Gió Bấc
29-6-2024
Cơn thịnh nộ về các bài giảng nghiệp báo, cúng dường xàm xí chưa yên, dư luận lại bùng nổ về bằng tiến sĩ luật siêu tốc của Thích Chân Quang. Chỉ sau hai năm, ngay trong mùa Covid, anh cử nhân luật hệ tại chức bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Trường Đại học Luật Hà Nội (ĐHL) lên tiếng phân bua, tất cả đều đúng quy trình nhưng Bộ Giáo dục – Đào Tạo yêu cầu báo cáo chi tiết. Mạng xã hội điều tra đào bới và nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ này bốc mùi hương khói cúng dường rất nặng.
Mấy ngày gần đây, dư luận bùng nổ, đặt câu hỏi về bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang. Theo thông cáo báo chí của trường ĐH Luật thì ông Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh năm 2001 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – nay là Trường Đại học Hà Nội; tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 – vừa học vừa làm).
Trường phân bua siêu tốc đúng, chẳng mấy ai tin!
Ông Việt được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng cử nhân ngành Luật văn bằng 2 – Vừa học vừa làm vào ngày 15/1/2019, xếp hạng loại giỏi. Đến ngày 26/11/2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023) của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngày 26/12/2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh. Đến ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường. Ngày 17/3/2022, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ ngành Luật hiến pháp – hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội”. Các giáo sư của trường này cũng dành những lời có cánh khen ngợi Vương Tấn Việt (1).
Mặc dù ĐH Luật trả lời “tất cả đều đúng quy trình”, nhưng từ cử nhân lên tiến sĩ chỉ hai năm không qua thạc sĩ là nhanh siêu tốc, làm người ta thắc mắc, săm soi rất nhiều nghi vấn. Ông Chân Quang ở Bà Rịa Vũng Tàu, trường Luật TP.HCM cũng có hệ đào tạo bằng hai vừa học vừa làm, sao ông lại phải học ĐH Luật tại chi nhánh liên kết với trường Cao Đẳng Bách Việt ở TP.HCM? Luật sư Trần Vũ Hải thắc mắc về tính pháp lý của cơ sở đào tạo này.
Theo PGS Nguyễn Tiến Trung, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM, việc một cử nhân hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức) học thẳng lên bậc tiến sĩ không nhiều, “có thể coi là hiếm”. Cũng theo PGS Nguyễn Tiến Trung, quy chế đào tạo chung của Bộ GD&ĐT nêu rõ, thời gian để hoàn thành bậc tiến sĩ tiêu chuẩn là 3 – 4 năm. Chỉ nghiên cứu sinh đặc biệt xuất sắc, được hiệu trưởng trường đại học phê duyệt mới có thể rút ngắn thời gian hoàn thành xuống tối đa 36 tháng (3 năm). Trong khi đó, ông Thích Chân Quang lại chỉ cần 25 tháng (hơn 2 năm) để hoàn thành. Điều này cần xem xét lại quy chế của trường Đại học Luật Hà Nội trong đào tạo tiến sĩ và quy trình thẩm định kết quả học tập của nhà trường.
Thứ hai, thông thường, một cử nhân loại giỏi học thẳng lên tiến sĩ sẽ phải học bổ sung từ 4 – 8 môn (trung bình mỗi môn 2 – 3 tín chỉ). Các nghiên cứu sinh sẽ cần tới gần 1 năm để hoàn thành hết số tín chỉ bổ sung theo quy định.
Sau đó các nghiên cứu sinh sẽ tự làm việc, tự học tập, bổ sung đầy đủ các kiến thức ở bậc tiến sĩ, quãng thời gian này mất khoảng gần 2 năm. Như vậy, để hoàn thành các nội dung đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần tối thiểu 3 năm, tiếp đó mới bước vào giai đoạn nghiên cứu, thực hiện khảo sát, viết luận án.
Ông Trung khẳng định: “Tôi chưa từng gặp nghiên cứu sinh nào học thẳng từ cử nhân lên mà hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm. Trừ trường hợp nhà trường dồn toàn lực cho nghiên cứu sinh, dạy ngày dạy đêm, thậm chí tổ chức dạy cả cuối tuần mới chạy đủ các nội dung kiến thức bổ sung. Người học cũng phải ‘siêu nhân lắm’ mới có thể tiếp thu và hoàn thành được chương trình với thời gian siêu ngắn” (2).
