Nếu hệ thống cứu trợ tài chính của Trung Quốc bị đình trệ, nó sẽ làm mất ổn định toàn bộ ngành tài chính và có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Trung Quốc sẽ thử thách giới hạn về khả năng quản lý nền kinh tế cũng như bất ổn xã hội tiềm tàng kéo theo của chính quyền Trung Quốc.
Việc thanh lý nhà phát triển bất động sản China Evergrande, với lệnh thanh lý được đưa ra vào đầu năm, trên thực tế là một lời tuyên bố rằng gánh nặng nợ xấu của nước này sẽ đổ ập xuống hệ thống ngân hàng trong nước, vốn đã phải vật lộn với tình trạng vỡ nợ kéo dài từ ngành bất động sản và những người tiêu dùng đang gặp khó khăn.
Thách thức lớn nhất trong việc giải quyết các vấn đề ngân hàng của Trung Quốc là việc chính lĩnh vực đã tạo ra sự tăng trưởng GDP gần đây của Trung Quốc và làm gia tăng tài sản hộ gia đình của tầng lớp trung lưu – bất động sản – hiện lại là thủ phạm gây ra sự suy giảm kinh tế hiện nay, với sự hỗn loạn mà ngành ngân hàng đang trải qua, bắt đầu từ các ngân hàng nhỏ hơn và ngân hàng khu vực.
Hạt giống của khủng hoảng
Bước vào năm nay, các nhà hoạch định chính sách đã bắt tay vào nỗ lực lớn nhằm hợp nhất các tổ chức cho vay nhỏ. Hàng trăm ngân hàng nhỏ, chủ yếu là ngân hàng nông thôn đã được sáp nhập vào đầu năm nay, tạo ra các tổ chức tài chính lớn hơn.
Trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, 40 ngân hàng của Trung Quốc đã biến mất và được sáp nhập vào các tổ chức tài chính lớn hơn. Phần lớn những ngân hàng này nằm ở tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc và được sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Ninh, một thực thể mới được thành lập gần đây để sáp nhập các ngân hàng thất bại.
Và vào ngày 9/7, một ngân hàng khu vực khác, Ngân hàng Trung Quốc Giang Tây, cũng đã sụp đổ.
Không giống như ngành ngân hàng của Mỹ, các ngân hàng của Trung Quốc chủ yếu do nhà nước sở hữu. Chính quyền Trung Quốc nắm giữ quyền sở hữu đa số đối với 5 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc và các tỉnh hoặc các thực thể liên quan của chính quyền địa phương sở hữu hầu hết các ngân hàng khu vực. Cấu trúc này tạo ra rủi ro đạo đức khi các ngân hàng và người đi vay chấp nhận rủi ro quá mức với một sự hiểu ngầm rằng Bắc Kinh sẽ cứu trợ họ.
Các khoản cứu trợ được thực hiện bởi các “ngân hàng xấu” hoặc công ty quản lý tài sản (AMC) chuyên biệt của chính quyền, mua các khoản cho vay xấu từ bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Năm 1999, thủ tướng khi đó là ông Chu Dung Cơ đã thành lập bốn AMC lớn để mua các khoản nợ xấu từ 4 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc. Bản thân những nhà quản lý tài sản này sau đó đã phát hành các khoản cho vay mới và đầu năm nay, 3 trong số các thực thể đang gặp khó khăn này đã được sáp nhập vào quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc, China Investment Corp. Công ty thứ tư được đổi tên thành China CITIC Financial Asset Management sau khi được công ty môi giới nhà nước CITIC Group tiếp quản vào năm 2021.
Với niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, những người gửi tiền có khả năng sẽ rút tiền và tài sản từ các tổ chức nhỏ hơn và chuyển chúng sang những tổ chức lớn hơn, tạo ra nhiều vụ phá sản ngân hàng hơn nữa trong tương lai. Chu kỳ của việc cứu trợ, hợp nhất và tiếp quản của chính phủ đối với ngành ngân hàng có khả năng sẽ tăng tốc.
Lĩnh vực ngân hàng và nền kinh tế
Chính quyền Trung Quốc đã mua được thêm thời gian bằng cách chuyển các khoản nợ xấu khỏi các ngân hàng và sau đó ghi nhận các khoản lỗ theo thời gian, với kỳ vọng rằng tăng trưởng, lợi nhuận và thu nhập sẽ vượt xa các khoản lỗ đó trong dài hạn.
