Liên Thành
Ông Tập bỗng tung ra dấu hiệu sẽ đi lại con đường đã nhiều lần được chứng minh là thất bại đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Một số người nói rằng đây là để chuẩn bị cho chiến tranh và tấn công Đài Loan; một số người nói rằng đây là để quay trở lại nền kinh tế kế hoạch. Những suy đoán này có hợp lý không? Vì sao ông Tập lại phải dùng tới kế sách này?.
Vào ngày 28/6, ông Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh của chủ tịch nước tuyên bố thông qua Luật Tổ chức Kinh tế Tập thể Nông thôn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, sẽ được thực thi vào ngày 1/5/2025. Ngay khi tin tức này xuất hiện, nó ngay lập tức gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông nổi tiếng ở nước ngoài đều đặt câu hỏi rằng, bước tiếp theo có phải là thiết lập “Công xã Nhân dân” hay không?
Tác giả gốc Hoa – Vị Phổ (未普) đã có bài bình luận trên RFA chỉ ra lý do vì sao ông Tập lại quay lại con đường đã từng thất bại đối với kinh tế Trung Quốc này.
Mối lo ngại này không phải là vô căn cứ. Luật tổ chức kinh tế tập thể nông thôn mới này đề cập đến các tổ chức kinh tế khu vực dựa trên quyền sở hữu tập thể về đất đai, đại diện theo pháp luật cho các thành viên tập thể thực hiện quyền sở hữu, thực hiện hệ thống kinh doanh hai tầng kết hợp giữa khoán hộ gia đình và quản lý tập thể, bao gồm các tổ chức kinh tế tập thể cấp xã, cấp thôn và cấp nhóm. Cấu trúc của tổ chức kinh tế khu vực này rất giống với Công xã Nhân dân trước đây.
Công xã nhân dân từng là một hình thức tổ chức trong lịch sử phát triển nông thôn Trung Quốc và đã nhiều lần được chứng minh là thất bại. Tại sao bây giờ ông Tập Cận Bình lại phải quay lại con đường đã thất bại này? Trên thực tế, ngay từ đầu những năm 1980, khi ông Tập Cận Bình còn đương chức ở huyện Chính Định (正定), ông đã ủng hộ mạnh mẽ việc khoán sản phẩm đến hộ gia đình, một sự thách thức trực tiếp đối với Công xã Nhân dân. Sau đó, ông Tập cũng ca ngợi hệ thống trách nhiệm hộ gia đình trong chương trình “Kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa” do đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tổ chức. Ông nói, toàn bộ quá trình “khoán lớn” là một quá trình lịch sử; Trung Quốc hiện giờ cần tiếp tục cải cách mở cửa trên hành trình lịch sử mới, kiên định với đường lối cơ bản trong 100 năm không thay đổi (theo Tân Hoa Xã, ngày 12/12/2018).
Nhưng chưa đến 50 năm sau, tại sao ông Tập Cận Bình lại “dao động” và thực hiện điều mình đã từng không ủng hộ? Một số người nói rằng đây là để chuẩn bị cho chiến tranh và tấn công Đài Loan; một số người nói rằng đây là để quay trở lại nền kinh tế kế hoạch. Những suy đoán này là hợp lý. Gần đây, thực sự có nhiều dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ đang đẩy mạnh tích trữ vật tư chuẩn bị chiến tranh, bao gồm lương thực, dầu mỏ, vàng, v.v. Tuy nhiên, chuyên gia Vị Phổ cho rằng ngay cả khi không có những yếu tố này, ông Tập vẫn muốn thúc đẩy kinh tế tập thể nông thôn, nhằm kiểm soát nông thôn, kiểm soát nông nghiệp và kiểm soát nông dân. Ông có thể cho rằng, nông dân hiện đang ở trạng thái phân tán, tổ chức đảng cơ sở lại ở tình trạng có cũng được, không cũng được, điều này không có lợi cho chế độ của ông.
Năm 2014, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuốn sách “Xóa nghèo” rằng xây dựng tốt các tổ chức đảng ở nông thôn là động lực cốt lõi để củng cố tuyến đầu xóa đói giảm nghèo; ông phê phán một số cán bộ đảng viên nông thôn không nhận thức được cách phát huy vai trò của tổ chức đảng trong tình hình mới, cho rằng “khoán sản phẩm đến hộ gia đình rồi thì không cần chi bộ đảng”; một số đảng viên nông thôn dùng tiền thay thế tôn chỉ, dùng lợi ích thay thế lý tưởng, từ bỏ vai trò gương mẫu của đảng viên. Có thể nói rằng, tăng cường sự kiểm soát của đảng đối với toàn bộ nông thôn là cách cai trị mà Tập Cận Bình đã theo đuổi trong suốt 10 năm qua.
Tác giả Vị Phổ nhận định, đối với sự ham muốn kiểm soát và mục đích kiểm soát của ông Tập Cận Bình, Luật Tổ chức Kinh tế Tập thể Nông thôn mới không hề giấu giếm. Nó nói rằng, tổ chức kinh tế tập thể nông thôn là chủ thể quan trọng trong việc phát triển và mở rộng kinh tế tập thể nông thôn, củng cố chế độ sở hữu công cộng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự thịnh vượng chung, đồng thời là sự bảo đảm quan trọng để nâng cao sức mạnh đoàn kết của tổ chức đảng và củng cố nền tảng cầm quyền của đảng ở nông thôn. Luật này còn yêu cầu các tổ chức kinh tế tập thể ở các cấp nông thôn phải kiên trì theo sự lãnh đạo của đảng, tuân thủ pháp luật dưới sự lãnh đạo của đảng ủy địa phương, công ủy đường phố và tổ chức đảng ở làng xã.
Ông Tập Cận Bình dùng danh nghĩa của đảng để kiểm soát nông thôn, nông nghiệp và nông dân như vậy, các hoạt động kinh tế của nông dân sẽ bị ảnh hưởng rất bất lợi. Trước hết, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của nông dân có thể sẽ mất đi một lần nữa. Quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của nông dân vào đầu thập niên 1980, do 18 hộ dân ở thôn Tiểu Cương, Phượng Dương, An Huy ký kết một thỏa thuận bí mật với nguy cơ “bị chém đầu và bỏ tù”, đã mở ra cải cách chế độ trách nhiệm đất đai của nông dân Trung Quốc. Cuộc cải cách này đã huy động mạnh mẽ sự nhiệt tình sản xuất của nông dân, giải phóng năng suất ở nông thôn và trở thành động lực đầu tiên cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng luật tổ chức kinh tế của ông Tập Cận Bình dường như không quan tâm đến quyền tự chủ của nông dân, nó nhấn mạnh “tổ chức và thực hiện quản lý, quản lý tài sản tập thể”, “phân phối và sử dụng thu nhập tập thể”, “thực hiện quyền tự quản lý của người dân dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở làng xã”…
Thứ hai, thuế nông nghiệp được bãi bỏ, tức loại thuế do nông dân nộp theo một tỷ lệ nhất định và được áp dụng vào năm 1955, có thể sẽ quay trở lại. Bởi vì cán bộ nông thôn thường sử dụng các biện pháp cưỡng bức để thu thuế nông nghiệp, làm giảm sự nhiệt tình sản xuất của nông dân và gây phẫn nộ tột độ trong nông dân nên nó đã bị hủy bỏ vào năm 2003. Tuy nhiên, Luật Tổ chức kinh tế tập thể nông thôn mới quy định tại Điều 50 rằng tổ chức kinh tế tập thể nông thôn phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc “nộp thuế” ở đây có thể trở thành một hình thức bóc lột khác đối với nông dân.
Thứ ba, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn có thể ngày càng gia tăng. Những tiến bộ nhỏ nhoi mà nông dân và khu vực nông thôn đạt được nhờ những cải cách trước đây có thể bị đẩy lùi về hình dạng ban đầu vì luật tổ chức kinh tế tập thể này. Kiểm soát nông dân và khu vực nông thôn là mục đích cơ bản của ông Tập, và Luật mới này là công cụ giúp ông kiểm soát nông dân và khu vực nông thôn.
Tác giả Vị Phổ kết luận, có thể khẳng định rằng, sự kiểm soát của ông Tập Cận Bình đã vươn tới tận các cơ sở nông thôn thấp nhất. Phải chăng điều này có nghĩa là Phiên họp toàn thể lần thứ ba sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là một bước thụt lùi hoàn toàn? Những cuộc cải cách của Trung Quốc những năm 1980 bắt đầu ở khu vực nông thôn, liệu sự phục hồi toàn diện của ông Tập có phải cũng sẽ bắt đầu từ nông thôn?. Điều này đáng để chúng ta tiếp tục quan sát thêm.