Thảo Hương
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người bạn thân nhất” của mình.
Trong 12 năm kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình và Putin đã gặp nhau 43 lần, số lần diện kiến vượt quá tổng số lần diện kiến của ông Tập với tất cả các nhà lãnh đạo nước ngoài khác. Điều này cho thấy ông Tập coi trọng việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Putin đến mức nào.
Về phần Putin, bề ngoài rất lịch sự với Tập, nhưng trong thâm tâm, Putin có thực sự muốn học tập Tập không? Trong tập này, chúng ta sẽ nhìn vào sự thật dựa trên các báo cáo từ các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Cái tát của năm 2024
Vào ngày 16 tháng 5 năm 2024, Putin đến thăm Bắc Kinh, ĐCSTQ đã dành cho ông sự đón tiếp cao nhất. Sau khi gửi nhiều “lễ vật lớn” sang Nga, Tập Cận Bình thậm chí còn chủ động ôm lấy Putin.
Sau cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Putin, một tuyên bố chung Trung-Nga đã được ban hành. Tuyên bố có nội dung:
“Cả hai bên nhắc lại việc tuân thủ ‘Tuyên bố chung của Lãnh đạo 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang’ ban hành ngày 3/1/2022, đặc biệt là quan điểm cho rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân ‘đánh không thắng cũng không được đánh’, một lần nữa kêu gọi tất cả những quốc gia tham gia tuyên bố chung sẽ nghiêm túc tuân thủ tuyên bố này.”
Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi tuyên bố chung Trung-Nga được đưa ra, Nga bắt đầu tổ chức giai đoạn đầu cuộc diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khu vực biên giới Nga-Ukraine.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có sức phá hoại cực lớn. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga có khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược.
Vào ngày 21 tháng 5 năm 2024, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố một cuộc diễn tập được tiến hành ở quân khu phía Nam giáp Ukraine và bao gồm các phần lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Mục đích của cuộc diễn tập này là nhằm đảm bảo quân đội Nga và trang thiết bị quân sự của họ “sẵn sàng chiến đấu bằng vũ khí hạt nhân phi chiến lược”.
Cuộc diễn tập có sự tham gia của tên lửa “Iskander” và tên lửa “Dagger”. Tên lửa Iskander là tên lửa chiến thuật chiến dịch tiên tiến nhất được quân đội Nga trang bị. Mỗi bệ phóng Iskander có khả năng mang theo hai tên lửa, có thể được trang bị nhiều loại vũ khí thông thường và hạt nhân. Tên lửa “Dagger” là tên lửa siêu thanh phóng từ trên không do Nga phát triển. Nó được cho là có tầm bắn hơn 2.000 km, có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân.
Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy xe tải vận chuyển tên lửa đến địa điểm nơi hệ thống phóng đã được triển khai, trong khi quân nhân Nga chuẩn bị triển khai đầu đạn hạt nhân lên máy bay ném bom tại sân bay.
Nghe nói cuộc diễn tập bao gồm thực hành nạp phương tiện phóng, điều khiển đến địa điểm phóng được chỉ định, và nạp tên lửa Iskander và tên lửa “Dagger” lên máy bay.
Mục đích cuộc diễn tập vũ khí hạt nhân của Nga là gì? Đầu tiên là thực hiện răn đe hạt nhân chống lại Ukraine và các đồng minh của nước này; thứ hai là chuẩn bị cho các cuộc tấn công hạt nhân.
Cách tiếp cận của Nga đi ngược lại những gì đã nêu trong tuyên bố chung Trung-Nga. Đây là một cái tát công khai của Putin vào mặt ĐCSTQ về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Nhạo báng công khai vào năm 2023
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2023, Tập Cận Bình đến thăm Moscow sau khi đạt được “ba nhiệm kỳ liên tiếp” ở ba vị trí cao nhất trong đảng, chính phủ và quân đội của ĐCSTQ.
Chỉ ba ngày trước chuyến thăm của ông Tập, vào ngày 17 tháng 3 năm 2023, Tòa án Hình sự Quốc tế The Hague, Hà Lan, đã ban hành lệnh bắt giữ Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình vào thời điểm này được coi là chỗ dựa vững chắc cho Putin.
Vào ngày 21 tháng 3 năm 2023, Tập Cận Bình và Putin đã đồng ký và đưa ra tuyên bố chung nêu rõ: “Tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân không nên triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, mà nên rút lại vũ khí hạt nhân được triển khai ở nước ngoài.” Hai bên tái khẳng định cam kết đối với “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”, và sẽ tiếp tục hợp tác.
Tuy nhiên, vào ngày 25/3, ngày thứ ba sau khi ông Tập trở về Trung Quốc, ông Putin tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với phóng viên kênh tin tức “Nga 24” rằng Nga đã triển khai 10 máy bay chiến đấu có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Bắt đầu từ ngày 3/4, Nga sẽ bắt đầu đào tạo toàn bộ nhân sự; đến ngày 1/7 sẽ hoàn thành việc xây dựng kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt ở Belarus.
Ông Putin cũng nói thêm rằng Moscow đã bàn giao hệ thống tên lửa Iskander cho Belarus để tái trang bị cho các chiến đấu cơ của Belarus có thể mang vũ khí hạt nhân.
Rõ ràng, trước khi Putin ký tuyên bố chung với Tập Cận Bình, ông đã quyết định triển khai và phổ biến vũ khí hạt nhân ở Belarus. Những gì ông nói trong “Tuyên bố chung Trung-Nga” về việc không triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài và tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, v.v., hoàn toàn là tự lừa mình dối người, và là sự nhạo báng công khai đối với Tập Cận Bình.
Làm mất mặt đặc phái viên của Tập
Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Putin không chỉ tuyệt ước với ĐCSTQ trong các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân, mà còn nhiều lần tát thẳng vào mặt ĐCSTQ trong các vấn đề lớn khác.
Ví dụ, ĐCSTQ giả vờ giữ thái độ trung lập giữa Nga và Ukraine, nhiều lần bày tỏ ý định hòa giải cuộc chiến. Vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, ĐCSTQ ban hành “Quan điểm của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, trong đó đề cập cụ thể rằng ĐCSTQ sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc khởi động các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Từ ngày 15 đến ngày 26 tháng 5 năm 2023, để hòa giải cuộc chiến Nga-Ukraine, Tập Cận Bình cử đặc phái viên Lý Huy đến thăm Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức, trụ sở EU và Nga. Tuy nhiên, chuyến đi của Lý Huy không đạt được kết quả thiết thực nào.
Từ ngày Lý Huy đến thăm Kiev, thủ đô Ukraine, cho đến ngày Lý Huy đến thăm Moscow, thủ đô của Nga, Nga vẫn chưa ngừng các cuộc không kích vào Ukraine.
Theo truyền thông Nga đưa tin, sau khi Lý Huy đến Moscow, ông ta đã đưa ra yêu cầu gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng Putin từ chối. Putin đã không cho ĐCSTQ thể diện nào để điều đình trong cuộc chiến Nga-Ukraine.
Bộ sưu tập những lần Putin vỗ mặt ĐCSTQ
Ngoài những gì vừa nói, Putin thực tế đã có nhiều hành động nhằm tát vào mặt ĐCSTQ.
Ví dụ: Sau khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ nổ ra vào năm 2018, ĐCSTQ đã lôi kéo Putin tham gia chống Mỹ. Tuy nhiên, nội tâm của Putin luôn không nhất trí với mong muốn của ĐCSTQ, Putin đã luôn đẩy ĐCSTQ lên tiền tuyến chống Mỹ.
Khi Tập Cận Bình đến thăm Nga vào tháng 6/2019, một phóng viên hỏi Putin ông nghĩ gì về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Câu trả lời của Putin là: “Tọa sơn quan hổ đấu”. Nhưng trong thực tế hoạt động, Putin không chỉ “tọa sơn quan hổ đấu”.
Vào ngày 5 tháng 5 năm 2019, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung lại bùng phát. Nga nhân cơ hội này tuyên bố sẽ tăng thuế xuất khẩu dầu thêm 5,8 USD/tấn từ ngày 1/6 lên 110,4 USD. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga. Tính toán dựa trên dữ liệu nhập khẩu năm 2018, ĐCSTQ phải trả thêm ít nhất 410 triệu USD tiền thuế cho Nga mỗi năm!
Một ví dụ khác: Sau khi đại ôn dịch bùng phát vào năm 2020, Putin đã thực hiện các biện pháp “cách ly” nghiêm ngặt nhất đối với ĐCSTQ, bao gồm đóng cửa biên giới Nga-Trung, đình chỉ vận chuyển giữa Nga và Trung Quốc, cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Nga, hạn chế công dân Trung Quốc quá cảnh ở Nga, cưỡng hành những người Trung Quốc bị nhiễm virus phải về nước, v.v.
Một ví dụ khác: Kể từ ngày 2/5/2020, xung đột giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã nhiều lần nổ ra ở biên giới. Đến ngày 15 tháng 6 năm đó, hai bên xảy ra cuộc xung đột đẫm máu nghiêm trọng nhất trong 58 năm. Vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang căng thẳng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Manturov cho biết, Ấn Độ đã đặt mua 464 xe tăng chiến đấu chủ lực T90 cải tiến từ Nga, và dự kiến sẽ đặt mua thêm 600 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T14 mới nhất. Do yêu cầu cấp thiết của quân đội Ấn Độ, Nga sẽ ưu tiên cung cấp 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực.
Putin cũng đã sử dụng các chiến thuật gây tổn hại khác để chống lại ĐCSTQ.
Vào ngày 8 tháng 2 năm 2024, truyền thông nhà nước Nga phát sóng cuộc phỏng vấn với Putin của nhân vật truyền thông Mỹ Carlson.
Putin nói: “Phương Tây nên sợ một Trung Quốc mạnh hơn một nước Nga hùng mạnh, bởi vì Nga có dân số 150 triệu người, trong khi Trung Quốc có dân số 1,5 tỷ người, mà nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển phi tốc – hơn 5% mỗi năm, trước đó còn nhanh hơn. Điều này đối với Trung Quốc mà nói đã đủ rồi. Bismarck từng nói: Điều quan trọng nhất là tiềm lực của Trung Quốc. Tiềm lực của Trung Quốc rất lớn, nước này hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về sức mua tương đương, và tổng lượng kinh tế của nước này đứng đầu thế giới, từ lâu đã vượt qua Mỹ, mà tốc độ tăng trưởng vẫn đang không ngừng tăng tốc.”
Ẩn ý trong lời nói của Putin là: Nga không phải là kẻ thù số một của phương Tây mà là ĐCSTQ; phương Tây nên nhắm vào ĐCSTQ chứ không phải Nga.
Diệp Diệu Nguyên, giáo sư chủ nhiệm nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Mỹ, thẳng thừng cho rằng nhận xét của Putin chắc chắn là một “cú đâm sau lưng” chống lại Bắc Kinh.
Sau đó, vào ngày 17 tháng 5 năm nay, Putin, người đã đến thăm Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, tuyên bố rằng Moscow sẽ không đáp lại lời kêu gọi ngừng bắn trong Thế vận hội Mùa hè ở Paris.
Điều này không giữ cho Tập chút thể diện nào, vì hai tuần trước vào ngày 6 tháng 5, ông Tập Cận Bình đã hội đàm với tổng thống Pháp Macron tại Paris. Sau đó, khi gặp gỡ các phóng viên, ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp, coi Thế vận hội Mùa hè Paris là cơ hội để cùng nhau ủng hộ lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh toàn cầu trong thời gian diễn ra Thế vận hội.
Tại sao ĐCSTQ coi Nga là “bạn thân nhất” của mình, trong khi Nga luôn không ngừng vỗ mặt ĐCSTQ?
Có hai lý do chính:
Đầu tiên, Putin từng là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, và là quan chức của cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô cũ “KGB”. Ông hiểu sâu sắc về việc đảng dựa vào áp lực cao và sự lừa dối để duy trì sự cai trị của mình. Putin căn bản không hề tin tưởng các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ.
Thứ hai, Putin từ xương tủy coi thường các nhà lãnh đạo ĐCSTQ.
Trong thời hiện đại, quốc gia chiếm nhiều lãnh thổ nhất ở Trung Quốc không phải là Mỹ, Nhật Bản hay Vương quốc Anh, mà là Nga.
Trong các cuộc đàm phán biên giới Trung-Nga, ĐCSTQ đã trao vô điều kiện hơn 1 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc bị Nga chiếm đóng cho Nga. ĐCSTQ cũng đã trao một nửa đảo Hắc Hạt Tử của Trung Quốc do Liên Xô chiếm đóng cho Nga.
Sau đó, ĐCSTQ đã nhiều lần thể hiện thiện chí với Nga, coi Nga là bạn tốt nhất của mình.
Một câu nói cổ của Trung Quốc có câu: “Tự làm nhục mình, rồi bị người ta làm nhục”. ĐCSTQ bị Putin tát vào mặt hết lần này đến lần khác, tất cả đều là do chính nó đã tự mình làm nhục chính mình.