Nguyễn Mạnh Trinh
Một thiên tự truyện. Một thời chiến chinh.Một thế hệ trai trẻ trong một thời đại đầy biến cố. Thân phận của những người Việt Nam trong một đất nước điêu linh.Những chuyện tình trong thời chiến của dang dở nửa vời, của những chia ly bất ngờ không định trước. Tất cả những sự kiện ấy người đọc đã nhận thấy, đã chia sẻ, khi đọc “Chút thân phận trên dòng chiến” của tác giả Nguyễn Liên Lực. Có người đã bâng khuâng tự hỏi. Chuyện của người hay chuyện của mình? Sao có lúc giống như đang đọc thiên tự truyện của chính bản thân?
Tôi đọc tự truyện của một người lính biệt kích, tưởng sẽ gặp chân dung một người lính chiến với những đoạn đường chiến binh trên con đường binh lửa. Nhưng, ý nghĩ ấy lại đổi khác đi để tôi nhìn thấy một chân dung nhân bản của một người Việt Nam cầm súng để tự vệ nhưng không một chút hận thù. Ở nơi đâu và bất cứ chỗ nào,và ở trong bất cứ hoàn cảnh nào,người lính ấy vượt qua những nghich cảnhđể sống còn. Thế hệ chúng tôi qua những ngõ đường lịch sử đã tạo sự chung mang thời đại.
Tự truyện của Nguyễn Liên Lực nhiều khi có chi tiết hao hao khác gần gũi với nhiều người có phải vì những hoàn cảnh tương tự nhau của một thời nghiệt ngã. Tình yêu của Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến tuy của những người lính dầy dạn nhưng lại có nhứng thánh thiện không ngờ. Có khi là của những cô gái vô tội trong chiến tranh đã phải gánh chịu nhiều vùi dập bẽ bàng nhưng vẫn vươn lên với tính hướng thiện và tin tưởng vào đời sống. Trong tự truyện, có những hạnh phúc và bất hạnh, có những chia xa bất ngờ nhưng cũng có những ân tình thầm kín. Và, điều mà tôi thích thú vẫn là tình người, vượt qua chiến tuyến, của suy tưởng rất nhân bản vượt qua mọi thử thách đã sẵn có trong thời chiến tranh…
Có lẽ cũng cần phải nói về tiểu sử của tác giả Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến, Nguyễn Liên Lực. Theo như lời kể trong tự truyện, anh sinh trưởng bên Kampuchia khi gia đình sang lánh nạn phiêu bạc xứ người. Cha của anh làm công việc mục sư truyền đạoTin Lành và chính anh cũng chịu ảnh hưởng và có niềm tin với Chúa. Rồi vì thời thế nên gia đình di chuyển về Sài Gòn. Anh lớn lên ở Sài Gòn và theo học chương trình Pháp nhưng dở dang
Khi ngoài 20 tuổi tình nguyện vào lính biệt kich của Lực Lượng Đặc Biệt. Anh phục vụ trong Đoàn Dân Sự Chiến Đấu CIDG (Civilian Irregular Defense Group một tổ chức bán quân sự do Mỹ thành lập năm 1961. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ các thôn làng hẻo lánh đồng thời theo dõi và hướng dẫn máy bay oanh tạc những đường xâm nhập của Cộng sản từ Bắc vào Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở vùng biên giới Việt Miên Lào..
Với những diễn biến của thời cuộc và tình hình chiến trường cũng thay đổi, Nguyễn Liên Lực nghĩ tới cần học trở lại để lấy bằng Tú Tài để vào trường sĩ quan Thủ Đức khi nhập ngũ.Lực nhờ bạn gái mua sách luyện thi tú tài để đêm đêm mài miệt học bên ngọn đèn quàng trên ngọn súng đại liên có khăn phủ kín không để ánh sáng lọt ra ngoài. Lực thi đậu Tú Tài và gia nhập khóa 1/72 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau anh tiếp tục học đậu Cử nhân Luật. Năm 1974, anh thi đậu vào ban Cao Học Ngoại giao tại học Viện Quốc Gia Hành Chánh nơi đào tạo các viên chức ngoại giao tương lai của Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, anh bị tù rồi được về vì bịnh tại cột sống trong một tai nạn. Anh định cư tại Mỹ năm 1984 và hiện nay là mục sư Tin Lành tại Hoa Kỳ.
Qua thiên tự truyện Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến, tác giả Nguyễn Liên Lực đã phác họa được một cách sắc nét một thanh niên lớn lên và trưởng thành theo chiến tranh với những tâm tư đặc biệt của thời đại.Thân phận của lớp người trẻ, trải qua những sóng gió nghịch cảnh của chiến tranh nhưng bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng đều có niềm tin yêu vào đời sống và vượt qua những nguy khó của cuộc sống. Và chính tôn giáo đã tạo cho anh một đời sống tâm linh phong phú trong suốt cuộc đời từ xứ người đến quê nhà ngay từ khi thơ ấu sống trôi nổi theo gia đình.
Nguyễn Liên Lực biết yêu rất sớm. Khi còn học ở tiểu học đã biết rung động với tình cảm thật trong sáng nhưng đậm đà. Anh kể chuyện chia xa với cô bé Dung cùng lớp: “Tôi nhìn về phía nhà Dung chợt cảm giác những ngón tay Dung đang nhẹ nhàng buông lơi rồi từ từ rời khỏi bàn tay tiếc nuối của tôi. Dung bước lùi một khoảng nhỏ rồi quay lưng lại phía tôi đi nhanh về hướng nhà, lúc đóng cổng nhà lại Dung còn nhìn về phía tôi vẫy tay từ biệt. Tôi nép người vào bụi bông bụp kín đáo vẫy tay từ giã. Nỗi buồn trong tôi dâng lên tột đỉnh nhưng vẫn ngu ngơ khù khờ không biết là Dung muốn tôi ghi nhớ số nhà địa chỉ của Dung để sẽ không mất nhau cũng không nhận ra người con gái mắt còn vương lệ nép sau cánh cổng sắt vẫy tay chào buồn đó là hình ảnh cuối cùng của Dung trong ký ức và cuộc đời của thằng con trai sinh ra đã lận đận như tôi.
Tôi quay lưng chạy một mạch như người không hồn trở lại con đường về, một mình quay quắt trên những đoạn cầu khỉ ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm một quãng đời tuổi nhỏ phiêu bạc xứ người. Tôi ước thầm phải chi giờ này tôi có cánh bay thẳng về Sài Gòn để khỏi phải về nhà nằm một mình suốt đêm nay trong niềm đau ngày mai sẽ phải ra đi bỏ lại tất cả buồn vui kỷ niệm bạn bè thầy cô. Và nhất là cái mà một đời người sẽ chẳng làm sao tìm lại được lần nữa, ở một không gian đã là một cõi tha hương gắn bó một quãng đời tuổi nhỏ.”
Lãng mạn trong tình yêu, tác giả “Chút thân phận trên dòng chiến” cũng lãng mạn trong cuộc sống của một thời thế lửa đạn chiến tranh. Anh kể chuyện gia nhập vào chiến tranh của mình:
“Chiều nay tôi và Gíap rủ nhau ra bãi biển Nha Trang ngồi ở một kioske đầu trên bãi nhâm nhi món “xắp xắp” (đu đủ xanh bào trộn khô gan bò) lai rai với bia”33” nói chuyện thời sự, cuộc chiến trên quê hương đang đi vào giai đoạn khốc liệt với chủ thuyết hàng rào điện tử Mac Namara đưa Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh (US Special Forces) lên vùng rừng núi cao nguyên theo chiến thuật “vết dầu loang” để quấy nhiễu và đánh phá ngăn chặn con đường mòn xâm nhập của lực lượng miền Bắc dọc dãi Trường Sơn. Anh nói với tôi là có người bạn ở Đà Lạt cho anh biết các toán Mũ Xanh này đang có nhu cầu cấp thiết tuyễn mộ những thanh niên biết nói tiếng Anh để cùng chiến đấu với tư cách Combat Interpreter(thông dịch viên chiến đấu). Rồi cũng tâm tình với tôi là anh muốn thoát ly cuộc sống hiện tại với đồng lương quá khiêm tốn không đủ xoay xở và một vài chuyện riêng tư” gia đạo” khác mà tôi cũng mang máng biết. Sau một vài chai “33” và những mẫu tâm tình chia sẻ anh đột ngột đề nghị tôi” hay là chú đi trước, tôi sẽ sắp xếp ít việc rồi lên sau”.
