Bin Zhao, Cindy Li
Chính sách du lịch của Nhật Bản đã mang lại thành tựu, với chi tiêu danh nghĩa của du khách đến Nhật Bản từ tháng Một đến tháng Ba lên đến 7.2 ngàn tỷ yên mỗi năm (khoảng 449 tỷ USD), đánh dấu mức tăng gấp 5 lần trong thập niên vừa qua.
“Tầm nhìn Du lịch Trợ giúp Tương lai của Nhật Bản,” được giới thiệu vào tháng 03/2016 với sự ủng hộ mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, đã mang lại kết quả tích cực, giúp ngành du lịch tự khẳng định là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản.
Theo hãng thông tấn Nikkei, trong năm 2023, du khách ngoại quốc đã đóng góp 7.2 ngàn tỷ yên (44.5 tỷ USD) cho nền kinh tế Nhật Bản. Mặc dù con số này chưa bằng một nửa so với mức mà ngành công nghiệp xe hơi hàng đầu của Nhật Bản tạo ra, trong đó đóng góp 17.3 ngàn tỷ yên (khoảng 110 tỷ USD), nhưng ngành du lịch vẫn vượt xa ngành công nghiệp bán dẫn và linh kiện điện tử vốn đứng thứ hai trước đó, ở mức 5.5 ngàn tỷ yên (khoảng 34.3 tỷ USD). Tiếp theo là ngành thép trị giá 4.5 ngàn tỷ yên (khoảng 28 tỷ USD).
Chi tiêu của du khách từ tháng 01 đến tháng 03/2024 tăng hơn 60% so với cùng thời kỳ năm 2019. Trong cùng thời kỳ này, xuất cảng xe hơi và thép tăng khoảng 45%, trong khi chất bán dẫn và linh kiện điện tử tăng gần 40%, theo Nikkei.
Mặc dù những sự so sánh trực tiếp có mang tính thách thức nhưng mức tăng trong chi tiêu của du khách đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng xuất cảng chính của Nhật Bản.
Kế hoạch phục hồi của Nhật Bản
Sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng Nhật Bản vào đầu những năm 1990, các ngành sản xuất truyền thống phần lớn đã chuyển dịch ra hải ngoại, dẫn đến sự trống rỗng của các ngành công nghiệp nội địa. Đất nước này kể từ thời chính phủ của Thủ tướng Koizumi vào năm 2003 đã phải tìm kiếm các ngành công nghiệp tăng trưởng mới.
Sau bốn năm soạn thảo, một kế hoạch phát triển ngành du lịch đã được Nội các của Thủ tướng Abe-Shinzo công bố vào tháng 06/2007, được gọi là “Kế hoạch Phục hồi Du lịch Quốc gia.” Cơ quan Du lịch Nhật Bản được thành lập vào tháng 10/2008, và đã đầu tư nhiều nỗ lực vào việc chào đón nhiều du khách ngoại quốc đến Nhật Bản hơn.
Mục tiêu chính của kế hoạch này là thị trường Trung Quốc, với thị thực du lịch cá nhân đầu tiên dành cho công dân Trung Quốc được cấp vào tháng 07/2009. Trước đó, chỉ có thị thực dành cho các chương trình du lịch theo đoàn có hướng dẫn viên mới được cấp cho công dân Trung Quốc.
Năm 2016, số lượng du khách ngoại quốc đến Nhật Bản lần đầu tiên vượt quá 20 triệu người, dẫn đầu là người Trung Quốc đại lục. Họ đã vượt qua 5 triệu lượt khách, chiếm 1/4 trong tổng số.
Bên cạnh việc trải nghiệm văn hóa và phong cảnh Nhật Bản, lượng khách du lịch Trung Quốc tăng vọt này cũng mua rất nhiều các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm, đồ gia dụng, và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản, để lại câu chuyện đầy ấn tượng về “việc mua sắm bùng nổ.”
Trong số những du khách Trung Quốc đầu tiên đến Nhật Bản có bà Trương Bồi Lợi (Zhang Peili), phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc đương thời Ôn Gia Bảo. Theo tin tức, trong một chuyến công du cấp quốc gia cùng chồng, bà đã được ông Abe tặng một nồi cơm điện cao cấp. Nồi cơm điện do Nhật Bản sản xuất rất được nhiều người biết đến.
Khi có nhiều bản tin về việc phu nhân Thủ tướng Trung Quốc ưa chuộng gạo Nhật Bản, thì gạo Nhật hảo hạng trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc, và thường được mua làm quà biếu cao cấp. Theo thời gian, Nhật Bản bắt đầu xuất cảng các loại gạo hảo hạng như Koshihikari sang Trung Quốc, và nồi cơm điện Nhật Bản cũng trở nên phổ biến ở thị trường Trung Quốc.
Tâm lý bài Nhật của Trung Quốc
Vì những nguyên do lịch sử, gồm Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai và các hành động sau chiến tranh của Nhật Bản, tâm lý bài Nhật vẫn còn dai dẳng ở một mức độ nào đó tại Trung Quốc hiện đại. Tâm lý này, cùng với tình cảm dân tộc chủ nghĩa, vẫn được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để làm thấm nhuần quan điểm bài Nhật trong người dân Trung Quốc.
Một ví dụ là vào tháng 07/2023, phái đoàn Nhật Bản tại Đại hội Thể thao Đại học Thế giới do Trung Quốc đăng cai đã phải đối mặt với sự im lặng đầy bối rối.
“Cái gọi là lịch sử [được dạy cho giới trẻ] là bịa đặt, và đó chỉ là một quan điểm rất phiến diện,” một nhà bình luận YouTube người Trung Quốc tên là Công tử Thẩm (Shen), nói về biến cố này.
Nhưng sự trao đổi đa văn hóa ngày càng tăng do du lịch thúc đẩy đã thách thức quan điểm bài Nhật do ĐCSTQ quảng bá.
Du khách Trung Quốc đến Nhật Bản, ngoài việc thưởng thức ẩm thực Nhật Bản và thích thú với hàng hóa Nhật Bản, thường có ấn tượng với sự an toàn và bình yên mà họ tìm thấy ở đất nước này cũng như thái độ lịch sự và khiêm nhường của con người trong xã hội Nhật Bản, hoàn toàn khác với những gì họ được học dưới sự giáo dục của ĐCSTQ.
Vào mùa hè năm 2015, một nữ trưởng đoàn du lịch đến từ tỉnh Thanh Đảo, Trung Quốc, lần đầu tiên đến thăm Nhật Bản cùng đoàn của mình, đã bày tỏ sự ngạc nhiên với The Epoch Times ở Ginza, Tokyo. Ad
Cô kể rằng, trên đường phố đông đúc, không có ai gây ra tiếng động khó chịu; người Nhật rất thân thiện, lịch sự, và cung cấp dịch vụ chu đáo, điều này đã giúp mở rộng tầm mắt. Hơn 40 du khách Trung Quốc trong đoàn của cô đều có cảm nhận tương tự khi phát hiện ra rằng người Nhật không như ĐCSTQ miêu tả trong các tuyên truyền ở trong nước.
Nhiều thành viên trong đoàn lấy làm ngạc nhiên khi thấy người Nhật thản nhiên nhét ví, điện thoại di động vào túi sau quần mà không sợ trộm. Khi biết rằng ở Nhật Bản hầu như không có trộm cắp, họ đều cảm thấy không thể tưởng tượng được.
“Trung Quốc từng được biết đến là ‘Vùng đất của Lễ nghĩa,’ nhưng chúng tôi đã thực hành lễ nghĩa như vậy ở Nhật Bản,” người trưởng đoàn nói. “Tôi nghĩ đây là hình ảnh công dân mà người Trung Quốc nên có,” cô nói và cho biết thêm rằng nhiều thành viên trong đoàn cho biết họ muốn đưa gia đình đến Nhật Bản để thăm thú nhiều nơi hơn trong tương lai.
Tương lai của du lịch Nhật Bản Ad
Hậu đại dịch, đồng tiền Nhật Bản tiếp tục mất giá đã khiến lượng du khách đến Nhật Bản tăng đáng kể. Dữ liệu do Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản công bố hôm 19/06 cho thấy số lượng du khách đến Nhật Bản đã vượt 3.04 triệu người trong tháng Năm, tăng 60.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái, phá vỡ mốc 3 triệu trong ba tháng liên tiếp.
Trong số 23 thị trường du lịch toàn cầu, 19 thị trường trong số đó chứng kiến số lượng công dân đến thăm Nhật Bản cao kỷ lục trong tháng Năm năm nay: Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Úc, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, khu vực Bắc Âu, và Trung Đông.
Đứng trước một ngành du lịch không ngừng phát triển, vào ngày 31/03/2023, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng các chiến lược tăng trưởng mới trong sáu năm tới, trong đó “du lịch bền vững,” “mở rộng tiêu dùng,” và “tăng lượng du khách địa phương” được coi là những yếu tố chính trong kế hoạch này.
Một trong những mục tiêu là đạt được mức chi tiêu 5 ngàn tỷ yên (khoảng 31 tỷ USD) của du khách ngoại quốc và 20 ngàn tỷ yên (khoảng 12.4 tỷ USD) chi tiêu của du khách người Nhật Bản trong nước. Chi tiêu của du khách từ tháng Một đến tháng Ba lên tới 7.2 ngàn tỷ yên (khoảng 44.5 tỷ USD).
Doanh Doanh biên dịch