Bình luận: Câu chuyện buồn của tầng lớp trung lưu Trung Quốc

Milton Ezrati

Bình luận: Câu chuyện buồn của tầng lớp trung lưu Trung Quốc
Người dân đi bộ trong một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 15/6/2023. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Bức tranh kinh tế phản ánh một câu chuyện buồn đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Không có một thước đo nào có thể tóm tắt tình hình, nhưng sức nặng của các bằng chứng cho thấy một câu chuyện buồn về sự suy thoái ở Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, những người từng lạc quan và tự tin, đang đánh mất dần vị thế và trong nhiều trường hợp, đang quay trở lại cảnh nghèo đói.

Vấn đề này đặt ra cho chính quyền Trung Quốc một vấn đề nghiêm trọng. Nó để lại ấn tượng rằng giới lãnh đạo đất nước này đã không giữ được lời hứa ngầm với người dân Trung Quốc, trong đó người dân sẽ lặng lẽ chấp nhận bị cai trị, chừng nào chính quyền Trung Quốc còn mang lại cho họ sự thịnh vượng.

Cho đến nay, công chúng đã có cách tiếp cận thụ động đối với tình hình, cắt giảm chi tiêu và cố gắng, bất chấp mọi khó khăn, để xây dựng lại sự giàu có. Nếu mọi thứ trở nên cực đoan, không thể biết người dân Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Rốt cuộc, đã có bạo lực đáng kể bùng phát trong cuộc suy thoái năm 2009.

Nguyên nhân chính của vấn đề là cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc. Nó đã tàn phá nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc từ năm 2021, thời điểm nhà phát triển bất động sản nhà ở khổng lồ Evergrande tuyên bố rằng họ không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình. Những gián đoạn tài chính do sự cố này và một số sự cố khác xảy ra trong những năm sau đó đã làm chậm tốc độ xây dựng và mua nhà.

Điều quan trọng hơn đối với tầng lớp trung lưu là những vấn đề này làm giảm giá trị của những ngôi nhà hiện có, vốn là nguồn tài sản chính của hộ gia đình của hầu hết người dân Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Ví dụ, vào tháng 12 năm ngoái, giá trung bình của một căn nhà hiện có tại 70 thành phố vừa và lớn của Trung Quốc đã giảm 6,3% so với năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 2011.

Có lẽ bằng chứng đáng chú ý nhất đến từ bản báo cáo gần đây của bộ tài chính Trung Quốc về khoản thu thuế thu nhập của Bắc Kinh. Các biên lai thuế thu nhập cá nhân trong tháng 1 và tháng 2, giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu, chỉ ra tổng số tiền khoảng 362,2 tỷ CNY (nhân dân tệ) (45,1 tỷ USD). Con số đó thấp hơn 16% so với mức của năm 2023. Một chi tiết còn đáng chú ý hơn nữa là lời giải thích của bộ về lý do khoản thu này giảm. Vì những cá nhân kiếm được dưới 100.000 CNY một năm về cơ bản không phải trả thuế thu nhập cá nhân, nên sự sụt giảm trong khoản thu thuế thu nhập cá nhân phản ánh sự dịch chuyển của các hộ gia đình sang mức thu nhập dưới ngưỡng này. Và vì con số thu nhập hàng năm 100.000 CNY này cũng đánh dấu mức thấp nhất mà xã hội Trung Quốc coi là tầng lớp trung lưu, nên sự sụt giảm về khoản thu thuế thu nhập cá nhân cũng phản ánh có bao nhiêu người đã rời khỏi vị thế được nhiều người ao ước này.

Dữ liệu do Bloomberg News thu thập về mức lương khởi điểm của người Trung Quốc cũng kể một câu chuyện buồn tương tự. Mức lương khởi điểm đã giảm 1,3% trong quý IV năm 2023, giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu. Đó là quý thứ 3 liên tiếp con số này giảm. Dữ liệu tiền thưởng thậm chí còn đáng thất vọng hơn, giảm trung bình khoảng 17,5% so với năm trước. Tiền thưởng thậm chí còn giảm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực Internet và viễn thông, 27%, và thậm chí lại còn giảm hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, 35%.

Dựa trên những thông tin như vậy, không có gì ngạc nhiên khi doanh số bán hàng xa xỉ đã giảm mạnh. Gucci báo cáo rằng doanh số bán hàng tại Trung Quốc của hãng đã giảm 20% trong quý so với mức của một năm trước. Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang Trung Quốc đã giảm 25% so với số liệu của năm trước. Các nhà hàng cao cấp ở Trung Quốc cũng báo cáo mức giảm tương tự, đặc biệt là vì lượng khách hàng đã tăng lên ở những nhà hàng thấp cấp hơn. Trong một câu chuyện khác, lượng hàng tồn kho đàn piano cũ đã tăng cao đến mức gây áp lực giảm giá đáng kể. Một cây đàn piano trong nhà là dấu hiệu của tầng lớp trung lưu; tình trạng dư thừa hàng tồn kho này cho thấy có bao nhiêu người đã phải rời bỏ tầng lớp này.

Không có gì trong bức tranh này mang lại sự khích lệ ở mức độ tối thiểu cho triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Đối với tầng lớp trung lưu, vốn đang ở trong một trạng thái thật tồi tệ, xu hướng chính là ngồi ở nhà, cắt giảm chi tiêu và cố gắng xây dựng lại quỹ tiền tiết kiệm. Đối với ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc, những người đã ngầm hứa với người dân Trung Quốc về sự thịnh vượng, bức tranh đáng lo ngại này ít nhất cũng tạo ra sự bất an cho họ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất định phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).

Related posts