Trình Văn
Vụ án này cung cấp một góc nhìn chưa từng có về sự trỗi dậy của băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc và việc băng nhóm này làm trầm trọng hơn tình trạng phạm tội ma túy ở Châu Âu và Châu Mỹ, bao gồm cả sự gia tăng của cuộc khủng hoảng Fentanyl ở Hoa Kỳ.
Giải thích hành vi “ném tiền”
Khi các đặc vụ của DEA theo dõi hoạt động phạm tội, họ phát hiện ra rằng mối liên kết phức tạp nhất trong mạng lưới rửa tiền liên quan đến các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc là việc sử dụng tài khoản ngân hàng Trung Quốc để “chuyển khoản phản chiếu”, về cơ bản thì chính quyền Hoa Kỳ không xem được những tài khoản này cũng như ghi chép chuyển khoản.
Quá trình rửa tiền này thường bắt đầu từ việc băng đảng ma túy ở Mexico vận chuyển một lượng lớn tiền mặt đô-la Mỹ cho tổ chức rửa tiền người Trung Quốc ở Hoa Kỳ.
Tại các nhà nghỉ và bãi đỗ xe trên khắp Hoa Kỳ, các đặc vụ của DEA đã chứng kiến các thành viên của băng đảng Sinaloa Cartel giao từng túi tiền mặt cho những công dân Trung Quốc.
Thông thường, những công dân Trung Quốc này không phải tội phạm mà là sinh viên, nhân viên bán lẻ hoặc tài xế taxi được chiêu mộ có trả lương, trong một số trường hợp, những người được chiêu mộ không hề biết rằng việc họ làm có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền.
Sau khi những kẻ rửa tiền người Trung Quốc nhận được tiền mặt, họ sẽ gửi đi mã xác nhận qua một ứng dụng được mã hóa. Sau khi xác nhận đã nhận được tiền, băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc sẽ thông qua các cộng sự của mình ở Mexico để thanh toán cho phía Cartel, thường là bằng đồng peso.
Mặt khác, băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc thường bán đô-la Mỹ cho những triệu phú Trung Quốc ở Hoa Kỳ. Đổi lại, số tiền tương đương bằng đồng nhân dân tệ sẽ được chuyển vào các tài khoản do tổ chức rửa tiền kiểm soát thông qua các ngân hàng Trung Quốc. Bằng cách này, một lượng lớn tiền mặt tích lũy từ việc buôn bán ma túy đã được “rửa sạch”.
Tiền đã được “rửa” lại quay trở lại các lĩnh vực kinh tế hợp pháp
Số tiền đã được rửa nhanh chóng quay trở lại các lĩnh vực kinh tế hợp pháp. Các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ cho biết khoản tiền mặt này đôi khi được dùng để mua ô-tô có giá trị cao và tài sản sang trọng trên khắp Hoa Kỳ mà không gây ra bất kỳ cảnh báo nào.
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đã cảnh báo rằng trong một số trường hợp, sinh viên Trung Quốc sẽ sử dụng tiền mặt “đã được rửa” để chi trả học phí tại các trường đại học ở Hoa Kỳ. Các quan chức DEA cho biết nếu những giao dịch này liên quan đến hơn 10.000 USD thì cần được báo cáo cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nhưng không nhất định sẽ bị Bộ Tài chính đánh dấu là “khả nghi”.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ sẽ hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật thông qua việc “có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc quan trọng và quyền được tra xét hàng triệu báo cáo do các tổ chức tài chính đệ trình theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng”.
Tổ chức rửa tiền người Trung Quốc đã tồn tại từ lâu
Mặc dù quy mô của hệ thống rửa tiền mới này khiến các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ kinh ngạc, nhưng mạng lưới rửa tiền liên quan đến tổ chức tội phạm người Trung Quốc đã nằm trong tầm quan sát của họ từ vài năm trước.
Một trong những người đầu tiên phát hiện ra sự tham gia của băng nhóm tội phạm có tổ chức người Trung Quốc vào hoạt động buôn bán ma túy là ông Ray Donovan, khi đó là đặc vụ cấp cao của Cơ quan Chống Ma túy New York.
Vào năm 2007, khi đội của ông Donovan đang theo dõi một nhà kho xập xệ ở quận Brooklyn thì họ nhìn thấy hàng chục người đàn ông có “khuôn mặt của người Trung Quốc”, cùng năm này, đội của ông Donovan cũng thường xuyên bắt giữ một số thành viên thuộc các băng đảng ở Mexico và Colombia vận chuyển số lượng lớn Cocain vào New York.
Ông Donovan sau đó đã chỉ huy cuộc truy bắt và bắt lại Joaquín El Chapo Guzmán, ông trùm băng đảng ma túy ở Mexico khi đó. Ông nói rằng đó là lần đầu tiên “rất nhiều người trong chúng tôi” nhìn thấy các tổ chức tội phạm người Trung Quốc tham gia buôn bán ma túy. “Trước đó, chúng tôi không biết việc này. Đó là thời khắc mà chúng tôi chợt hiểu ra”.
Ông Donovan cũng cho biết ông không ngờ rằng chỉ trong vòng vài năm, băng nhóm người Trung Quốc này đã trở thành “tổ chức rửa tiền lớn nhất thế giới”.
Ba yếu tố chính thúc đẩy sự trỗi dậy của băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc
Tờ Financial Times đưa tin rằng ba yếu tố chính nổi lên trong những năm 2010 đã thúc đẩy sự phát triển của tổ chức rửa tiền Trung Quốc và tăng cường vai trò của họ trong mạng lưới rửa tiền.
Đầu tiên là sự nổi lên của những nền tảng nhắn tin mã hóa, đặc biệt là WeChat, một ứng dụng được ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2011.
Vào năm 2022, các quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết rằng những kẻ môi giới rửa tiền người Trung Quốc ở Hoa Kỳ nhận diện khách hàng “bằng cách đăng quảng cáo trên bảng thông báo trực tuyến hoặc diễn đàn WeChat riêng tư”.
Một yếu tố khác là sự xuất hiện của tiền điện tử (Bitcoin), một loại tiền không thể giám sát. Năm ngoái, các công tố viên của quận Manhattan đã phá hủy một băng nhóm người Trung Quốc sử dụng Bitcoin để rửa hơn 7 triệu USD.
Nhưng ảnh hưởng lớn nhất cho đến nay là sự tràn lan của chất gây nghiện Fentanyl. Fentanyl mạnh hơn Heroin hay Morphin từ 50 đến 100 lần và lợi nhuận trên mỗi một ki-lô-gam Fentanyl cao hơn ít nhất 20 lần so với Cocain, điều này mang lại nhiều tiền mặt hơn cho những kẻ buôn bán ma túy, do đó cũng cần “rửa sạch” nhiều tiền mặt hơn.
Ông Donovan cho biết: “Fentanyl là nguyên nhân thực sự khiến hoạt động làm ăn của họ (mạng lưới rửa tiền người Trung Quốc) phát triển nhanh chóng”. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, “thế lực và tiếng tăm của tổ chức rửa tiền Trung Quốc không ngừng tăng mạnh”.
Sự gia tăng tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc càng thúc đẩy sự bành trướng của băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc
Trong khi lợi nhuận khổng lồ mà Fentanyl mang lại đã được nhiều người biết đến thì một mặt khác của hoạt động rửa tiền lại ít được biết đến hơn, đó là sự gia tăng nhu cầu về đồng đô-la Mỹ của người Trung Quốc.
Các quan chức và nhà phân tích theo dõi hoạt động thanh toán quốc tế của Trung Quốc cho biết việc tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc không phải là hiện tượng mới, nhưng quy mô của việc tháo chạy này đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
Một quan chức cấp cao giấu tên làm việc trong chính phủ Trung Quốc nói với tờ Financial Times rằng nhiều tỷ phú và triệu phú đang cố gắng đem theo tiền của mình rời khỏi Trung Quốc. Người này nói: “Mức độ tháo chạy vốn trong ba năm qua rất đáng kinh ngạc”.