Qúa bất chợt tôi lưỡng lự suy tư. Hai lần để lỡ hai chuyện tình, đánh mất hai người yêu. Mấy năm trời phiêu bạc, tuổi đời thêm lên, học hành dở dang vì chuyện thay đổi trường tây trường ta. Năm học xong lớp quatrieme moderne biết là đã mất Thúy tôi chán chường mất hướng quyết định bỏ học lăn xả vào đời vô định muốn ra sao thì ra. Nhớ lại hồi còn đi học say mê những chuyện tình lãng mạn như mối tình đầu của Napoleon Bonaparte với Desiree Clary, Graziella của Alfonse de Lamartine, và nhất là huyền thoại Pygmalion với tác phẩm điêu khắc hóa thân làm người yêu. Tôi đã “lãng mạn” muốn trở thành điêu khắc gia theo học hội họa điêu khắc ở trường Thế Hệ. Mấy tháng trời ngày nào cũng chạy ngang nhà Thúy để nhận ra là đã vĩnh viễn mất người yêu. Niềm đau quá lớn, hoài bão tan tành tôi đã lại “lãng mạn” quyết định bỏ Sài Gòn lên đường phiêu bạc. Có lần mới đây ghé về Bình Trị Đông thăm Mẹ tôi đã vô cùng ngạc nhiên nghe Mẹ nói với tôi về tình hình chiến tranh và bổn phận làm công dân. Tôi không ngờ mẹ tôi trông hiền hòa yếu đuối vậy mà đã nói được với tôi những lời đầy trách nhiệm của một bà mẹ thời chiến. Mẹ tôi nói tôi là đứa con đầu lòng mẹ thương yêu nhất, Mẹ không muốn mất tôi nhưng nếu tôi nhập ngũ chiến đấu cho đất nước quê hương thì Mẹ sẽ chấp nhận dù phải trả bằng bất cứ giá nào và Mẹ sẽ rất hảnh diện….
Tôi quay quắt trong nỗi buồn thân phận sinh ra và lớn lên trong cơn lốc chiến tranh phũ phàng. Bất chợt tôi quay qua anh Gíap nói như người mất hồn không cần suy nghĩ đắn đo.
-Mai tôi đi!.
Và thế là, tác giả “Chút thân phận trên dòng chiến” bước vào binh lửa với những chuyến công tác theo các toán hành quân ở những vùng rừng núi của dãy Trường Sơn. Nguyễn Liên Lực kể chuyện chiến trường, những nỗi buồn và những niềm vui, bình thản và sống thực. Ở đó có tình chiến hữu. Dù với những người lính Mũ Xanh Hoa Kỳ hay với người Việt Nam đồng ngũ. Với tính nhân bản rõ ràng, con người cư xử với nhau như một con người, không phải là như một loài thú vật vô tri. Tình người trong chiến tranh, một đề tài muôn thuở của nhân loại, tôi đã tìm được khi đọc trong những dòng chữ mà tác giả đã viết. Chân thực nhưng lôi cuốn tôi vào những suy tư của một người chia sẻ.
Có những nỗi đau mất mát của một chiến hữu, ra
đi như một nghịch lý của chiến tranh:
“Bên cạnh người y tá đang loay hoay băng bó vết thương cho một thương binh tôi
chợt nhậ ra một biệt kích khác đang nằm im lìm trên cũng máu nhấy nhụa. K’Song
đang quỳ một gối bên cạnh nhìn tôi khẽ lắc đầu-Đi rồi!! K’Song nói giọng xúc động
nghen ngào. Tôi cho tay vào túi lấy chiếc zippo bật lên một ngọn lửa yếu ớt đưa
sát vào mặt người biệt kích vừa hy sinh. Tôi suýt buông cái bật lửa ra khỏi
tay.
- Ha Krong! Tôi thì thầm tên nó.
HaKrong không chỉ là một Ranger xuất sắc, gan dạ, thiện chiến, mà còn là một nguời lính giàu tình cảm hòa nhã dễ mến sống hài hòa với mọi người lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ đồng đội và dân làng. Mới mấy hôm trước ngày lên đường hành quân tôi còn thấy nó ngồi trên một tảng đá dưới một gốc cây thông già mọc nghiêng tàng xuống dòng suối khuất vắng phía sau trại với người yêu của nó. Hai đứa chuyện trò cười nói âu yếm thât là tình tứ thơ mộng. Cả trại đều biết và chuẩn bị dự đám cưới hai đúa nó sau vụ lúa này.
Tôi quay lưng bước những bước chân nặng nề về phía một gốc thông sần sùi gần đó tựa lưng vào, nghe trái tim se thắt. Sao định mệnh cứ luôn trớ trêu con người? Đã đànhchiến tranh và chết chóc là hai thực tế không thể thiếu nhau nhưng sao lại là Ha Krong lúc này, lúc mà giấc mơ con người của nó đang ở đỉnh cao của tình yêu và hy vọng”
Tự truyện? Có phải là chuyện kể thành thực của cuộc đời anh? Tôi đã tự hỏi mình sau khi đọc xong cuốn sách. Nhưng như vậy có bao nhiêu phần trăm hư cấu. Ở riêng cảm quan tôi, tôi nghĩ phần thêm thắt tưởng tượng rất ít bởi vì trong văn phong anh có một sự chừng mực của người yêu sự thực và tự nhìn mình với sự khách quan không ngờ. Có lê có người sẽ nhận định, viết tự truyện về mình mà lại giữ được tính khách quan sao? Nhưng, với tôi có những điều bất ngờ đã đến từ những trang sách.
Phần đầu tự truyện, anh có nhắc nhiều tới thời thơ ấu. Đó có phải là những kỷ niệm riêng của anh? Nhất là tình chị em sâu đậm với người chị vắn số. Cả hai chị em đã có với nhau những kỷ niệm suốt đời anh không thể quên. Cùng sống thời thơ ấu ở xứ người Kampuchia rồi củng chịu sự lạc lõng ở quê nhà, hai chị em đã trải qua những tháng ngày trở thành kỷ niệm đối với riêng anh.
Thời thơ ấu với bàng bạc ảnh hưởng chiến cuộc đã tạo những ngã rẽ không ngờ trong tình cảnh gia đình anh. Chuyện trở về quê nhà từ Kampuchia để bắt đầu những ngày tháng đáng nhớ có lẽ là những hồi ức đẹp pha trộn giữa niềm vui và nỗi buồn.Hơn nữa, ở những nơi chốn ấy còn vương vấn những hình ảnh của mối tình đầu của tuổi biết yêu quá sớm đến hình ảnh người tình của Sài Gòn giờ đã cách xa.
Anh gia nhập lưc lượng CIDG để nhập cuộc chiến tranh và tình chiến hữu với các người lính Mũ Xanh Hoa Kỳ cũng là một ân tình mà anh trân trọng. Anh kể lại:
“Trời càng về đêm càng buốt lạnh người. Tôi kéo chiếc poncho liner lên quấn chặt vào người rồi lịm đi lúc nào không hay. Trong giấc ngủ chập chờn tôi nghe thấy thằng Boyette thỉnh thoảng quay sang kéo chiếc poncho liner của tôi lên trùm lại cho kín người sợ tôi bị lạnh.
Chuyện
tôi kể cho nó nghe đêm đó tưởng như chỉ như cơn gió thoảng qua đỉnh gió hú rồi
tan biến vào không gian bao la trùng khơi núi rứng. Vậy mà hơn hai năm sau có lần
tôi đang ngồi trong tầng dưới nhà hàng Mê Kông ở Khu Hòa Bình, Phố Đà Lạt, chợt
thấy một anh chàng người Mỹ từ trên tầng lầu hai đi xuống với một cô gái Việt
nam. Nhìn chiếc hình tam giác thêu trên túi áo bên trái, phía dưới hình tam
giác có chữ Delta lại có bảng tên hàng chữ Boyette. Tôi vừa ngước mắt nhìn lên
thì cũng vừa lúc nó nhận ra tôi. Đẩy cô bạn gái ra bảo ngồi đợi ở bàn bên cạnh,
chạy nhnah tới bàn tôi ngồi đối diện. Tôi chưa kịp nói lời nào nó đã chồm tới gần
sát mặt tôi hỏi nhỏ
– Chuyện mày với con nhỏ bạn gái mày ra sao rồi. Hai đứa có sống với nhau
không?
Câu hỏi quá bất chợt làm tôi vừa cảm động vừa ngỡ ngàng chua xót:
-Đã lâu quá rồi! Mày biết mà! Chiến tranh súng đạn làm tao cằn cỗi, buông xuôi. Không biết cô ấy bây gio ra sao sống ở nơi nào. Tao thì cứ như vậy. Vẫn hành quân đấm đá lâu lâu ra đây nhởn nhơ ít ngày. Hôm nay gặp lại mày đây thật bất ngờ.
Boyette nhìn tôi xúc động gượng cười chứa chan niềm trắc ẩn. Tôi nghĩ thầm, trên đời này còn có thứ tình tự nào khiến một con người bên này nhiều năm không phai nhạt. Chắc phải là tình chiến hữu”
Với một người lính trẻ mới chập chững bước vào đời lính, tác giả cũng tỏ ra cảm thông và khuyên Hùng(cậu bé tình nguyện đi lính biệt kích) trở về gia đình vì hoàn cảnh một mẹ một con không thể nào làm Hùng yên tâm chiến đấu nhất là với một sắc línhđược kể là dữ dằn với những trận chiến khốc liệt.
Tác giả Nguyễn Liên Lực kể :” Tôi bảo Hùng bỏ tôi xuống phố để tôi thả bộ về Prenn House. Đêm khuya vắng, một mình lặng lẽ tôi miên man một niềm sung sướng, một ngày sống êm đềm, một trải nghiệm sâu sắc, một bữa ăn đạm bạc mà ngon nhất trong đời. Và một phát giác thích thú. Hôm đó, những gì đã xảy ra trong trại, cái thật sự đã làm cho Hùng yếu hèn, sợ hãi, trốn chạy không phải là súng đạn mà là cái viễn ảnh bỏ mẹ nó lại một mình cô độc trên cõi đời này. Tôi muốn nói lời xin lỗi Hùng, một lời xin lỗi tứ nơi sâu nghiêm nhất của tâm hồn tôi vì những ý nghĩ, những nhận xét, phán đoán cạn cợt của tôi cái đêm Hùng ở trong trại.”
Những nhà văn trong nước thường mô tả những người lính VNCH như những người ăn gan moi ruột tù binh với sự dã man vô nhân đạo. Từ bao nhiêu năm nay và cho đến bây giờ sự tuyên truyền ấy vẫn không đổi và càng về sau càng tăng cường độ. Nhưng Nguyễn Liên Lực trong tự truyện Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến đã kể chuyện ngược lại với sự tham dự của chính cá nhân tác giả. Tù binh tên Việt đã được cứu sống, dù bị thương nặng nhưng được đối xử tử tế và nhờ trực thăng tản thương kịp thời nên sống sót dù vết thương trí mạng. Không hậu ý tuyên truyền, anh chỉ kể lại đơn sơ nhưng truyền cảm biết bao. Cái tình người vượt qua chiến tuyến có lẽ là một nét đặc biệt của những người lính chiến đấu cho tự do bảo vệ đất nước trước hành động xâm lược của quân Cộng sản Bắc Việt. Có người cho đó là một hành động qúa lý tưởng ít xảy ra trong thực tế, Nhưng tôi tin rằng đó là sự thật!!! Chúng ta thua vì quá nhân đạo, có phải? Đối với một đối phương không từ bỏ một thủ đoạn gian ác nào…
Nhà văn Đỗ Tiến Đức đã gọi mối tình Đà Lạt của anh” một sữa một đen” và đã cho rằng mối tình qu1a đẹp này nếu đưalên phim ảnh sẽ không thua gì Love Story hay Doctor Zhivago!. Trúc hay là Diễm? Hình ảnh bây giờ hay hình bóng xưa cũ? Gặp nhau trong nghiệt cảnh của chiến tranh, chàng lính biệt kích nàng sống giang hồ nhưng họ lại yêu nhau bằng cả một sự thánh thiện không thể nào ngờ tới được trong hoàn cảnh như vậy. Và sau một thời gian, tất cả chỉ còn là nhớ thương:”
“Tôi chợt nghe niềm thương nỗi nhớ ray rứt tâm tư. Nhớ những cụm rừng xanh biếc thông ngàn, những núi đồi thung lũng chập chùng lác đác mầu áo hoa biệt kích. Nhớ tiêng” Hoo Yah” vang dội núi rừng súng nổ đạn bay. Nhớ những lon bia trên bao la núi đồi những tiếng “Cheers” tưng bừng của những mũ xanh vào ra chinh chiến lâu ngày nhẹ xem cái chết như màu cỏ cây ở nơi xa lắc Trường Sơn. Nhớ tiếng cười nói rộn ràng tiệc khao đơn sơ mà thấm đậm tình người của những mảnh đời bất hạnh. Và nhớ niềm vui xúc động gửi theo những dòng chữ báo tin thi đậu về tận núi rừng cho tôi ngày nào. Tôi muốn nhắn gửi về người con gái của niềm vui xúc động đó” Nếu ước mơ của anh cũng là niềm vui của em như em đã thì thầm với anh ngày nào thì bay giờ đây, biết tin anh đang đứng ở ngưỡng cửa của giấc mơ dù em có trôi dạt ở nơi nào, cuộc sống có tội tình ra sao xin em hãy nhắm đôi mắt u buồn của em, để ký ức đưa em về sống lại khoảnh khắc rộn ràng lúng túng nhìn thấy tên anh trên danh sách thi đậu. Rồi xin em hãy nở một nụ cười…”
Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến đã kết cuộc trong khung cảnh u buồn của thành phố lãng mạn thơ mộng nhưng đầy dấu vết chiến tranh.:” Tôi từ giã quay lưng ra xe về lại khu Hòa Bình vòng ngang nhà sách Liên Thanh nhớ lại lần đã vào tìm sách luyện thi cho tôi lên đường ước mơ và cho Trúc chút “ lãng quên đời”. Buổi chiều mùa đông lang thang Thung Lũng Tình Yêu. Xuống con dốc đã hằn dấu bước chân tôi những ngày thuở nhỏ thư sinh dừng chân lại trên cầu Ông Đạo nhìn xuống mặt nước Hồ Xuân Hương gió thoảng gội sóng lăn tăn dưới gầm ngoảnh lại cái quần thể chung quanh lô nhô con người không ai thấy tôi không ai chào hỏi toi6kho6ng người nào để ý sự có mặt của tôi. Tôi như một bóng ma nổi trôi theo dòng chiến.
Có những đứa không được cái diễm phúc trôi nổi như tôi, tụi nó đã chìm xuống. Ha Krong biệt kích Trường Sơn, Tuấn Địa Phương Quân, Nha Hoa Tiêu Trực Thăng,Thạch Phượng Hoàng nhảy toán, và bao nhiêu những thắng khác nữa của thế hệ tôi. Bao nhiêu tuổi trẻ đang căng niềm vui sống đã chìm sâu xuống đáy. Thằng Việt bị hất ra khỏi dòng chiến, nó bây giờ chắc đang đứng bên bờ lặng lẽ buồn hắt hiu trên đôi nạng gỗ. Những cánh bèo “con cái nhà ai tội nghiệp” không biết đang trôi dạt phương nào. Con chiến mã phong trần của tôi đang ngậm ngùi ở một góc xó lãng quên hay đã bị phanh thây xẻ thịt.
Và Trúc đang đong đưa trước gió nơi đâu. Hơn bốn năm trước tôi đã viết một bức thư thật ân cần gửi cho người bạn ở Nha Trang nhờ tìm giùm Trúc. Bức thư có kèm theo tấm hình ghi lại nét mặt Trúc thật rõ thật gần, đang ngồi trên con chiến mã phong trần của tôi cười vui rộn ràng ngày tôi thi đậu. Hơn bốn năm thời gian tiếc nhớ mỏi mòn, hơn bốn thiên thu đi qua đời tôi, Trúc cứ biền biệt muôn trùng. Dòng chiến vẫn miệt mài cuồn cuộn…
Tự truyện của tác giả Chút Thân Phận Trên Dòng Chiến có lẽ chưa chấm dứt ở đây. Bởi vì cả thế hệ của Nguyễn Liên Lực và cả toàn dân Việt Nam còn phải trải qua những biến cố hãi hùng những thời gian thảm khốc của một dòng thời thế vỡ vụn tang thương. Những biến cố tháng tư năm 1975 đã là một thảm họa lịch sử. Người đi tù Cộng sản, người vượt biên đổi mạng sống lấy tự do, người lưu lạc xứ người. Và tôi chắc, Nguyễn Liên Lực sẽ phải viết để tiếp nối cho đầy đủ một cuộc đời tuy riêng nhưng có nhiều nét chung mang của một thế hệ thanh niên Việt Nam lớn lên trong lửa đạn.