo cáo kết luận rằng điều kiện thời tiết dọc theo tuyến đường của trực thăng “cần được điều tra thêm”.

Thanh Tâm

Related posts