Luận văn hiểu sai về nhân quyền, trái hiến pháp
Quá trình lấy bằng siêu tốc gây nghi ngờ, còn nội dung luận văn tiến sĩ càng gây thêm phẫn nộ trong giới học thuật.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thẳng thắn đánh giá đề tài luận văn “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” của Vương Tấn Việt là rất bất hợp lý, thiếu cơ sở lý thuyết và thực tiễn. Pháp luật quốc tế chỉ tập trung quy định về quyền con người, không quy định về nghĩa vụ con người. Các quy định của pháp luật quốc tế chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm của các quốc gia, phải bảo đảm và bảo vệ quyền con người. 50% nội dung đề tài là không có dữ liệu để thu thập, và tất nhiên là cũng không có thực tiễn để nghiên cứu. “Một luận án tiến sĩ cần có tính mới mẻ và đóng góp thực tiễn hoặc lý thuyết quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu. Với đề tài này, tính mới mẻ và đóng góp sẽ bị hạn chế do thiếu các tiền lệ và nghiên cứu trước đó, cũng như phạm vi áp dụng thực tế của đề tài” (3).
PGS TS Ngô Huy Cương, giảng viên khoa Luật của trường Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2022 đã có ý kiến phê phán luận văn này. Mới đây,ông có status trên Facebook khá gay gắt: Cái bậy bạ trong quan điểm của Thích Chân Quang và trường Đại học Luật Hà Nội.
TS Ngô Huy Cương dẫn một đoạn trong luận văn của Vương Tấn Việt: “Tóm lại, Quyền con người do chính Nghĩa vụ con người quyết định. Có chăng nhà nước chịu trách nhiệm tạo cơ hội cho con người được thực thi Nghĩa vụ, nghĩa là không để cho ai trở thành vô dụng, và nhà nước cũng chịu trách nhiệm cung cấp Quyền con người một cách công bằng tương xứng”.
TS Ngô Huy Cương đã phân tích quan điểm này đi ngược lại Tuyên ngôn Toàn Thế giới về Quyền con người năm 1948 và Điều 19, Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam. Ông kết luận rằng: “Vậy có phải Thích Chân Quang và Trường Đại học Luật Hà Nội không thừa nhận tự do và nhân phẩm của con người (nền tảng của quyền con người mà đã được tuyên bố trong Tuyên ngôn về Quyền con người đã dẫn ở trên), bác bỏ pháp luật quốc tế về quyền con người và không thừa nhận Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam? Nếu đúng vậy thì có nên kết luận là phản động thực sự được không” (4).
Do ý kiến trái chiều này, ngày 26-6 Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo Tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ, phản biện, bảo vệ luận án…) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt (5).
Thầy giáo đảnh lễ học trò!!!
Trong khi chờ đợi báo cáo của ĐH Luật và kết luận của Bộ GD-ĐT, cộng đồng mạng tiếp tục phát hiện nhiều điều bất thường trong quá trình nghiên cứu và bảo vệ luận án của Vương Tấn Việt.
Ngay trên trang Facebook Thiền Tôn Phật Quang có đưa sự kiện ngày 15/11/2020, tại Bảo tàng Hàng Không (số 196 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội), Thượng tọa Thích Chân Quang đã tổ chức buổi lễ tri ân Thầy Cô giáo, với sự tham gia của hơn 50 Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đến từ trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, trường Đại học Kiểm sát và gần 1.000 Phật tử đến từ các Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang trên cả nước. Điều bất bình thường là, hình ảnh trong buổi lễ tri ân ấy cho thấy một số thầy cô giáo quỳ đảnh lễ và dâng cúng dường cho học trò là Thượng Tọa Thích Chân Quang. (Mời xem ảnh lấy từ Facebook Thiền Tôn Phật Quang). Giống như con tôm lộn c*t lên đầu, quan hệ thầy trò trong lễ tri ân ngày nhà giáo lại trở thành lễ cúng dường của con nhang và thầy cúng (6).
Luật gia Trần Đình Thu còn phát hiện trong video ghi hình lễ bảo vệ luận án tại trường ĐH Luật, TS Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt trình bày trước Hội Đồng tóm tắt hồ sơ nghiên cứu. Mở đầu, thay vì “kính thưa Hội Đồng”, TS Trần Kim Liễu lại cung kính cúi đầu và kính thưa sư phụ. Hóa ra lễ bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt đã trở thành lễ vinh danh, cúng dường bằng tiến sĩ cho thầy cúng Thượng Tọa Thích Chân Quang (7).
Thích Chân Quang không phải là tác giả luận án!
Đặc biệt hơn nữa, trang mạng báo Tiếng Dân còn đăng bài viết “Ai thực sự là người viết luận án của ông Vương Tấn Việt?” của tác giả Khánh Duy. Bằng công cụ tra cứu nào đó, Khánh Duy đã đưa thông tin chấn động.
Hồ sơ bảo vệ luận án của ông Vương Tấn Việt công bố trên Chuyên trang Luận văn – Luận án của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm 6 tài liệu. Tác giả các file tài liệu này đều không phải ông Vương Tấn Việt.
1. Toàn văn luận án tiến sĩ: Tác giả file này là minhdoan3000@yahoo.com. Đây là email của GS TS Nguyễn Minh Đoan, người hướng dẫn khoa học chính của ông Vương Tấn Việt.
2. Thông tin về những đóng góp mới của luận án, bản tiếng Việt: Tác giả file này là Phap Vu, nhiều khả năng là đại đức Thích Pháp Vũ ở chùa Phật Quang, nơi thượng tọa Thích Chân Quang làm trụ trì.
3. Thông tin về những đóng góp mới của luận án, bản tiếng Anh: Tác giả cũng là Phap Vu.
4. Toàn văn luận án tiến sĩ, bản tiếng Anh: Tác giả file này là minhdoan3000@yahoo.com.
Ngoài ra, bài báo cáo hội thảo mang tiêu đề “Administration in the digital era: opportunities and challenges for building a ‘Good government’. Mr. Vuong Tan Viet Administration in the Digital Era”, tác giả file này là Kim Liễu, nhiều khả năng là TS Trần Kim Liễu, một trong hai người hướng dẫn khoa học của ông Vương Tấn Việt (8).
Tất cả các thông tin của Khánh Duy đều có hình ảnh minh họa và link liên kết nguồn. Như vậy có quá nhiều dấu hiệu cho thấy bằng tiến sĩ của Vương Tấn Việt nặng mùi hương khói cúng dường. Khốn thay, mùi xú uế này bốc lên từ người đã có quá nhiều tiếng tăm, xú danh khét lẹt Thích Cúng Dường mà còn ngày lan rộng đến các giáo sư tiến sĩ của ĐH Luật có liên quan trong vở hài kịch này. Vì sao họ cố sống cố chết, thần tốc cấp bằng cho một nghiên cứu sinh kém cỏi, một luận văn phi khoa học về phương pháp, phản động, chống lại loài người về tư tưởng?
Lẽ nào với kiến thức, IQ tầm giáo sư, tiến sĩ họ có thể bị Thích Chân Quang ma mị biến thành những con nhang cuồng tín? Phải chăng có cuộc cúng dường xuôi ngược giữa thầy và trò đã bôi trơn tăng tốc cho việc cấp bằng. Đông Lào từng có lò ấp trứng học viện của Viện Hàn Lâm xòn xòn mỗi ngày một tiến sĩ thì chuyện này không phải mới.
Nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, đã than trên Facebook: “Chuyện không còn là một gã thầy tu háo danh, mà đã thành chuyện nhân cách, tư cách của nhà khoa học, của người thầy, của bậc trí giả.
Chuyện cứt lộn lên đầu! Kiểu diễn đạt quấy quá về khái niệm quyền và nghĩa vụ của tay thầy chùa xuất phát từ lối bợ đít chính trị trong học thuật. Đó mới là đại nạn ‘tiến sĩ luật’!” (9).
Chú thích:
7. https://www.youtube.com/watch?v=R9GNIuLsub8
8. https://baotiengdan.com/2024/06/28/ai-thuc-su-la-nguoi-viet-luan-an-cua-ong-vuong-tan-viet/