Grace Hsing • Olivia Li
Tình hình ảm đạm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn bất chấp các biện pháp giải cứu của chính quyền.
Sau khi trải qua 6 tuần liên tiếp suy giảm và không duy trì được ngưỡng 3.000 điểm trên Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã kết thúc nửa đầu năm với sự sụt giảm, cùng với một sự phục hồi không ổn định vào ngày 28/6. Mặc dù vậy, cho đến nay thị trường vẫn chưa thể giành lại mốc quan trọng là 3.000 điểm.
Điều này diễn ra bất chấp một loạt những biện pháp mới do chính quyền Trung Quốc đưa ra để giải cứu thị trường sau vụ sụp đổ vào tháng 2.
Có nhiều lý do khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lại giảm xuống dưới 3.000 điểm, ông Tần Bằng (Qin Peng), một nhà bình luận thời sự ở Mỹ, nói với The Epoch Times.
“Thị trường chứng khoán là thước đo về môi trường chính trị và kinh tế tổng thể trong và ngoài nước. Hiện tại, toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm. Tuy nhiên, gói cứu trợ của chính quyền Trung Quốc đã không xử lý được những vấn đề cơ bản của nền kinh tế, do đó tác động của nó là hạn chế”, ông Tần cho biết.
Ông cho biết chính quyền Trung Quốc đã có một số nỗ lực để cứu lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy mở rộng xuất khẩu. Nhưng xét về việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, những nỗ lực của họ chỉ là tuyên truyền và nói suông, vì chính quyền đã hoàn toàn bác bỏ ý tưởng cung cấp tiền cho người dân để kích thích tiêu dùng.
Trong suốt nửa đầu năm nay, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao mới, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại cho kết quả kém, với cả ba chỉ số chính đều giảm. Trong số hơn 5.300 cổ phiếu niêm yết, chưa đến 800 cổ phiếu ghi nhận mức tăng.
Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải đã rơi xuống thấp hơn mức 3.000 điểm nhiều lần kể từ tháng 2. Đợt suy giảm gần đây nhất bắt đầu vào ngày 20/5, khi chỉ số này giảm xuống mức thấp nhất là 2933,33 vào ngày 21/6.
Vào chiều ngày 26/6, ba chỉ số chính đã phục hồi trong bối cảnh biến động, với hơn 4.500 cổ phiếu tăng trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, sự phục hồi này một phần là do các doanh nghiệp trung ương và nhà nước mua lại cổ phiếu ở mức đáng kể.
Tuy nhiên, vào ngày 27/6, thị trường cổ phiếu hạng A mở cửa và đóng cửa ở mức thấp hơn, với tình hình chung đảo ngược so với ngày hôm trước. Hơn 4.700 cổ phiếu giảm, khối lượng giao dịch tại thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến tiếp tục giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết bằng đồng nhân dân tệ ở Thượng Hải và Thâm Quyến].
Ông Tần cho biết các công ty tư nhân của Trung Quốc về cơ bản đã ngừng đầu tư và mở rộng. Ông nói: “Khi không có sự phục hồi kinh tế chung, việc cứu thị trường chứng khoán chỉ là lời nói suông”.
Một lý do khác khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc khó có thể cải thiện, theo ông Tần, là thị trường chứng khoán ban đầu được các gia tộc quyền lực của chính quyền Trung Quốc thiết kế nhằm mục đích huy động vốn và lấy tiền từ thị trường chứng khoán thông qua IPO (đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
“Việc đóng gói các IPO là giả mạo, việc phát hành cổ phiếu và tăng lãi suất cố định cũng là giả mạo, không có cơ chế pháp lý thực sự để giám sát, và những hình phạt thỉnh thoảng được áp dụng cho một hoặc hai người chỉ là khoản tiền phạt nhỏ để lừa dối mọi người”, ông nói. “Các cổ đông đã bị lừa dối, gian lận và thất vọng hết lần này đến lần khác, và cuối cùng đã mất rất nhiều tiền. Bây giờ, rất nhiều người đã bỏ chạy và ngừng đầu tư vào cổ phiếu hạng A”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch