Kết quả bán hàng thất vọng của lễ hội thương mại điện tử 618 ở Trung Quốc cho thấy người tiêu dùng nước này vẫn đang ngần ngại chi tiêu.
Lễ hội thương mại điện tử thường niên giữa năm của Trung Quốc, hay còn gọi là lễ hội “618”, đã không dẫn dắt được một sự thúc đẩy rất cần thiết đối với doanh số bán hàng, báo hiệu rằng những người mua sắm từng rất tích cực của Trung Quốc vẫn còn ngần ngại chi tiêu trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ.
Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của các công ty, hay doanh số bán hàng, trong lễ hội mua sắm này đã giảm 7% so với năm ngoái, xuống còn 742,8 tỷ CNY (nhân dân tệ) (102,3 tỷ USD), lần đầu tiên giảm trong 8 năm, theo tiết lộ của nhà cung cấp dữ liệu bán lẻ Syntun trong một báo cáo vào ngày 19/6.
Kỳ vọng là rất cao đối với sự kiện nổi bật này của năm nay, vốn là cơ hội rất cần thiết để các nhà bán lẻ trực tuyến phục hồi doanh số bán hàng của họ, nhưng doanh thu đã giảm, mặc dù đã có các chương trình khuyến mãi mạnh mẽ, tại bữa tiệc giảm giá lớn kết thúc vào ngày 18/6, theo công cụ theo dõi dữ liệu của bên thứ ba.
Điều này có ý nghĩa quan trọng vì theo Syntun, GMV tại 618 đã tăng trưởng đều trong suốt thời kỳ đại dịch, đạt đỉnh khoảng 800 tỷ CNY vào năm 2023.
“[Mặc dù] việc tiêu dùng liên tục hạ cấp và tỷ lệ hoàn trả cao hơn có thể đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của 618”, HCBC Global Research cho biết trong một ghi chú vào thứ 5 (20/5), cả tỷ lệ hoàn trả cao hơn và doanh số bán hàng giảm đều cho thấy “hành vi thận trọng của người tiêu dùng”, báo cáo cho biết thêm.
Lễ hội này ban đầu được đặt tên bởi gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com và kể từ đó đã được tất cả các nền tảng áp dụng, hiện là sự kiện mua sắm thường niên lớn thứ hai của Trung Quốc sau Ngày lễ độc thân vào tháng 11. Sự kiện này cũng được coi là thước đo quan trọng về chi tiêu của hộ gia đình.
Các nhà phân tích lo ngại vì chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng là rất quan trọng đối với sự phục hồi ngay lập tức và sức khỏe kinh tế lâu dài của Trung Quốc.
Dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc vẽ nên một bức tranh ảm đạm, với nhu cầu trong nước yếu làm đình trệ sự phục hồi sau những rắc rối của thị trường bất động sản và cho thấy sự suy giảm mạnh về tăng trưởng.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố tuần này cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IP) theo tháng đã chậm lại còn 0,3% trong tháng 5 từ mức 1,0% trong tháng 4.
Sự suy yếu này là do sự suy giảm của IP liên quan đến bất động sản, với sản lượng xi-măng giảm mạnh trong năm nay sau 3 năm suy giảm, từ năm 2021 đến năm 2023.
Ngoài ra, tăng trưởng IP ô-tô đã giảm hơn một nửa xuống còn 7,6% so với cùng kỳ năm trước (YOY) từ mức 16,3% của tháng trước và tăng trưởng IP cho cao su và nhựa, việc luyện và chế biến kim loại đen cũng chậm lại vào tháng 5.
Vào tháng 5, với mức giá trung bình giảm 0,7% so với tháng trước, Trung Quốc cũng chứng kiến mức giảm mạnh nhất về giá nhà mới trong hơn 9 năm rưỡi, bất chấp các biện pháp của chính phủ nhằm ổn định thị trường bất động sản bằng cách giải quyết tình trạng cung vượt cầu và hỗ trợ các nhà phát triển nợ nần chồng chất.
Tích cực giảm giá và quảng cáo
Phân tích của Syntun, bao gồm hơn 20 nền tảng, cho thấy doanh số bán hàng yếu trong năm nay mặc dù các công ty đã kéo dài thời gian bán hàng giảm giá 618 của họ. Ví dụ, Tmall đã bắt đầu chương trình khuyến mãi 618 của mình từ ngày 20/5, thay vì ngày bắt đầu thông thường là 31/5.
Năm nay, những đơn vị chủ chốt bao gồm JD.com, Alibaba và Taobao cũng đã dừng thời gian bán trước thông thường, vốn cho phép khách hàng đặt cọc cho sản phẩm và hoàn tất đơn hàng sau. Thay vào đó, họ kéo dài thời gian bán giảm giá.
Cạnh tranh cũng rất khốc liệt.
Ví dụ, trong lễ hội 618 năm nay, một số mẫu iPhone của Apple đã được giảm giá tới 20% trên các chợ của Trung Quốc như JD.com và Tmall, theo các bài báo.
Các công ty trong ngành cũng đã nỗ lực hết sức để vực dậy thị trường sau thời kỳ suy thoái hậu COVID nhằm quay trở lại thời kỳ hoàng kim trước năm 2020. Ví dụ, ByteDance và PDD Holdings đã quảng cáo mức giảm giá chưa từng có cho sản phẩm Lululemon, trong khi Alibaba Group giảm giá 50%.
Bên cạnh đó, “các nền tảng phát trực tiếp [đã] trở thành một trong số ít điểm nhấn của chương trình khuyến mãi năm nay”, Syntun lưu ý.
Các nền tảng trực tuyến tận dụng video trực tiếp và việc hoàn tiền không cần hỏi lý do, mời những người nổi tiếng hạng A quảng cáo cho sản phẩm của họ. Ví dụ, Rihanna đã làm nhanh bánh crepe jian bing Trung Quốc trên một nền tảng của Trung Quốc trước khi trở thành gương mặt đại diện mới của nước hoa J’Adore.
Ngoài ra, JD.com đã tạo ra hình đại diện kỹ thuật số của người sáng lập Richard Liu để quảng cáo cho bít tết và quả việt quất.
Tuy nhiên, các hộ gia đình Trung Quốc có ý thức về tiết kiệm vẫn chưa muốn nới lỏng hầu bao hoặc vay thêm tiền để chi tiêu nhiều hơn, các nhà phân tích lưu ý. “Chúng tôi thấy mong muốn tiết kiệm lớn hơn”, Barclays FICC Research cho biết trong một ghi chú vào thứ 2 (17/6).
Lo ngại của các nước khác
Việc người tiêu dùng Trung Quốc không muốn chi tiêu có thể tác động đáng kể đến cả thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng gây ra những tác động lan tỏa trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ và các quốc gia khác lo ngại về sự gia tăng hàng xuất khẩu của Trung Quốc khi nước này tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra thặng dư xuất khẩu, đôi khi sử dụng các thị trường khác làm các bên trung gian để chuyển hướng công suất dư thừa.
Chẳng hạn, trong một báo cáo được công bố vào ngày 14/6, Liên minh Sản xuất Hoa Kỳ đã nhấn mạnh những lo ngại này, cảnh báo rằng sự gia tăng hàng xuất khẩu giá rẻ và được trợ cấp của Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho việc làm của Hoa Kỳ, đồng thời ủng hộ việc hành động nhanh chóng để đối phó với vấn đề này.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng nhấn mạnh đến vấn đề dư thừa công suất sản xuất, cụ thể là trong lĩnh vực xe điện (EV) và tấm pin mặt trời – những lĩnh vực mà các quan chức Hoa Kỳ đang tích cực tìm cách phát triển trong nước.
Vào ngày 12/6, Liên minh Châu Âu đã công bố mức thuế mới lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ tháng tới. Động thái này là phản ứng đối với những gì EU mô tả là trợ cấp không công bằng từ chính phủ Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào thị trường EU.
“Công suất dư thừa của Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát sang phần còn lại của thế giới”, ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng tại ING, đã viết trong một ghi chú vào tháng 5. Ông cho rằng, “Công suất dư thừa của Trung Quốc cuối cùng sẽ được xuất khẩu với giá thấp hơn so với hàng hóa tương tự ở các thị trường khác, về lý thuyết sẽ gây ra tác động giảm phát”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch