Biển Đông: Tiết lộ của đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh về căng thẳng Mỹ – Trung Quốc

Laura Bicker

Phóng viên Các Vấn đề về Trung Quốc

Bắc Kinh

21 tháng 6 2024

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nói với BBC rằng Washington và Bắc Kinh đang đàm phán thường xuyên hơn để tránh xung đột ở Biển Đông bất chấp mối quan hệ “đầy tranh cãi và cạnh tranh” giữa hai nước.

Chụp lại video: Đại sứ Nicholas Burns nói với phóng viên BBC Laura Bicker rằng Mỹ “tập trung vào việc giảm xung đột” với Trung Quốc

“Quân đội của chúng tôi đang hoạt động rất gần nhau ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Chúng tôi không muốn gửi đi tín hiệu sai”, ông Nicholas Burns nói trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh hồi đầu tuần.

Biển Đông đã trở thành một điểm nóng nguy hiểm, nơi các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đang làm gia tăng căng thẳng với Đài Loan và Philippines, cũng như đồng minh mạnh nhất của họ là Mỹ.

Các tàu Trung Quốc và Philippines đã chơi trò mèo vờn chuột nguy hiểm trong vùng biển tranh chấp này trong những tháng gần đây – cuộc xung đột mới nhất trong tuần này được cho là liên quan đến việc thành viên lực lượng hải cảnh Trung Quốc lên một chiếc tàu của Philippines và tấn công thủy thủ bằng kiếm và dao.

Mỹ, quốc gia đã liên kết các liên minh quân sự từ Manila đến Tokyo, đã nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của các đồng minh ở Biển Đông.

Điều này khiến mối quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn – mối quan hệ vốn đã quay cuồng vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga, các tuyên bố của Trung Quốc về Đài Loan và cuộc chiến thương mại.

Chụp lại hình ảnh: Tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu ở Biển Đông.  Nguồn hình ảnh: Reuters

Ông Burns cho biết đây là những điểm nóng vẫn “chia rẽ hoàn toàn” hai bên, nhưng điều quan trọng là phải cố gắng “đoàn kết mọi người” nếu có thể.

“Trung Quốc đã đồng ý tăng cường liên lạc giữa quân đội với quân đội và điều đó thực sự quan trọng đối với chúng tôi. Cần có sự liên lạc vì một sự cố, một sự hiểu lầm dẫn đến xung đột là điều không ai muốn cả,” nhà ngoại giao 68 tuổi nói.

Trong khi căng thẳng đã giảm bớt, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có nguy cơ phá vỡ mối quan hệ một lần nữa.

Ông Burns nói: “Chúng tôi đã cảnh báo Trung Quốc không được can dự vào cuộc bầu cử của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức, cách thức nào”, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ “rất lo ngại” về khả năng này.

Đầu năm nay, các quan chức FBI cho biết Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nỗ lực gây chia rẽ và giúp truyền bá thông tin sai lệch trên mạng.

Đại sứ Nicholas Burns cho biết FBI có bằng chứng về hành vi “xâm lược mạng của chính quyền Trung Quốc” đối với Mỹ. Bắc Kinh luôn phủ nhận cáo buộc về chiến tranh mạng do nhà nước bảo trợ và nói rằng họ cũng là nạn nhân của loại tội phạm này.

Cả Tổng thống Joe Biden lẫn ứng viên đối thủ Donald Trump đều đua nhau tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, một chiến lược giành phiếu bầu mà họ chú trọng. Vào tháng Năm, Tổng thống Biden đã công bố một loạt mức thuế mới đối với ô tô điện, tấm pin mặt trời và các hàng hóa khác do Trung Quốc sản xuất. Rất ít ô tô điện đến được bờ biển Mỹ, nhưng Đại sứ Burns phủ nhận rằng chính trị trong nước góp phần vào quyết định này.

Ông cho biết đây là một “động thái kinh tế” được thiết kế để bảo vệ việc làm của người Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc cảnh báo có thể trả đũa bằng chính sách thuế quan của mình.

Nhưng vẫn có một số điểm sáng bất chấp sự cạnh tranh.

Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Burns đã có cuộc gặp với đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc khi hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới đang cố gắng tìm cách giảm lượng khí thải độc hại.

Washington và Bắc Kinh cũng đang tổ chức các hoạt động được mô tả là “các cuộc đàm phán cấp cao” để ngăn chặn ma túy fentanyl được xuất sang Mỹ, điều mà ông Burns mô tả là “rất quan trọng”.

Chụp lại hình ảnh, Ông Nicholas Burns (trái) là Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh từ năm 2022. Nguồn hình ảnh: Reuters

Hầu hết các cuộc gặp của ông Nicholas Burns đều ở cấp bộ trưởng và việc tiếp kiến Chủ tịch Tập được dành riêng khi các quan chức cấp cao của Mỹ, chẳng hạn như Ngoại trưởng Antony Blinken, đến thăm.

Cả hai bên cũng cam kết thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước. Điều này diễn ra khi số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc đã giảm từ khoảng 15.000 năm 2011 xuống còn 800.

Ông Tập hy vọng sẽ mở cửa cho 50.000 sinh viên Mỹ đến Trung Quốc trong 5 năm tới. Ông nói trong chuyến thăm San Francisco vào tháng 11 năm ngoái rằng đó là “mong muốn tột bậc của hai dân tộc chúng ta về trao đổi và hợp tác”.

