Các nạn nhân trong vụ tấn công của Hamas kiện Iran, Syria và Triều Tiên tại Mỹ

Lý Hạo Nguyệt

Các nạn nhân trong vụ tấn công của Hamas kiện Iran, Syria và Triều Tiên tại Mỹ
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh “Never Is Now” năm 2024 của Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) về ngăn chặn chủ nghĩa bài Do Thái tại thành phố New York vào ngày 7 tháng 3 năm 2024. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Hôm thứ Hai (1/7), hơn 100 nạn nhân trong cuộc tấn công khủng bố của Hamas và những người thân trong gia đình của họ đã khởi kiện Iran, Syria và Triều Tiên tại Mỹ, cáo buộc những nước này đã cung cấp cho Hamas sự hỗ trợ về tiền, vũ khí để phát động cuộc tấn công, đồng thời yêu cầu bồi thường ít nhất là 4 tỷ USD.

Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) và công ty luật quốc tế Crowell & Moring đã đệ đơn kiện dài 117 trang thay mặt cho 125 nguyên đơn cáo buộc 3 nước trên đã cung cấp sự hỗ trợ tài chính, quân sự và chiến thuật cho Hamas.

Chính phủ Mỹ đã đưa Iran, Syria và Triều Tiên vào danh sách các nước hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

ADL cho biết trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai rằng các nguyên đơn đang yêu cầu bồi thường thiệt hại vĩnh viễn, số tiền bồi thường sẽ được chi trả bởi Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Khủng bố do Nhà nước Bảo trợ của Mỹ (U.S. Victims of State Sponsored Terrorism Fund,USVSST Fund) do Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 2015. Quỹ này được dùng để cung cấp cho những nạn nhân khủng bố sự cứu tế thiết thực nhằm giảm bớt sự đau khổ của họ.

Vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở Washington, D.C. là vụ kiện lớn nhất nhằm vào các quốc gia nước ngoài vì liên quan đến vụ tấn công khủng bố của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái và là vụ kiện đầu tiên được hỗ trợ bởi một tổ chức dành cho người Do Thái.

Trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai, công ty Crowell & Moring chỉ ra rằng hơn 100 nguyên đơn trong vụ kiện này đều là công dân Mỹ hoặc thành viên gia đình của công dân Mỹ, do đó họ có đủ tư cách để khởi kiện về những cái chết và sự tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần do Hamas gây ra trong cuộc tấn công tàn bạo.

ADL cho biết, sau vụ tấn công khủng bố của Hamas, gần như lập tức đã xuất hiện những người phủ nhận “sự kiện ngày 7 tháng 10”, và vụ án này sẽ cải chính nhận thức sai lầm của một số người về sự kiện kinh hoàng ngày hôm đó.

Theo thống kê của Israel, vụ tấn công này đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người khác bị bắt làm con tin. Các nguyên đơn trong vụ án này bao gồm các công dân Mỹ bị thương vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, cũng như người thân và người thừa kế tài sản của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công.

Các quan chức Bộ Y tế tại Dải Gaza do Hamas kiểm soát cho biết cuộc phản công của Israel ở Dải Gaza đã khiến gần 38.000 người thương vong và biến khu vực này thành một đống hoang tàn.

Ông Jonathan Greenblatt, Giám đốc điều hành của ADL, cho biết trong một tuyên bố: “Iran là quốc gia tài trợ hàng đầu thế giới cho chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa khủng bố, cũng giống như Syria và Triều Tiên, họ phải chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong vụ tấn công bài Do Thái lớn nhất kể từ cuộc tàn sát Holocaust”.

Theo hãng thông tấn Reuters, Iran đã phải đối mặt với một số vụ kiện tương tự liên quan đến vụ tấn công khủng bố vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái. Những nước bị cáo buộc là thực hiện chủ nghĩa khủng bố cấp quốc gia thường phớt lờ những vụ kiện của Mỹ và không tuân thủ các phán quyết của các tòa án của Mỹ đối với họ.

Các phái đoàn của Iran, Triều Tiên và Syria tại Liên Hợp Quốc ở New York đã không phản hồi ngay lập tức đối với lời đề nghị bình luận của Reuters.

Nếu các bị cáo bị phán quyết có tội, những nguyên đơn này hy vọng Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Khủng bố do Nhà nước Bảo trợ của Mỹ sẽ được dùng vào việc bồi thường cho những cá nhân thắng kiện trong các vụ kiện “khủng bố do nhà nước bảo trợ”.

Nhưng quỹ này hiện không còn nhiều, trong một tuyên bố, công ty luật quốc tế Crowell & Moring đã nhắc đến việc Hạ nghị sĩ Mike Lawler và Hạ nghị sĩ Josh Gottheimer đã đề xuất một điều khoản dự luật lưỡng đảng hồi tháng 5 nhằm bổ sung cho khoản thiếu hụt này để giúp đỡ các nạn nhân.

Vụ kiện hôm thứ Hai đã yêu cầu ít nhất 1 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại và 3 tỷ USD tiền bồi thường mang tính trừng phạt.

Đức Huệ biên dịch

Boeing sẽ phải đối mặt với truy tố hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ

Trụ sở của Boeing ở quận Arlington, tiểu bang Virginia vào ngày 29 tháng 4 năm 2020. (Ảnh: OLIVIER DOULIERY/AFP thông qua Getty Images)

Gần đây, các nguồn tin tiết lộ rằng Boeing, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận hình sự từ Bộ Tư pháp Mỹ, Boeing có thể chọn nhận tội hoặc tiếp nhận xét xử.

Hôm Chủ nhật (30/6), hãng thông tấn Reuters dẫn nguồn tin cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra cáo buộc gian lận hình sự đối với gã khổng lồ sản xuất máy bay Boeing vì liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay chết người.

Theo thông tin, Boeing hiện phải đối mặt với hai lựa chọn, hoặc là chấp nhận thỏa thuận nhận tội, hoặc là chờ tòa án xét xử.

Thông tin trên cho biết Bộ Tư pháp Mỹ sẽ sớm đề xuất thỏa thuận nhận tội với Boeing, bao gồm việc thực hiện hình phạt tài chính mới và bổ nhiệm giám sát viên độc lập để giám sát các hoạt động tuân thủ và đảm bảo an toàn của công ty này trong thời hạn ba năm, đồng thời yêu cầu Boeing phải đưa ra phản hồi trước cuối tuần này. Nếu Boeing không nhận tội, Boeing sẽ phải đối mặt với việc bị xét xử.

Năm 2018 và 2019, lỗi thiết kế trên máy bay phản lực Boeing 737 MAX đã gây ra hai vụ tai nạn và dẫn đến cái chết của 346 sinh mạng.

Kể từ đó, Boeing đã đạt được “thỏa thuận trì hoãn truy tố” với các công tố viên, đồng thời đồng ý chi trả khoản bồi thường 2,5 tỷ USD cho gia đình của các nạn nhân nhằm tránh bị truy tố hình sự.

Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, sự cố cửa của một chiếc máy bay chở khách 737 MAX bung và rơi ra khỏi máy bay khi đang ở trên không một lần nữa làm dấy lên lo ngại về an toàn và chất lượng của loại máy bay Boeing này.

Vào tháng 5 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Boeing vi phạm các quy định của “thỏa thuận trì hoãn truy tố” và quyết định đưa ra cáo buộc hình sự đối với công ty này.

Một số nhà phân tích tin rằng với tư cách là một nhà sản xuất lớn đồng thời sản xuất máy bay quân sự và những thiết bị quốc phòng khác, nhận tội có thể không phải là một lựa chọn có lợi cho Boeing.

Tuy nhiên, nếu công ty này bị đưa ra xét xử và bị phán quyết phạm trọng tội thì có thể phải đối mặt với những hạn chế trong hợp đồng với chính phủ và thỏa thuận nhận tội có thể giúp Boeing tránh được những hạn chế đó.

Đức Huệ biên dịch

Related posts