Báo cáo: Đồng USD duy trì vững chắc vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu

Báo cáo: Đồng USD duy trì vững chắc vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu
Các tờ tiền giấy 10.000 JPY, 100 USD và 100 EUR ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 22/04/2022. (Ảnh: BEHROUZ MEHRI/AFP qua Getty Images)

Các giải pháp thay thế đồng USD vẫn chưa mang tính thực tế, và đồng USD vẫn duy trì được vị thế vững chắc.

Một nghiên cứu mới được công bố hôm thứ 3 (25/6) cho thấy nỗ lực thúc đẩy phi đô la hóa bằng đồng nhân dân tệ (CNY) của chính quyền Trung Quốc, nỗ lực của khối BRICS nhằm tạo ra một loại tiền tệ dự trữ mới và ảnh hưởng ngày càng tăng của đồng euro (EUR) vẫn chưa đủ để hạ bệ đồng USD với tư cách là loại tiền tệ dự trữ thống trị thế giới.

BRICS là một tổ chức liên chính phủ bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các thành viên mới được bổ sung gần đây là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (và thành viên được mời là Ảrập Xêút).

Theo báo cáo “Theo dõi Sự thống trị của Đồng Đô la” (Dollar Dominance Monitor) mới nhất của Hội đồng Đại Tây Dương, đồng USD vẫn tiếp tục thống trị các khoản dự trữ ngoại hối toàn cầu, việc lập hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ, trong khi vai trò là loại tiền tệ dự trữ toàn cầu chính của đồng USD vẫn được duy trì vững chắc trong ngắn hạn và trung hạn.

Báo cáo cho biết thêm rằng nền kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ, chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn và rủi ro địa chính trị gia tăng gần đây đã củng cố vai trò chủ chốt của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu.

Bất chấp sự phân mảnh kinh tế và các nỗ lực của các nước BRICS nhằm đa dạng hóa sang các loại tiền tệ quốc tế và dự trữ khác, ảnh hưởng của đồng USD vẫn rất lớn.

Điều này diễn ra bất chấp thực tế là dữ liệu gần đây từ Thành phần Tiền tệ của Dự trữ Ngoại hối Chính thức (COFER) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương và do chính phủ phân bổ đang giảm dần.

Một loại tiền tệ dự trữ là loại tiền tệ mà các ngân hàng trung ương nắm giữ với số lượng lớn để phục vụ các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế, giúp giảm thiểu chi phí giao dịch liên quan đến ngoại tệ.

Kể từ Thế chiến II, đồng USD đã trở thành loại tiền tệ dự trữ chính của thế giới.

Theo ước tính của Hội đồng Đại Tây Dương, trên toàn cầu, đồng USD chiếm 58% giá trị tiền gửi dự trữ ngoại hối. Đồng EUR, loại tiền tệ được sử dụng nhiều thứ hai, chỉ chiếm chưa đầy 21% tài sản dự trữ ngoại hối.

Gần một nửa trong số tất cả các khoản vay quốc tế, chứng khoán nợ toàn cầu và hóa đơn thương mại quốc tế sử dụng đồng USD. Ngoài ra, theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS), trên các thị trường trao đổi quốc tế nơi các loại tiền tệ được giao dịch, USD chiếm khoảng 90% trong tất cả các giao dịch.

Trong các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, các nhà đầu tư chuyển sang USD như một loại tiền tệ “trú ẩn an toàn”. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008–09 và sự bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD, kỳ vọng giá trị của đồng tiền này sẽ vẫn ổn định.

Trong cả hai cuộc khủng hoảng, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp tiền tệ đặc biệt và thiết lập các kênh trao đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương nước ngoài để đảm bảo tính thanh khoản và tính sẵn có của đồng USD.

CRS cho biết thêm rằng nhu cầu về đồng USD vẫn ở mức cao vì nhiều tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng trung ương có nhu cầu nắm giữ USD và các tài sản được bảo đảm bằng USD, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Nhu cầu đó cho phép Hoa Kỳ vay với lãi suất ưu đãi hơn so với mức lãi suất mà nước này có thể phải trả nếu tình hình khác đi.

Nhu cầu mạnh về đồng USD cũng cho phép chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ vay tiền từ các chủ nợ quốc tế bằng USD. Do đó, những thay đổi về tỷ giá hối đoái không ảnh hưởng đến giá trị của các khoản vay như vậy.

Vị thế vững chắc của đồng USD

Thông thường, việc chuyển đổi từ một loại tiền tệ quốc tế lớn này sang một loại tiền tệ quốc tế lớn khác mất vài năm, thường là hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga và việc leo thang các lệnh trừng phạt tài chính của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), một số quốc gia đã bày tỏ ý định đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối để tránh phụ thuộc vào đồng USD, theo Hội đồng Đại Tây Dương.

“Trong 24 tháng qua, các thành viên của BRICS … đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại và giao dịch”, báo cáo cho biết.

Ví dụ, các thành viên BRICS đã chuyển trọng tâm từ việc thiết lập một loại tiền tệ chung sang phát triển các hệ thống thanh toán xuyên biên giới mới, nhằm mục đích tạo ra một hệ thống tài chính đa cực hơn.

Mặc dù các nước BRICS mới chỉ bắt đầu đàm phán về một hệ thống thanh toán nội khối BRICS, nhưng họ đã có được các thỏa thuận song phương và đa phương về các chủ đề như hoán đổi tiền tệ và tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) bán buôn xuyên biên giới (vốn được dùng trong các giao dịch giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính).

Hội đồng Đại Tây Dương cho biết thêm rằng quy mô của nền tảng trao đổi tiền tệ dựa trên các thỏa thuận này có thể khó được mở rộng do các lo ngại về thanh khoản và quy định.

Theo Hội đồng Đại Tây Dương, Trung Quốc là nước đi đầu trong sáng kiến ​​về một loại tiền tệ dự trữ thay thế toàn cầu, và nước này đã đẩy nhanh quá trình phát triển Hệ thống Thanh toán Liên Ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS), một cơ chế thanh toán bằng đồng CNY.

Theo báo cáo, từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024, CIPS đã mở rộng bằng cách thêm 62 bên tham gia trực tiếp, nâng tổng số lên 142 bên tham gia trực tiếp và 1.394 bên tham gia gián tiếp.

Trong khi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) vẫn thống trị với hơn 11.000 ngân hàng được kết nối, những bên tham gia trực tiếp vào CIPS có thể xử lý giao dịch độc lập với SWIFT hoặc đồng USD.

Báo cáo cho biết: “Trong cùng thời gian này, Trung Quốc [cũng] đã mở rộng hệ thống thanh toán thay thế của mình cho các đối tác thương mại và tìm cách tăng cường sử dụng đồng CNY trên phạm vi quốc tế”.

Tuy nhiên, mặc dù Bắc Kinh tích cực hỗ trợ cho tính thanh khoản của đồng CNY thông qua các kênh hoán đổi, tỷ trọng của đồng CNY trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm từ 2,8% vào năm 2022 xuống còn 2,3% trong quý cuối cùng của năm 2023, báo cáo ước tính.

“Các nhà quản lý dự trữ có thể coi đồng CNY là một loại tiền tệ có rủi ro về mặt địa chính trị do những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và G7”, báo cáo cho biết.

Tương tự như vậy, đồng EUR, từng được coi là đối thủ tiềm tàng của sự thống trị quốc tế của đồng USD, hiện đang tụt hậu đáng kể và mất đi sức hấp dẫn của nó như một loại tiền tệ dự trữ.

Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga vào năm 2022 đã chứng minh với các nhà quản lý dự trữ rằng đồng EUR cũng mang những rủi ro địa chính trị tương tự như đồng USD. Do đó, những người tìm cách giảm thiểu rủi ro khỏi đồng USD đã chuyển sang vàng, hội đồng lưu ý. Gần một phần ba trong số tất cả các ngân hàng trung ương có ý định tăng dự trữ vàng của họ vào năm 2024.

Mặc dù các loại tiền tệ khác đã dần dần thu hút được sự chú ý đối với dự trữ toàn cầu trong những năm gần đây, nhưng sự thống trị của đồng USD vẫn được duy trì. Việc thiếu các lựa chọn thay thế mang tính thực tế tiếp tục củng cố vị thế thống trị toàn cầu của nó, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller đã chỉ ra vào đầu năm nay.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts