Văn Thiện
Theo một nghiên cứu mới công bố, trong năm 2023, hai gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ là Google và Microsoft đã tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ. Mỗi công ty này đã sử dụng tới 24 TWh điện, vượt xa mức tiêu thụ của hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Phân tích của Michael Thomas, được chia sẻ trên mạng xã hội X, tuyên bố cả Google và Microsoft đều tiêu thụ cùng một mức năng lượng như Azerbaijan, quốc gia có GDP ước tính là 78,7 tỷ USD. Doanh thu năm 2023 của Google ở mức 307,4 tỷ USD và Microsoft ở mức 211,9 tỷ USD.
Lượng năng lượng tiêu thụ khổng lồ phản ánh tác động môi trường đáng kể của các tập đoàn này. Tuy nhiên, quy mô tiêu thụ cũng cho thấy tiềm năng to lớn của họ trong việc tạo ra những thay đổi tích cực nếu họ áp dụng các biện pháp nhằm phát triển bền vững.
Mức tiêu thụ năng lượng của hai gã khổng lồ công nghệ hiện đã vượt trội so với nhiều quốc gia. Iceland, Ghana, Cộng hòa Dominica và Tunisia mỗi nước sử dụng 19 TWh, trong khi Jordan dùng 20 TWh. Ngay cả Libya và Slovakia, với mức tiêu thụ lần lượt là 25 TWh và 26 TWh, cũng chỉ cao hơn một chút so với các công ty này.
Việc so sánh lượng điện tiêu thụ giữa các quốc gia và hai công ty đơn lẻ nhấn mạnh nhu cầu năng lượng khổng lồ của những gã khổng lồ công nghệ. Điều này cho thấy các tác động môi trường của các trung tâm dữ liệu, được sử dụng để vận hành các dịch vụ đám mây, cũng như một thế hệ trí tuệ nhân tạo mới.
Lượng điện tiêu thụ lớn của các tập đoàn này đặt ra vấn đề về phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo. Google và Microsoft đã đặt mục tiêu không carbon (hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng sạch) hoặc âm carbon (loại bỏ nhiều carbon khỏi môi trường hơn lượng thải ra) vào cuối thập kỷ. Họ đã tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch và đa dạng hóa nguồn năng lượng sử dụng.
Với mức vốn hóa thị trường lần lượt là 2,294 nghìn tỷ USD và 3,372 nghìn tỷ USD, Google và Microsoft hiện đang là những công ty có giá trị thứ tư và thứ hai trên thế giới. Với quy mô như vậy, hoạt động của họ tương đương với cả một quốc gia. Điều này khiến họ nhận được sự chú ý đặc biệt khi các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực ngăn chặn và đảo ngược thiệt hại môi trường.
Theo Techradar