Nguồn: Lyle Goldstein, “China Is Drawing Lessons From D-Day for an Invasion of Taiwan”, The Diplomat, 06/06/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Lễ kỷ niệm 80 năm ngày đổ bộ Normandy trở thành một dịp trang trọng hơn bao giờ hết khi tình hình an ninh châu Âu ngày nay vẫn đang gặp nhiều bất ổn. Tuy nhiên, việc suy ngẫm kỹ về chiến thắng vang dội của quân Đồng minh trên các bãi biển nước Pháp 80 năm trước thực sự có thể mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc thích ứng với thực tế mới của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Các chuyên gia quân sự từ lâu đã chỉ ra rằng nếu Trung Quốc muốn xâm chiếm Đài Loan, họ sẽ cần phải tấn công với quy mô tương đương với cuộc đổ bộ Normandy của quân Đồng minh. Chiều rộng của eo biển Đài Loan khá tương đương với chiều rộng của eo biển Manche gần Normandy – chỉ dưới 100 dặm. Hơn nữa, PLA đã nghiên cứu chuyên sâu về mọi khía cạnh của chiến dịch Normandy trong nhiều thập kỷ qua. Đầu năm nay, một bài phân tích bằng tiếng Trung trên Báo Quốc Phòng, một trong những tờ báo hàng đầu của PLA, đã nêu chi tiết cách sức mạnh không quân của Đồng minh đã đóng vai trò then chốt như thế nào trong cuộc đổ bộ D-Day bằng cách không cho phép “lực lượng dự bị chiến lược và tác chiến hùng hậu của quân đội Đức có thể tổ chức các hoạt động chống đổ bộ quy mô lớn”.
Trong một bài nghiên cứu khoa học được công bố gần đây, tôi kết luận rằng PLA đã nghiên cứu kỹ lưỡng và có phương pháp các bài học từ D-Day, và những bài học này dường như cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự chuẩn bị của họ cho kịch bản Đài Loan. Đặc biệt, trong lĩnh vực hải quân, họ đặc biệt quan tâm đến vai trò của thủy lôi trong chiến dịch đổ bộ D-Day, lưu ý rằng phe Đồng minh đã sử dụng hàng trăm tàu rà phá mìn để dọn đường cho đội tàu xâm lược.
Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc cũng nhận ra rằng phe Đồng minh đã triển khai gần 7.000 quả thủy lôi của riêng họ trong cuộc đổ bộ để phong tỏa lối vào phía đông của eo biển Manche – do đó giảm thiểu khả năng Hải quân Đức tấn công lực lượng đổ bộ. Việc thiết lập sự phong tỏa tương tự đối với eo biển Đài Loan thực sự có thể trở thành một trong những khía cạnh quyết định nhất của hải quân Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho cuộc xâm lược Đài Loan. Những hiểu biết khác về hải quân mà PLA rút ra từ chiến dịch này bao gồm sự cần thiết phát triển các cảng nhân tạo và phần lớn đội tàu xâm lược được cấu thành từ tàu dân sự.
Một nhóm bài học khác mà Trung Quốc rút ra được có liên quan đến ưu thế trên không của quân Đồng minh trên các bãi biển đổ bộ. Các đánh giá của PLA cho rằng “sự chênh lệch cực đoan” về số lượng máy bay tấn công là khoảng 20 chọi 1. Như đã lưu ý ở trên, sự kiểm soát không phận của Đồng minh cho phép máy bay ném bom Mỹ và Anh Quốc tiêu diệt các tuyến tiếp tế của Đức. Quan trọng nhất, máy bay ném bom Đồng minh cũng đã thành công trong việc vô hiệu hóa hệ thống radar ven biển của Đức Quốc xã, trên thực tế đã làm kẻ thù mất tầm nhìn. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc tin rằng những cuộc tấn công này là cần thiết cho các hoạt động đổ bộ đường không (dù và tàu lượn) quan trọng, gây ra sự hỗn loạn ở hậu phương của Đức.
Các nguồn tin Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần tầm quan trọng của các hoạt động đổ bộ đường không này để hỗ trợ cho việc đổ bộ xâm chiếm bãi biển. Họ thậm chí còn trích dẫn Tướng Dwight Eisenhower, khi đối mặt với ước tính của ban tham mưu rằng lực lượng đổ bộ đường không của Đồng minh có thể chịu thương vong lên tới 50%, ông đã trả lời rằng cần phải chấp nhận những rủi ro như vậy. Đáng chú ý, lực lượng đổ bộ đường không của Trung Quốc đã được xây dựng trong thập kỷ qua, vì vậy họ có thể triển khai hàng chục nghìn quân đến Đài Loan trong 24 giờ đầu tiên của cuộc xâm lược.
Một chủ đề quan trọng cuối cùng trong đánh giá của Trung Quốc về D-Day là sự hiểu biết rằng bất ngờ và đánh lạc hướng là yếu tố quan trọng để thành công trong chiến tranh đổ bộ. Do đó, một phân tích của Trung Quốc đã thảo luận chi tiết về mưu kế của Đồng minh khiến Đức “phòng thủ mạnh mẽ ở Calais, nhưng chỉ phòng thủ yếu ớt ở Normandy.” Theo một diễn giải của Trung Quốc, điều này cho phép quân xâm lược Đồng minh tận dụng “điểm yếu trong phòng thủ của đối phương, tránh thế mạnh và tấn công vào các lỗ hổng.”
Nhiều nhà phân tích quốc phòng phương Tây nghiên cứu về D-Day và đã nhầm lẫn kết luận rằng Trung Quốc không bao giờ có thể thực hiện một chiến dịch phức tạp như vậy. Đúng là PLA sẽ không có được lợi ích từ các cuộc tập trận thực tế mà Đồng minh đã có, cho dù ở Sicily hay Tarawa. Tuy nhiên, chỉ huy PLA cũng sẽ có nhiều lợi thế mà Eisenhower không có, chẳng hạn như khả năng tiếp cận trinh sát vệ tinh, drone và trực thăng tấn công. Hơn nữa, PLA sẽ không phải đối đầu với “Bức tường Đại Tây Dương” hay quân đội Đức, một trong những đội quân dày dặn kinh nghiệm và hiệu quả nhất trong lịch sử.
Cuối cùng, điều đáng nhớ là, đối với tất cả các anh hùng của D-Day, tổng thiệt hại cho lực lượng xâm lược khá nhỏ với 4.400 người thiệt mạng trong số 150.000 quân đổ bộ lên bờ. Chắc chắn, PLA có thể dự kiến sẽ mất một tỷ lệ quân lớn hơn nhiều và Bắc Kinh sẽ chấp nhận những tổn thất đó. Các chiến lược gia có sự đánh giá thực sự về những gì xảy ra vào D-Day nên nhận ra rằng, trên thực tế, Trung Quốc có thể thực hiện một cuộc xâm lược tổng lực.
Để tránh kịch bản ác mộng về tình huống bất ngờ ở Đài Loan, các nhà lãnh đạo Mỹ nên nỗ lực tích cực hơn nhiều để tìm ra giải pháp ngoại giao, thay vì tìm kiếm các biện pháp quân sự tuyệt vọng nhằm khắc phục cán cân quân sự trên eo biển Đài Loan đã biến mất từ lâu.
Lyle Goldstein là Giám đốc Chương trình Hợp tác Châu Á tại Defense Priorities.