Pinnacle View Team
Hướng tới Hội nghị Trung ương 3 sắp tới, kinh tế Trung Quốc có thể đang ở giai đoạn nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1990, với nguy cơ trì trệ hoặc suy thoái ở trước mắt.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải một lần nữa giảm xuống dưới mốc quan trọng là 3.000 điểm. Bất chấp những nỗ lực toàn diện của chính quyền Trung Quốc, thị trường không có dấu hiệu phục hồi và phải đối mặt với áp lực suy giảm ngày càng tăng. Các chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là giai đoạn nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc kể từ những năm 1990, với nguy cơ trì trệ hoặc suy thoái tiềm ẩn trước mắt.
Đồng thời, đồng CNY (nhân dân tệ) đã suy yếu, giảm xuống còn 7,27 đổi 1 USD tính đến ngày 8/7, gần chạm tới mức thấp lịch sử gần đây. Các chỉ số kinh tế gần đây từ Trung Quốc cho thấy sự suy yếu liên tục kể từ quý thứ II, với nguồn thu tài chính suy giảm và cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập.
Đầu tư sụt giảm, đồng tiền mất giá
Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây đã báo cáo rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm đáng kể, tương đương khoảng 56,81 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 5, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong chương trình “Cái nhìn Đỉnh điểm” (Pinnacle View) của NTD, nhà sản xuất truyền hình độc lập Lý Quân (Li Jun) cho biết, “Kể từ khi nhậm chức vào tháng 2, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) Ngô Thanh [Wu Qing] đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong hơn 3 tháng. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như đang phai nhạt, bị trầm trọng hoá bởi sự suy giảm trong các lĩnh vực hàng đầu như ngành rượu và ô-tô, khiến các cổ đông nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài thanh lý cổ phần của họ. Điều này làm tăng thêm áp lực buộc chính quyền phải ổn định thị trường, với kỳ vọng rằng ông Ngô sẽ nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định cho đến Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc]”.
Đồng CNY đã giảm đáng kể trong 2 tuần qua, chạm mức 7,267 CNY đổi 1 USD vào ngày 26/6, đánh dấu mức thấp nhất trong năm. Đồng CNY ở nước ngoài cũng giảm xuống dưới 7,3, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Sự suy giảm về tỷ giá hối đoái này được đánh dấu một cách đáng chú ý bằng việc ngân hàng trung ương liên tục hạ tỷ giá hối đoái trung bình. Một số người suy đoán rằng sự sụt giảm này là phản ứng chiến lược của chính quyền Trung Quốc nhằm chống lại sự tăng giá của đồng USD, xét đến chính sách tỷ giá hối đoái được kiểm soát chặt chẽ của nước này, nếu không thì đồng CNY có thể còn giảm mạnh hơn nữa.
Thị trường chứng khoán
Ông Lý lưu ý rằng từ ngày 21/6 đến ngày 8/7, Chỉ số Tổng hợp SSE – chỉ số thị trường chứng khoán của tất cả các cổ phiếu được giao dịch trên Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải – vẫn ở mức dưới 3.000 điểm, chưa thể phục hồi. Cuộc chiến duy trì ngưỡng này, diễn ra từ năm 2008, giờ đây đã một lần nữa thất bại. Ngược lại, thị trường chứng khoán Đài Loan đã tăng vọt từ 8.000 điểm vào năm 2008 lên hơn 22.000 điểm ở hiện tại, gần gấp 3 lần về giá trị.
Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhân vật truyền thông cấp cao người Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cho biết “thị trường chứng khoán Trung Quốc hoạt động khác với các nền kinh tế thị trường phương Tây. Thị trường này ban đầu chủ yếu là để tạo ra lợi nhuận và giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Một số doanh nghiệp tư nhân niêm yết không chỉ đơn thuần là tư nhân mà còn có mối quan hệ chặt chẽ với các thực thể nhà nước, trên thực tế hoạt động như những tổ chức đại diện. Những công ty như vậy chỉ có thể niêm yết khi có sự hỗ trợ của chính quyền”.
Ông Dịch Hội Mãn (Yi Huiman), cựu chủ tịch của CSRC, đã bị chính quyền Trung Quốc cách chức sau khi công chúng phẫn nộ vì sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Theo ông Thái, nhiệm kỳ của ông Dịch bị ảnh hưởng xấu bởi các phê duyệt niêm yết đáng ngờ cho các công ty có trụ sở tại Chiết Giang, nhiều công ty trong số đó không có thành công thực sự trong hoạt động vận hành. Những hành động mờ ám này khiến các nhà đầu tư bán lẻ phải đối mặt với khoản lỗ đáng kể trong khi lại có lợi cho các quan chức và cá nhân có mối quan hệ tốt.
Ông Thái nói thêm rằng “có những sai sót mang tính hệ thống trong đó các cổ đông lớn nhanh chóng bán tháo cổ phiếu khi giá tăng, phản ánh niềm tin thấp vào tăng trưởng bền vững và tính minh bạch trong hoạt động, không giống như những hành vi được quan sát thấy ở các thị trường phương Tây. Một số công ty thường được đóng gói đẹp mắt để niêm yết nhưng lại không có nguồn doanh thu thực sự, khiến cổ phiếu giảm mạnh sau khi mua”.
Căng thẳng giữa chính quyền địa phương và trung ương
Ông Thái cũng cho biết dữ liệu kinh tế chính thức có vẻ lạc quan, trái ngược với khẳng định của Thủ tướng Lý Cường về dự báo tăng trưởng GDP 5% cho năm nay tại Diễn đàn Davos mùa hè vào ngày 25/6. Ông Thái cho biết các chỉ số kinh tế thực sự, bao gồm số liệu xuất khẩu và tiền thuế từ tháng 1 đến tháng 5, vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác, cho thấy việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% là không thực tế và không thể xảy ra.
“Gần đây, tôi nhận thấy sự khác biệt đáng kể là 230 tỷ USD giữa dữ liệu xuất khẩu của hải quan năm ngoái và số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước báo cáo, ám chỉ về khả năng thao túng dữ liệu. Có khả năng hải quan đã đưa ra số liệu xuất khẩu bị thổi phồng để mô tả một triển vọng kinh tế quá tích cực”, ông nói.
Ông nói thêm rằng chiến lược thúc đẩy nền kinh tế của chính quyền Trung Quốc bằng cách xuất khẩu xe năng lượng mới, pin lithium và sản phẩm quang điện đang bị cản trở nghiêm trọng bởi thuế quan của phương Tây. “Dữ liệu tháng 5 cho thấy xuất khẩu xe điện giảm mạnh, thậm chí trước cả khi tác động đầy đủ của thuế quan mới có hiệu lực, có khả năng báo trước những báo cáo kinh tế ảm đạm hơn trong tương lai”, ông Thái nói thêm.
Minh họa cho mức độ nghiêm trọng của tình hình, ông Thái cho biết một huyện của Trung Quốc báo cáo chỉ thu được 12 triệu CNY tiền thuế từ tháng 1 đến tháng 4, giảm mạnh so với những năm trước khi nguồn thu này đạt 100-200 triệu CNY chỉ trong nửa năm. “Điều này nhấn mạnh tình hình tài chính tồi tệ của các chính quyền địa phương trên toàn quốc, đặc biệt là ở bên ngoài các trung tâm công nghiệp ven biển thịnh vượng, hiện đang bên bờ vực sụp đổ hoặc bị tê liệt. Phụ thuộc nhiều vào các khoản chuyển tiền tài chính từ chính quyền trung ương, các chính quyền địa phương phải vật lộn để duy trì các dịch vụ khi nguồn thu thuế giảm dần trong khi chi tiêu vẫn là cố định”, ông Thái cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Trung Quốc đã phải dùng đến biện pháp phát hành thêm trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu đặc biệt dài hạn, để thu hẹp những khoản chênh lệch tài chính. Tuy nhiên, những khoản nợ này phát sinh lãi suất mà chính quyền địa phương có thể phải vật lộn để trả.
Khi căng thẳng giữa chính quyền địa phương và trung ương leo thang do cơ sở thuế ngày càng thu hẹp, khả năng duy trì hoạt động của chính quyền địa phương mà không cần đàm phán lại việc phân phối nguồn thu ngày càng bị nghi ngờ. Việc không giải quyết được những vấn đề này có thể dẫn đến bất ổn xã hội lan rộng sau Hội nghị Trung ương 3.
Các vấn đề về phân phối nguồn lực
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập của ấn bản Hong Kong của The Epoch Times, đã phát biểu trên “Cái nhìn Đỉnh điểm” rằng “Hệ thống thuế và tài khóa của Trung Quốc là gốc rễ của các vấn đề kinh tế của nước này”. Đề xuất cải cách thuế của chính quyền Trung Quốc có khiếm khuyết và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề. Lý do chính khiến tiêu dùng trong nước yếu là do người dân thiếu thu nhập khả dụng. Mặc dù kinh tế tăng trưởng nhanh trong nhiều năm, nhưng những người dân bình thường vẫn chưa được hưởng lợi một cách tương xứng, khiến nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi biến động.
Bà Quách cho biết, “Gánh nặng thuế của Trung Quốc đối với người dân là một trong những gánh nặng cao nhất trên toàn cầu và nguồn thu này không được đầu tư vào các dịch vụ công cơ bản mà vào các dự án của chính phủ và chi phí hành chính của đảng. Những thay đổi được đề xuất của Hội nghị Trung ương 3 chỉ giải quyết vấn đề phân phối giữa chính quyền trung ương và địa phương, chứ không phải sự chênh lệch cơ bản giữa chính quyền và người dân. Đó là hướng đi sai lầm”.
Bà Quách cho biết chính quyền Trung Quốc cũng đặt mục tiêu phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao nhưng phải đối mặt với những hạn chế mang tính hệ thống.
Bà Quách tin rằng chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu tung ra các sản phẩm công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu theo cái gọi là “ba mặt hàng chủ chốt mới” và những lực lượng sản xuất mới.
“Hiện tại, ngành công nghiệp xe điện (EV) của Trung Quốc, một phần quan trọng trong những tham vọng công nghệ cao của nước này, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và việc tụt hậu về nghiên cứu trong những công nghệ nền tảng như pin. Với mối quan hệ ngày càng xấu đi với Hoa Kỳ và Châu Âu, việc hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao đang gặp nhiều thách thức, hạn chế sự phát triển trong tương lai. Ngành công nghiệp này có thể chỉ còn 3 đến 5 năm tăng trưởng nữa trước khi mất khi động lực, do thiếu các công nghệ đột phá cần thiết để thành công lâu dài”, bà Quách cho biết.
“Tương lai của EV không nằm ở pin hay động cơ điện mà nằm ở các hệ thống kỹ thuật số hoàn toàn tự động dựa trên AI, mà chính quyền Trung Quốc không có lợi thế đáng kể nào”.
Bảo Nguyên biên dịch