Nhưng Đại sứ Burns cáo buộc các bộ phận trong chính phủ Trung Quốc đã không coi trọng những lời nói nồng ấm này: “Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh San Francisco, đã có 61 vụ việc riêng biệt khi lực lượng an ninh hoặc một bộ thuộc chính phủ ngăn cản công dân Trung Quốc tham gia các chương trình ngoại giao tại đây, tại đại sứ quán của chúng tôi hoặc ngăn cản mọi người đến Mỹ để tham gia các chuyến đi chung – vì vậy rất khó để chúng tôi gắn kết mọi người lại với nhau”.

Mặt khác, sinh viên và học giả Trung Quốc cho biết họ bị các quan chức cửa khẩu Mỹ nhắm tới một cách không công bằng. Đại sứ quán Bắc Kinh tại Washington đã chính thức phản đối và cáo buộc chính quyền Mỹ thẩm vấn, quấy rối, hủy thị thực và thậm chí trục xuất một số sinh viên Trung Quốc có giấy tờ hợp lệ khi họ đến Mỹ.

Washington cũng đã đưa ra khuyến cáo du lịch “cấp 3” đối với Trung Quốc, kêu gọi du khách “xem xét lại” chuyến đi của mình. Ông Burns phủ nhận cảnh báo này mâu thuẫn với lời kêu gọi của Mỹ là “đưa người dân xích lại gần nhau” mà chỉ là một biện pháp phòng ngừa.

“Có những người Mỹ bị cầm tù ở đây mà chúng tôi tin rằng đã bị giam giữ, truy tố sai trái. Tôi đã đến thăm những tù nhân này và chúng tôi muốn họ được thả”. 

Ông cho biết một số người Mỹ đã bị Trung Quốc “cấm xuất cảnh” và bị tịch thu hộ chiếu tại sân bay và không thể rời đi.

Trung Quốc, ngược lại, đã loại Mỹ ra khỏi danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho thời gian lưu trú lên đến 15 ngày – Úc nằm trong danh sách này sau khi Bắc Kinh gần đây đã cải thiện quan hệ với Canberra. Việc giao lưu giữa người dân với người dân – một mục tiêu tương đối dễ dàng trong mối quan hệ vốn đầy rắc rối – lại đang cho thấy là rất khó khăn, có lẽ là dấu hiệu của sự thiếu lòng tin từ cả hai phía.

Nhưng ranh giới lớn nhất hiện nay có thể là cuộc chiến ở Ukraine.

Mỹ dường như tin rằng Trung Quốc có thể nắm giữ chìa khóa để ngăn chặn bước tiến của Nga trên chiến trường. Và Đại sứ Burns nhắc lại thông điệp của Washington rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với cuộc xâm lược của Moscow sẽ không được dung thứ.

Ông nói: “Trung Quốc không trung lập trong cuộc chiến này. Trung Quốc đang thể hiện bản chất thực sự của mình. Đó là ủng hộ Nga, ủng hộ Putin khi ông ta phát động cuộc chiến tranh man rợ này với dân thường Ukraine. Chúng tôi biết những gì các công ty Trung Quốc đang vận chuyển và chúng tôi biết tác động của nó đối với khả năng tiến hành cuộc chiến này của Nga”.

Ông cho biết có “hàng chục ngàn” công ty Trung Quốc đang hỗ trợ Moscow. “Chúng tôi đã trừng phạt một số lượng lớn và chúng tôi sẵn sàng làm nhiều hơn nữa nếu chính phủ ở đây không dừng lại”.

Chụp lại hình ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp ông Tập Cận Bình lần cuối vào tháng 11 năm ngoái. Nguồn hình ảnh: AFP

Tuyên bố của ông lặp lại những tuyên bố của G7 ở Ý vào tuần trước, vốn cho rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga đã “tạo điều kiện” cho cuộc chiến ở Ukraine. Họ cũng đe dọa sẽ có thêm các biện pháp nhằm trừng phạt các công ty Trung Quốc mà họ cho rằng đang giúp Nga lách lệnh cấm vận của phương Tây.

Bắc Kinh đã bác bỏ những cảnh báo này và gọi chúng là “đầy kiêu ngạo, thành kiến và dối trá”.

Tuy nhiên, cũng có một số người coi tình hình hiện tại đã có cải thiện so với năm 2022. Sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi, Bắc Kinh đã cắt đứt mọi liên lạc cấp nội các với Washington. 

Mối quan hệ một lần nữa trở nên tồi tệ vào đầu năm 2023, trước chuyến thăm của ông Blinken. 

Ông đã hủy chuyến đi sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu tầm cao của Trung Quốc bay qua không phận Bắc Mỹ.

Mối quan hệ rốt cuộc đã dần ổn định vào tháng 11 năm ngoái khi ông Biden và ông Tập gặp nhau ở San Francisco.

Ông Burns cho biết hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông thật khó khăn – ông có rất ít giao tiếp với các quan chức Trung Quốc.

Ông nói thêm, giờ đây quan hệ “tương đối tốt hơn” nhưng ông nhìn thấy một con đường khó khăn phía trước: 

“Sự cạnh tranh khắc nghiệt sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới”.

L.B.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Related posts