“Một số chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có đang mất niềm tin vào tương lai của Trung Quốc. Họ cảm thấy bất an, nên đang tìm cách đem tiền ra nước ngoài”.
Kể từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp đàn áp các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và điều tra hành vi tham nhũng cá nhân trong khoảng hai năm. Trong những năm gần đây, chính quyền nước này đã dâng cao bầu không khí rằng một ngày nào đó có thể sẽ tấn công Đài Loan bằng vũ lực, thậm chí là phát động cuộc xung đột với Hoa Kỳ, những điều này đều thúc đẩy giới nhà giàu Trung Quốc tìm kiếm con đường tháo chạy vốn.
Ngoài ra, một số triệu phú Trung Quốc cho rằng, hiện người lãnh đạo nước này dường như phản đối tài sản cá nhân về mặt tư tưởng. Trong mắt nhiều người, chính sách “thịnh vượng chung” mà ông Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2021 có thể là một kế hoạch khác của chính quyền Trung Quốc nhằm “đàn áp thổ hào, phân chia ruộng đất”.
Ông David Lesperance, nhà cố vấn về thuế và nhập cư ở Gibraltar, nói với tờ Financial Times rằng việc tháo chạy vốn ra nước ngoài của giới nhà giàu Trung Quốc trong những năm gần đây đã làm lu mờ tình huống tương tự mà ông từng thấy trong hơn ba thập kỷ qua.
Ông Lesperance cho biết: “Trong hai năm qua, trong số các khách hàng Trung Quốc sở hữu giá trị tài sản ròng siêu cao của tôi đã xuất hiện tình huống tháo chạy vốn ra nước ngoài với quy mô lớn nhất trong hơn ba thập kỷ qua”.
Tính toán quy mô tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc là việc không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi phải phân tích và thu thập chứng cứ về số liệu cán cân thanh toán của Trung Quốc để tính ra lượng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc thông qua các con đường không chính thức hoặc bất hợp pháp.
Ông Brad Setser, cựu quan chức của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, chuyên gia về dòng vốn toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ, ước tính rằng tính đến Quý I năm nay, lượng vốn tư nhân chảy ra khỏi Trung Quốc trung bình hàng năm là 516 tỷ USD. Con số này thậm chí còn cao hơn vào Quý III năm 2022, mức trung bình hàng năm lên tới gần 738 tỷ USD.
Những con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng năm 94 tỷ USD vào Quý IV năm 2019, tức là trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Dòng vốn chảy ra nước ngoài với quy mô lớn như vậy đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc vào năm 2024.
Ông Setser cho biết: “Nhiều người dân Trung Quốc không còn tin rằng quỹ đạo phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ có chuyển biến tích cực, do đó họ không còn muốn giữ phần lớn tài sản của mình ở lại Trung Quốc. Vì vậy, nhiều người đang tìm cách chuyển vốn ra nước ngoài, mặc dù đối với nhiều người dân Trung Quốc phổ thông, việc này khó có thể làm được về mặt kỹ thuật”.
Để chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc, người Trung Quốc đã áp dụng nhiều sách lược khác nhau. Mặc dù các quan chức và chuyên gia thực thi pháp luật của Hoa Kỳ xác định ngân hàng ngầm là con đường phổ biến nhất, nhưng vẫn còn những phương thức khác, chẳng hạn như lập hóa đơn giá cao cho hàng hóa nhập khẩu, sử dụng tiền mã hóa hoặc thanh toán cho những dịch vụ không tồn tại ở nước ngoài.
Băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc cũng đang hợp tác với những tổ chức tội phạm ở Châu Âu
Sự trỗi dậy với tốc độ nhanh chóng của băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới. Tại Ý, tờ Financial Times đã phỏng vấn các quan chức của các thành phố Milan, Rome, Florence, Trento và Reggio Calabria, nơi các cơ quan thực thi pháp luật của Ý đang tiến hành một loạt các cuộc điều tra nhằm vạch trần mối quan hệ hợp tác mật thiết giữa băng nhóm rửa tiền người Trung Quốc và những tội phạm có tổ chức ở Châu Âu.
Các cơ quan thực thi pháp luật của Ý tin rằng những tội phạm ở Ý ngày càng dựa vào các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc, không chỉ để rửa tiền thu được từ việc bán ma túy mà còn để trả tiền vận chuyển ma túy.
Ông Giovanni Melillo, Công tố viên trưởng của Tổng cục Chống khủng bố và Mafia Quốc gia Ý, cơ quan điều phối các cuộc điều tra về tội phạm có tổ chức trên toàn nước Ý, cho biết: “Cả hệ thống buôn bán ma túy được duy trì bởi một mạng lưới bí mật của các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc”.
Ông Giovanni Bombardieri, Công tố viên trưởng của thành phố Reggio Calabria, chuyên gia kỳ cựu trong cuộc chiến chống lại mafia ‘Ndrangheta ở vùng Calabria, cho biết cuộc điều tra gần đây chỉ ra cách mafia thanh toán tiền mua ma túy ở Hoa Kỳ Latinh thông qua các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc.
Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Vương quốc Anh (NCA) cũng đang điều tra sự khuếch tán của những người môi giới rửa tiền Trung Quốc. Ông Sal Melki, người phụ trách vấn đề tài chính bất hợp pháp tại Trung tâm Tội phạm Kinh tế Quốc gia của NCA, cho biết các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc ngày càng “coi những phần tử tội phạm như một nguồn tiền mặt sẵn có” để giúp công dân Trung Quốc ở nước ngoài trốn tránh các biện pháp kiểm soát dòng vốn.
Chính quyền Trung Quốc gần như không hành động trong việc chống lại các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc
Một số vụ án rửa tiền liên quan đến công dân Trung Quốc ở Hoa Kỳ từ vài năm trước đã đặt ra câu hỏi về việc chính quyền Trung Quốc biết được bao nhiêu về các ngân hàng ngầm của người Trung Quốc và các giao dịch rửa tiền của họ.
Năm 2021, Lý Hy Trí (Xizhi Li), 48 tuổi, một cư dân Hoa Kỳ, bị kết án 15 năm tù vì đã cầm đầu hoạt động rửa tiền trị giá hàng triệu USD cho một số kẻ buôn bán Cocain cùng các loại chất gây nghiện khác. Một người đàn ông Trung Quốc khác là Cam Hiền Binh (Xianbing Gan), bị kết án 14 năm tù tại thành phố Chicago vì đã rửa 500 triệu USD có được từ hoạt động buôn bán ma túy.
Các tài liệu khởi tố do các công tố viên đệ trình trong hai vụ án trên cho thấy cả hai người đàn ông này đều rửa tiền thông qua một số ngân hàng Trung Quốc lớn nhất và có tiếng nhất.
Celina Realuyo, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giáo sư tại Đại học George Washington, cho biết tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 3 năm nay: “Mặc dù các cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc thường kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt nền kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, nhưng Lý Hy Trí và những người khác đã chuyển hàng trăm triệu USD giữa các ngân hàng và công ty Trung Quốc mà gần như không phải chịu bất kỳ sự trừng phạt nào”.
Một số quan chức Hoa Kỳ nói với tờ Financial Times rằng họ nhận định chính phủ Trung Quốc có thể kiểm tra thông tin trên những nền tảng mã hóa mà các cơ quan phương Tây không xem được, nhưng lại không cung cấp nhiều thông tin nhất có thể cho các nước phương Tây.
Khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đến thăm Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 4 năm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được cam kết chung nhằm tăng cường hợp tác trong việc chống rửa tiền. Chính quyền Trung Quốc sau đó đã bắt giữ một nhân vật chủ chốt trong băng nhóm rửa tiền Martinez-Reyes nói trên.
Một quan chức cấp cao của DEA bình luận: “Phía chính quyền Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm hơn một chút đến việc hỗ trợ các cuộc điều tra (chống rửa tiền) của chúng tôi, nhưng đó không phải là tình huống chính mà chúng tôi thấy trong vài tháng qua”.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đức Huệ biên dịch