Hệ sinh thái khép kín kiểu này có thể hoạt động hiệu quả nếu các vấn đề là cô lập và tăng trưởng kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù việc có ít người cho vay hơn sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát, theo dõi và quản lý một cách dễ dàng hơn, nhưng chu kỳ này chỉ tạo ra khối nợ xấu lớn hơn ở nhiều cấp khác nhau của các thực thể của chính quyền.
Chúng ta đang bắt đầu thấy những dấu hiệu cho thấy các cấp địa phương của Trung Quốc không thể cứu trợ những tổ chức tài chính này.
Năm ngoái, các tỉnh của Trung Quốc đã sử dụng 31 tỷ USD trái phiếu có mục đích đặc biệt để hỗ trợ các ngân hàng khu vực nhỏ hơn, nhiều ngân hàng trong số đó đã cho các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc vay số tiền đáng kể.
Tiền bán đất và các phí bất động sản thúc đẩy nguồn thu cho các chính quyền khu vực, tuy nhiên thị trường bất động sản đang suy giảm kéo dài. Các chính quyền khu vực đang mắc nợ rất nhiều và không có đủ phương tiện tài chính để cứu trợ các ngân hàng khu vực.
Thay vào đó, chính quyền Trung Quốc hiện đang tìm cách tập trung hóa việc phát hành nợ ở cấp quốc gia. Thủ tướng Lý Cường đã phác thảo vào tháng 3 rằng Bắc Kinh sẽ phát hành 1 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 138 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt dài hạn, lần phát hành đầu tiên kể từ năm 2020 và là lần bán trái phiếu thứ 4 như vậy trong 26 năm qua.
Từ đầu tới giờ, chúng ta mới chỉ thảo luận về lĩnh vực ngân hàng nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nợ tại những cái gọi là ngân hàng ngầm. Những tổ chức tư nhân, bán ngân hàng này – chẳng hạn như các công ty bảo hiểm, công ty tín thác, công ty quản lý tài sản và những tập đoàn khác – cũng đã cho các nhà phát triển bất động sản vay rất nhiều và được vốn hóa bằng cách phát hành các sản phẩm có lợi tức cao trực tiếp cho người tiêu dùng.
Một tập đoàn tài chính như vậy – Zhongzhi Enterprise Group Co. Ltd. – hiện đang phải đối mặt với việc bị thanh lý.
Liệu Bắc Kinh cũng sẽ cứu trợ những công ty đó không? Nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và người tiêu dùng tin tưởng vào những tổ chức này, chính quyền Trung Quốc có thể giảm thiểu các khoản cứu trợ của mình.
Nhưng tăng trưởng kinh tế đang không diễn ra. Trung Quốc đang phải vật lộn với các vấn đề kinh tế mang tính chu kỳ và cấu trúc, các vấn đề sâu sắc về niềm tin của người tiêu dùng và các chính quyền [địa phương] vốn đã mắc nợ rất nhiều. Bản thân chính quyền Trung Quốc sẽ phải vật lộn để thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra.
“Kể từ tháng 4 … các điểm dữ liệu cận biên cho thấy nền kinh tế một lần nữa đang chậm lại theo cách khá rộng”, các nhà kinh tế Châu Á và Trung Quốc của Morgan Stanley đã viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng vào ngày 8/7.
“Với quỹ đạo chính sách hiện tại, chúng tôi thấy những áp lực giảm phát kéo dài, với những tác động tiêu cực đến tăng trưởng thu nhập của các hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là đối với 20% thấp nhất”.
Họ đã chỉ ra thêm những trở ngại trong nền kinh tế Trung Quốc sau một mức tăng khiêm tốn vào đầu năm.
Nếu hệ thống cứu trợ tài chính của Trung Quốc bị đình trệ, nó sẽ làm mất ổn định toàn bộ ngành tài chính và có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ đổ xô đến tài sản cứng hoặc tài sản nước ngoài. Trung Quốc có thể gặp phải sự gián đoạn kinh tế, bất bình đẳng tài chính gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch