Chiến lược quốc phòng ba mặt trận của Mỹ

Nguồn: Thomas G. Mahnken, “A Three-Theater Defense Strategy”, Foreign Affairs, 05/06/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Cách mà Mỹ có thể chuẩn bị cho chiến tranh ở châu Á, châu Âu và Trung Đông.

Dưới thời các Tổng thống Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden, chiến lược quốc phòng của Mỹ đã được xây dựng dựa trên quan điểm lạc quan rằng Mỹ sẽ không bao giờ phải tham gia nhiều cuộc chiến cùng một lúc. Dưới thời chính quyền Obama, trước tình trạng thắt lưng buộc bụng về tài chính, Bộ Quốc phòng đã từ bỏ chính sách đã có từ lâu là sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong hai cuộc chiến lớn để tập trung vào việc có đủ các công cụ để chiến đấu và chiến thắng trong một cuộc chiến. Động thái này đã đẩy nhanh xu hướng xây dựng một quân đội Mỹ nhỏ hơn. Nó cũng thu hẹp các lựa chọn có sẵn cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, vì giành nguồn lực tham chiến ở nơi này sẽ ngăn cản hành động quân sự ở nơi khác.

Tại thời điểm đó, sự chuyển đổi này là thiếu định hướng, nhưng ở hiện tại lại là một sai lầm. Mỹ hiện đang tham gia vào hai cuộc chiến – cuộc chiến của Ukraine ở châu Âu và cuộc chiến của Israel ở Trung Đông – trong khi phải đối mặt với khả năng xảy ra cuộc chiến thứ ba ở Đài Loan hoặc Hàn Quốc ở Đông Á. Cả ba khu vực đều quan trọng đối với lợi ích của Mỹ và chúng đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Những nỗ lực trước đây nhằm giảm ưu tiên cho châu Âu và rút khỏi Trung Đông đã làm suy yếu an ninh của Mỹ. Chẳng hạn, việc rút quân của Mỹ khỏi Trung Đông đã tạo ra một khoảng trống mà Tehran mong muốn khỏa lấp. Việc không đáp trả hành động xâm lược ở một khu vực có thể được coi là dấu hiệu Mỹ trở nên yếu kém. Ví dụ, các đồng minh trên khắp thế giới đã mất niềm tin vào Washington sau khi chính quyền Obama không thực thi được “lằn ranh đỏ” chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria. Và các đối thủ của Mỹ đang hợp tác với nhau: Iran bán dầu cho Trung Quốc, Trung Quốc gửi tiền cho Triều Tiên và Triều Tiên gửi vũ khí cho Nga. Mỹ và các đối tác của mình phải đối mặt với một trục quyền lực độc tài trải dài khắp lục địa Á-Âu.

May mắn thay, Washington có những đồng minh và bằng hữu có năng lực ở Đông Á, Châu Âu và Trung Đông. Cùng nhau, họ có sức mạnh để giúp kiềm chế trục quyền lực độc tài. Nhưng để thành công, họ cần phải phối hợp tốt hơn với nhau. Washington và các đồng minh cần phải đạt được điều mà các nhà hoạch định quân sự gọi là khả năng phối hợp (interoperable): có khả năng nhanh chóng gửi tài nguyên qua một hệ thống đã thiết lập đến bất kỳ đồng minh nào cần chúng nhất. Phương Tây nói riêng phải tạo ra và chia sẻ nhiều hơn nữa các loại đạn dược, vũ khí và căn cứ quân sự. Mỹ cũng cần xây dựng các chiến lược quân sự tốt hơn để chiến đấu cùng với các đối tác của mình. Nếu không, Mỹ có nguy cơ bị áp đảo bởi những kẻ thù ngày càng có năng lực và gắn bó chặt chẽ với nhau.

Bạn bè trên hết

Nỗ lực đầu tiên mà Mỹ và các đồng minh cần tăng cường là sản xuất quốc phòng. Phương Tây từ lâu đã là nơi sản xuất các loại vũ khí tiên tiến và tinh vi nhất thế giới. Nhưng hiện tại, họ đơn giản là không sản xuất đủ vật liệu.

Hãy xem xét yếu tố đạn dược. Các cuộc chiến tranh ở cả Gaza và Ukraine đã cho thấy xung đột hiện đại đòi hỏi nhiều đạn dược và có xu hướng kéo dài. Quân đội Ukraine bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày, đôi khi vượt quá khả năng sản xuất của các nhà cung cấp. Israel đã sử dụng hàng nghìn đạn xe tăng và bắn nhiều loại đạn dẫn đường chính xác trong cuộc chiến với Hamas kể từ ngày 7 tháng 10. Tổng hợp lại, nỗ lực chiến tranh của Ukraine và Israel được Mỹ hỗ trợ dẫn đến mức tiêu hao đạn dước lớn tới nỗi các công ty sản xuất phương Tây đang vật lộn để đáp ứng. Kết quả là, Mỹ và các đồng minh của mình phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc họ có thể gửi loại đạn dược nào cho bạn bè và loại đạn nào họ cần giữ lại cho chính mình.

Là thành viên trung tâm và là người đảm bảo an ninh chính của liên minh, Mỹ phải có khả năng đáp ứng nhu cầu của cả lực lượng vũ trang của mình và đồng minh. Để thực hiện điều đó, chính phủ Mỹ nên cung cấp cho các công ty quốc phòng một lượng nhu cầu mua sắm mang tính ổn định cần thiết để thúc đẩy sản xuất. Quốc hội đã thực hiện một bước quan trọng theo hướng này vào năm ngoái, khi ủy quyền cho Lầu Năm Góc mua đạn dược trong nhiều năm, cung cấp hợp đồng dài hạn cho các nhà sản xuất. Nhưng do không thông qua ngân sách kịp thời, Quốc hội đã làm suy yếu nỗ lực đáng khen ngợi này nhằm tạo ra nhu cầu ổn định về đạn dược. Quốc hội nên yêu cầu Bộ Quốc phòng thiết lập mức dự trữ đạn dược tối thiểu và tạo ra một cơ chế để tự động bổ sung kho dự trữ một khi đạn dược được bán hoặc tiêu thụ để cân bằng cung và cầu.

Tuy nhiên, để định vị tốt hơn cho cả bản thân và các đồng minh, Washington cần phải làm nhiều hơn là chỉ sản xuất nhiều đạn dược. Washington cũng phải cải thiện việc tạo ra một quy trình phân phối vũ khí liền mạch. Các đơn đặt hàng vũ khí Mỹ trong và ngoài nước được thực hiện thông qua cùng một dây chuyền lắp ráp, nhưng về thủ tục, các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài được tách biệt khỏi các thương vụ dành cho Mỹ, trong đó vế đầu do Bộ Ngoại giao kiểm soát và vế sau do Bộ Quốc phòng kiểm soát. Sự phân chia này có thể khiến việc điều chỉnh nguồn cung để đáp ứng nhu cầu trở nên khó khăn. Thủ tục quan liêu làm cho quá trình bán vũ khí cho nước ngoài trở nên chậm chạp và cồng kềnh. Ngay cả khi các thương vụ đó được phê duyệt, các đồng minh thường được xếp vào cuối danh sách, nơi họ có thể phải đợi nhiều năm để có được vũ khí mà họ đã trả tiền và cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công sắp xảy ra. Để giải quyết vấn đề này, Mỹ phải đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình mua bán cho các khách hàng nước ngoài. Mỹ nên cho phép Bộ Quốc phòng bao hàm các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài như một phần của thông tin về nhu cầu dành cho ngành công nghiệp và lược giản các quy tắc khiến các đồng minh phải chờ đợi sau các hợp đồng với Mỹ.

Việc hoàn thành các hợp đồng bán đạn dược cho nước ngoài trước khi đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Mỹ có vẻ gây hại cho lợi ích của Mỹ, ngay cả khi các quốc gia đó đã đặt hàng trước. Chắc chắn sẽ có lúc nhu cầu của Washington cần được ưu tiên. Nhưng cho phép các công ty quốc phòng vận chuyển vũ khí đến Đài Loan hoặc Ba Lan trước khi đến căn cứ Bragg khi cần thiết có thể tăng cường an ninh của Mỹ – đặc biệt là khi Mỹ không chiến đấu một mình trong các cuộc chiến tranh lớn. Ví dụ, nỗ lực cung cấp cho Ukraine là một vấn đề thực sự mang tính đa quốc gia, với sự tham gia của Mỹ và các đồng minh trong NATO và trên khắp châu Âu và châu Á. Bằng cách kìm hãm sự hung hăng của Nga, các quốc gia này cũng thúc đẩy an ninh của Washington cũng như an ninh của họ. Các đồng minh của Mỹ cũng đã mở rộng ngành công nghiệp đạn dược của riêng họ để giúp Ukraine chống lại Moscow, điều này cuối cùng làm giảm bớt nhu cầu đối với Mỹ. Washington có thể khuyến khích các quốc gia này tiếp tục mở rộng sản xuất bằng cách đảm bảo rằng khi cần đến vũ khí của Mỹ, đơn đặt hàng của họ sẽ không bị coi là thứ yếu.

Chia sẻ công nghệ với đồng minh

Mỹ có rất nhiều vũ khí có thể bán cho các đồng minh. Đây là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về máy bay chiến đấu tiên tiến, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, năng lực vũ trụ và phần mềm, và Washington nên phát triển nhiều năng lực trong số này với mục đích xuất khẩu chúng. Ví dụ, máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider tối tân của Không quân Mỹ có thể hữu ích cho các đồng minh như Úc, những nước cần khả năng tấn công tầm xa, nhưng sự do dự trong việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến lại cản trở việc cung cấp cho các đối tác thân cận những trang thiết bị tốt nhất hiện có. Chính sách của Mỹ nên đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ có quyền lựa chọn cung cấp các hệ thống tiên tiến như vậy cho các đồng minh thân cận.

May mắn thay, Washington có kinh nghiệm quý báu trong việc chia sẻ công nghệ quân sự của mình. Bên cạnh Mỹ, bảy quốc gia khác – Úc, Canada, Đan Mạch, Ý, Hà Lan, Na Uy và Anh – là đối tác trong chương trình máy bay chiến đấu F-35, và thêm chín quốc gia nữa đã đồng ý mua máy bay này. Máy bay F-35 được hỗ trợ bởi một cơ sở hạ tầng bảo trì và hậu cần thực sự toàn cầu. Thỏa thuận AUKUS là một ví dụ khác; nó mở đường cho Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và Anh tăng cường khả năng tác chiến dưới nước. AUKUS cũng đã giúp Washington bằng cách phơi bày những hạn chế của ngành đóng tàu. Thỏa thuận này cho thấy rõ rằng các xưởng đóng tàu Mỹ không đủ lớn hoặc đủ khả năng để hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Mỹ cũng như đóng tàu ngầm cho Úc, buộc Canberra phải đầu tư 3 tỷ USD vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng công nghiệp tàu ngầm của Mỹ. Sự đầu tư này sẽ phục vụ cho cả lợi ích của Mỹ và Úc.

Các đồng minh cũng có thể giúp ích cho cơ sở quốc phòng của Mỹ theo những cách khác. Mỹ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong một số lĩnh vực sản xuất quốc phòng, nhưng nhiều đồng minh của nước này lại có lợi thế so sánh trong những lĩnh vực khác. Mặc dù ngành đóng tàu của Mỹ đã thu hẹp lại, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc có những xưởng đóng tàu ấn tượng mà Washington có thể tận dụng. Israel sản xuất các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tuyệt vời như Mái vòm sắt, và Na Uy sở hữu các tên lửa chống hạm xuất sắc. Washington nên làm nhiều hơn nữa để khuyến khích các đồng minh này chia sẻ các công nghệ hàng đầu của họ.

Tuy nhiên, mở rộng hợp tác như vậy sẽ không dễ dàng. Ngành công nghiệp quốc phòng – cùng với việc làm và nguồn tài trợ đi kèm – là vấn đề của chính trị nội bộ, cả ở Washington và ở các thủ đô đồng minh. Đó là lý do tại sao, ngay cả trong những lĩnh vực mà Quốc hội Mỹ tìm cách thúc đẩy hợp tác, các quan chức quốc phòng vẫn gặp phải những trở ngại về mặt quan liêu. Úc, Canada và Anh được coi là một phần của cái mà luật pháp Mỹ gọi là Cơ sở Công nghệ và Công nghiệp Quốc gia Mỹ, bao gồm những cá nhân và tổ chức liên quan đến an ninh quốc gia và nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm lưỡng dụng. Tuy nhiên, các yêu cầu về nguồn cung nội địa và các quy trình hoạt động mang tính tiêu chuẩn vẫn cản trở sự hợp tác sâu sắc giữa những người quốc gia bạn bè này. Có những động lực chính trị mạnh mẽ để duy trì những rào cản như vậy, chẳng hạn như lo ngại về việc làm trong nước, nhưng sẽ là khôn ngoan nếu quan chức Mỹ đối mặt với sức ép đó và loại bỏ chúng. Việc buộc các công ty mua mọi thứ ở trong nước rất hấp dẫn, nhưng người Mỹ cuối cùng sẽ an toàn và thịnh vượng hơn nếu nước này có quyền truy cập vào nhiều sản phẩm quốc phòng tốt hơn, bất kể nguồn gốc của chúng.

Hành động như một thể thống nhất

Mỹ sở hữu một mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu vô song, cho phép nước này duy trì sức mạnh trong hơn một thế kỷ. Một số căn cứ này nằm trên lãnh thổ Mỹ, từ đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương đến Maine trên Bờ Đông Mỹ. Số khác nằm trên lãnh thổ đồng minh, được thiết kế để trấn an bạn bè và răn đe kẻ thù của Mỹ. Nhưng tất cả các căn cứ này đều trở nên dễ bị tấn công hơn, vì các đối thủ đã có được khả năng tấn công chính xác từ khoảng cách xa (như Iran và Nga đều đã làm trong sáu tháng qua). Do đó, để đạt được khả năng phối hợp hoàn toàn, Mỹ và các đối tác sẽ cần phải bảo vệ các căn cứ của họ và triển khai khí tài một cách tốt hơn.

Trong những năm gần đây, Không quân Mỹ đã phát triển chiến lược “triển khai chiến đấu linh hoạt” như một cách để hoạt động chống lại một kẻ thù có năng lực. Chiến lược này bao gồm vận hành máy bay chiến đấu từ các căn cứ phân tán để chúng không dễ bị nhắm mục tiêu. Tương tự, Hải quân Mỹ đã bắt đầu học cách tấn công mục tiêu từ các tàu, máy bay và tàu ngầm phân tán. Nhưng hiệu quả của những khái niệm này và sức mạnh của Mỹ phụ thuộc vào các căn cứ tiền phương và hỗ trợ hậu cần, bao gồm cả trên lãnh thổ đồng minh. Do đó, Washington và các đối tác phải tìm thêm địa điểm để đồn trú quân đội và dự trữ vũ khí.

Ở Tây Thái Bình Dương, Nhật Bản cung cấp một số vị trí triển vọng cho các chiến dịch phân tán. Quốc gia này có nhiều cảng biển, sân bay và cơ sở hỗ trợ được kết nối với mạng lưới đường bộ và đường sắt. Nhưng các cơ chế hiện có khiến quân đội Nhật Bản chỉ có thể sử dụng được một phần nhỏ các cơ sở này, và lực lượng Mỹ thậm chí còn bị hạn chế hơn. Mỹ nên khuyến khích chính phủ Nhật Bản mở rộng quyền tiếp cận của cả hai quân đội với các cảng biển và sân bay hữu ích về mặt quân sự thay vì hạn chế chúng chủ yếu ở các căn cứ được chỉ định của Mỹ.

Trong thời gian chờ đợi, Mỹ có thể luân chuyển thêm binh lính thông qua miền bắc nước Úc. Miền bắc Úc đủ xa Trung Quốc để an toàn trước hầu hết các mối đe dọa tên lửa và máy bay của Trung Quốc, nhưng vẫn đủ gần để tiến hành hỗ trợ các chiến dịch trong một cuộc xung đột tiềm năng ở Tây Thái Bình Dương. Đã từng có tiền lệ: trong Thế chiến II, toàn bộ vùng đất miền bắc Úc rải rác các sân bay mà từ đó các phi công Mỹ và Úc sử dụng để chiến đấu chống lại Nhật Bản. Phần còn lại của nhiều căn cứ này vẫn tồn tại, sẵn sàng được khôi phục. Mỹ và Úc chỉ đơn giản cần cải tạo và mở rộng chúng.

Mỹ và các đồng minh cũng cần phải cải thiện khả năng phòng thủ các cơ sở của họ trước các loại tên lửa ngày càng tối tân. Họ phải vượt ra ngoài cách tiếp cận truyền thống đối với phòng thủ tên lửa và phòng không, vốn phụ thuộc vào việc sử dụng một số lượng nhỏ các tên lửa đánh chặn đắt tiền, sang phương pháp sử dụng vũ khí năng lượng định hướng (như laser hoặc vũ khí xung điện từ), số lượng lớn các tên lửa đánh chặn giá rẻ và các cảm biến có thể cung cấp thông tin cần thiết để đánh bại các cuộc tấn công lớn, phức tạp, chẳng hạn như cuộc tấn công mà Iran đã tiến hành chống lại Israel vào tháng 4. Úc, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được tiến bộ trong việc kêu gọi phát triển một kiến trúc phòng thủ tên lửa và phòng không mang tính mạng lưới để bảo vệ lẫn nhau. Bây giờ, họ phải tiếp tục thực hiện nó.

Việc mở rộng khả năng tiếp cận căn cứ sẽ góp phần hơn nữa vào năng lực phối hợp. Bằng cách huấn luyện và tác chiến chặt chẽ hơn với nhau trong thời bình, lực lượng Mỹ và đồng minh sẽ phát triển các thói quen hợp tác phục vụ tốt cho họ trong thời chiến. Ví dụ, các đồng minh có thể đạt được các thỏa thuận cho phép họ nhanh chóng tăng cường lực lượng và tài nguyên đến các căn cứ trên khắp các chiến trường, khi cần thiết, để ngăn chặn các mối đe dọa hoặc đáp trả các hành động xâm lược.

Cùng nhau tác chiến

Mỹ và các đối tác cần hợp tác chặt chẽ hơn về đạn dược, căn cứ quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng nói chung. Nhưng khả năng phối hợp không chỉ đơn thuần là trao đổi các nguồn lực vật chất. Phương Tây cũng cần phải nỗ lực hơn trong việc đưa ra các khái niệm và chiến lược chung. Washington phải có những cuộc trao đổi thẳng thắn với các đồng minh để giúp làm rõ các giả định về mục tiêu, chiến lược, vai trò và nhiệm vụ, từ đó mang lại sự hiểu biết tốt hơn về cách thức hợp tác hiệu quả nhất.

Lấy ví dụ như việc phát triển các phương thức chiến tranh mới. Trong Chiến tranh Lạnh, lục quân và không quân đã phát triển các chiến lược về cách đánh bại một cuộc tấn công của Liên Xô vào NATO ở Trung Âu, một số chiến lược trong số đó vẫn còn được sử dụng. Ngày nay, quân đội Mỹ đang phát triển một loạt các khái niệm tác chiến nội bộ mới phù hợp với chiến tranh hiện đại. Nhưng Washington nên mở rộng quá trình này cho các đồng minh thân cận, vừa để học hỏi từ họ, vừa để đảm bảo họ có vị trí tốt nhất để hoạt động cùng với Mỹ trong thời chiến. Ví dụ, Mỹ và các đồng minh chủ chốt như Úc, Nhật Bản và Philippines phải tìm ra cách phối hợp với nhau để đối phó với mối đe dọa xâm lược của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Tất nhiên, Mỹ không thể chia sẻ tất cả mọi thứ – về mặt vật chất hay ý tưởng – với các đối tác của mình. Một số vũ khí không bao giờ nên được chia sẻ. Nhưng lịch sử cho thấy người Mỹ chiến đấu tốt nhất khi họ chiến đấu cùng với các đồng minh. Họ có nhiều khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận khi họ hợp tác với nhiều đối tác. Khi Washington phải đối mặt với những nguy hiểm ngày càng tăng ở ba khu vực, họ phải học cách hợp tác và chia sẻ tốt hơn với những chiến hữu của mình. Trong các cuộc chiến tranh lớn, không quốc gia nào, ngay cả quốc gia mạnh nhất thế giới, có thể chiến đấu đơn độc.

Thomas G. Mahnken là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, đồng thời là Giáo sư Nghiên cứu Cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins.

Related posts