10 tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 35 nghìn tỷ VND hay hơn 1,37 tỷ USD, được cho là số tiền mà chính quyền Thượng Hải đã vay từ 8 ngôi chùa ở thành phố này. Trong bối cảnh các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang gặp khó khăn về tài chính, thông tin này đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng nó đã nhanh chóng bị chính quyền ‘bác bỏ tin đồn’.
Vào ngày 2/7, một bức ảnh chụp màn hình cho thấy có nguồn gốc từ NetEase – một trang web tổng hợp tin tức của Trung Quốc – đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội ở nước này. Nhan đề của bài viết trong ảnh là: “Mức độ túng thiếu tài chính của địa phương có thể vượt xa sức tưởng tượng của bạn, chúng ta thực sự hết tiền rồi”.
Bài viết trên đề cập rằng, một nhân viên làm việc tại Sở Tài chính Thành phố Thượng Hải – người yêu cầu được giấu tên – đã tiết lộ như sau: Để cân đối báo cáo tài chính nửa đầu năm, chính quyền thành phố Thượng Hải đã tạm vay 10 tỷ nhân dân tệ (CNY) tiền hương hỏa như một khoản nợ ngắn hạn từ 8 ngôi chùa nằm dưới sự quản lý của Thượng Hải, bao gồm: chùa Tĩnh An, chùa Long Hoa, chùa Ngọc Phật, chùa Đông Lâm, chùa Bảo Hoa, tịnh viện Bích Vân, am Bàn Long và chùa Hồng Phúc. Trong đó, chùa Tĩnh An đã đóng góp số tiền lớn nhất là 4,8 tỷ CNY (hơn 16,8 nghìn tỷ VND).
Trước thông tin trên, giới chức Thượng Hải đã khẩn trương “bác bỏ tin đồn” và nói rằng tin tức này “không có thật”. Trưởng Phòng Ngân sách của Sở Tài chính Thành phố Thượng Hải nói rằng, trong nửa đầu năm nay, hoạt động tài chính của Thượng Hải “nhìn chung là khỏe mạnh”.
Tối ngày 2/7, NetEase cũng ra tuyên bố “bác bỏ tin đồn” và nói rằng trên trang NetEase không có bất kỳ tin tức nào nhắc đến tình hình tài chính của Thượng Hải như trong bức ảnh được lan truyền trên mạng kia.
Tuy nhiên, tìm kiếm trên Internet cho thấy NetEase đã đăng một bài viết có nhan đề kể trên vào ngày 29/5/2024 nhưng khi ấn mở trang web này thì phát hiện bài viết đó đã bị xóa.
Phóng viên của The Epoch Times đã tìm kiếm nhan đề “Mức độ túng thiếu tài chính của địa phương có thể vượt xa sức tưởng tượng của bạn” trên công cụ tìm kiếm và tìm thấy một bài báo có cùng nhan đề này trên một diễn đàn trao đổi ở Trung Quốc.
Bài viết đó đề cập rằng, số liệu do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố cho thấy nguồn thu từ việc bán đất trên toàn Trung Quốc trong Quý I năm 2024 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bài viết trên, từ những số liệu được công khai này, không khó để nhận thấy rằng bắt đầu từ năm 2021, nguồn thu tài chính từ đất đai của chính quyền Trung Quốc đã giảm dần qua từng năm, và mức giảm hàng năm cũng không hề nhỏ.
Vậy nguồn thu tài chính từ đất đai giảm mạnh sẽ mang đến những ảnh hưởng gì?
Bài viết trên nêu rõ: Một là gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của chính quyền địa phương, bao gồm giáo dục, giao thông công cộng, v.v.
Hai là gây ảnh hưởng đến tín dụng của chính quyền. Ví như hiện nay địa phương đang thiếu tiền, cũng có nghĩa là việc thanh toán cho các dự án xây dựng có thể sẽ bị chậm trễ. Điều này có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến chính quyền, mất đi độ khả tín là vấn đề lớn nhất.
Ba là có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định chung của nền kinh tế, bao gồm việc giá cả gia tăng, như tăng giá vé đường sắt, tăng giá nước, điện và khí đốt tự nhiên.
Hiện tại, thế giới bên ngoài không thể biết được số liệu thực về tài chính của Thượng Hải và liệu Sở Tài chính của thành phố này có tạm vay 10 tỷ CNY từ các ngôi chùa ở địa phương để giải quyết vấn đề cân đối báo cáo tài chính hay không.
Tuy nhiên, trên Internet có không ít những mẩu tin nhỏ do cư dân mạng đăng tải cho hay Thượng Hải đã hết tiền như: “[Chính quyền] địa phương Trung Quốc hết tiền rồi sao? Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Thành phố Thượng Hải đang yêu cầu các đảng viên đóng góp tiền”; “Thượng Hải – nơi có sức hấp dẫn nhất Trung Quốc – hết tiền rồi à? Một dự án mang tính biểu tượng với tổng vốn đầu tư 624 tỷ [nhân dân tệ] đã bị đình chỉ khẩn cấp”; “Người Thượng Hải bị phạt tiền vì đi bộ vi phạm quy định, công dân nói chính quyền hết tiền rồi”.
Điều đáng nói là thành phố Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng từng bị rò rỉ một biên bản cuộc họp về vấn đề tương tự vào tháng 5 năm ngoái. Ngay từ phần mở đầu, “Biên bản cuộc họp của các chuyên gia đầu tư đô thị Côn Minh” đã đề cập rằng thành phố Côn Minh có khoản nợ 20 tỷ CNY sắp đáo hạn trong nửa năm tới, nhưng các công ty đầu tư đô thị không có khả năng thanh toán, tài chính của thành phố không đủ, còn tỉnh Vân Nam tuyên bố sẽ không dồn sức cứu trợ; một số chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty đầu tư đô thị đã đích thân đến Thượng Hải “xin tiền”.
Biên bản này viết rằng, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Hải không phải là “trao đổi tài sản”, bởi vì Côn Minh “không có tài sản để trao”; lần này là “trực tiếp xin tiền” vì Vân Nam là đối tượng viện trợ được chỉ định của Thượng Hải. Trước kia, trong khoản trợ cấp mà chính quyền trung ương Trung Quốc cấp cho tỉnh Vân Nam thì mỗi năm có tới mấy trăm tỷ nhân dân tệ là được chuyển từ Thượng Hải sang.
Biên bản này còn đặc biệt đề cập đến khoản trợ cấp mà Thượng Hải phải chuyển cho Vân Nam vào năm ngoái nhưng đến nay Vân Nam vẫn chưa nhận được, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trên thực tế, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu vào năm 2019, chính quyền trung ương Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra thông báo, yêu cầu chính quyền các cấp “thắt chặt dây lưng” và chuẩn bị sẵn sàng “sống thắt lưng buộc bụng”. Họ gọi đây là “chính sách, phương châm kiên trì lâu dài”.
Ngay sau đó, chính sách phong tỏa dịch bệnh kéo dài 3 năm do chính quyền Trung Quốc đưa ra đã gây tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Trong số đó, việc chính quyền thành phố Thượng Hải thực hiện chính sách Zero Covid hà khắc vào năm 2022 đã tiêu tốn rất nhiều tài nguyên. Ngoài ra, việc chính quyền Trung Quốc trấn áp các nhà phát triển bất động sản cũng đã gây ra một cuộc khủng hoảng bất động sản lan rộng khắp nước này, điều này cũng gây ảnh hưởng đến nguồn thu từ đất đai mà chính quyền các địa phương dựa vào để tồn tại.
Đông Phương biên dịch