Các tập đoàn nước ngoài như Samsung, Intel, LG,… đến Việt Nam khảo sát đầu tư, nhưng rồi lại quyết định rót tiền đầu tư các dự án tỷ USD tại quốc gia khác. Nguyên nhân là do Việt Nam thiếu các biện pháp khuyến khích đầu tư phù hợp, Reuters dẫn văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết hôm 5/7.
Trụ sở chính của Intel ở Santa Clara, California, Mỹ. Ảnh chụp ngày 10/6/2023. (Ảnh: JHVEPhoto / Shutterstock)
Trong văn bản đề ngày 29/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng nhà sản xuất chip Intel của Mỹ đã đề xuất đầu tư 3,3 tỷ USD vào một dự án tại Việt Nam và yêu cầu nước chủ nhà “hỗ trợ tiền trực tiếp” ở mức 15%, nhưng sau đó hãng quyết định chuyển dự án sang Ba Lan.
Văn bản nêu ra rằng công ty LG Chem Ltd của Hàn Quốc cũng bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào dự án pin tại Indonesia, sau khi đề nghị Việt Nam hỗ trợ 30% chi phí đầu tư.
Hai hãng này không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị họ đưa ra bình luận về các nhận định trên của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ có kế hoạch trình lên chính phủ vào ngày 5/7 một đề án lập quỹ khuyến khích đầu tư để chính phủ phê duyệt .
Văn bản của bộ viết: “Gần đây, nhiều tập đoàn lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhưng sau đó lại quyết định chuyển sang các nước khác vì Việt Nam chưa có quy định về hỗ trợ đầu tư”.
Việt Nam, cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty như Samsung Electronics, Foxconn và Intel, phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài để tăng trưởng. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận một bản tin hồi tháng 11 của Reuters rằng Intel đã hủy bỏ khoản đầu tư theo kế hoạch vào Việt Nam, vốn có thể giúp tăng gần gấp đôi hoạt động của nhà sản xuất chip Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này.
Văn bản đưa ra thêm thông tin là nhà sản xuất chất bán dẫn AT&S có trụ sở tại Áo đã quyết định đầu tư vào Malaysia sau khi yêu cầu hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam không được đáp ứng và cho biết Samsung Electronics đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ.
Reuters chưa kết nối được ngay với AT&S và Samsung Electronics để đề nghị họ đưa ra bình luận.
Các công ty đa quốc gia đang theo dõi kế hoạch thành lập quỹ ưu đãi đầu tư của Việt Nam sau khi quốc hội nước này hồi năm ngoái thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu do OECD đề xuất là 15%, thực tế là nâng mức thuế mà các công ty phải nộp.
Khánh Vy