Trước Olympic Paris 2024 lại ‘nổi sóng’ vấn đề doping của đội tuyển bơi lội Trung Quốc

Vận động viên Trung Quốc Trương Vũ Phi (Zhang Yufei) – (Ảnh chụp màn hình video)

Thế vận hội 2024 tại Paris – Pháp sẽ diễn ra từ ngày 26/7 – 11/8, trong bối cảnh này lại “nổi sóng” vấn đề doping của đội tuyển bơi lội Trung Quốc: Trong vòng 10 ngày, toàn bộ 31 vận động viên của đội đã bị Cơ quan kiểm tra doping quốc tế (ITA) kiểm tra gần 200 lần.

Một trong những lý do có thể là do dư âm trước đây vào năm 2020 diễn ra Thế vận hội Tokyo, 7 tháng trước đó có 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc cho kết quả dương tính với doping nhưng vẫn được phép thi đấu. Lịch sử đen tối này khiến ITA rất chú ý đến tình hình các vận động viên bơi lội Trung Quốc.

Tencent đưa tin 31 thành viên của đội tuyển bơi lội Trung Quốc đã tới Pháp để chuẩn bị cho Thế vận hội Paris, đội nữ gồm 18 người, đội nam gồm 13 người… Qua truyền thông, chuyên gia dinh dưỡng Vu Lương (Yu Liang) của đội tuyển bơi lội Trung Quốc bày tỏ vấn đề không hài lòng, cho biết trong thời gian 10 ngày qua kể từ khi đến Paris, 31 vận động viên ngoài việc điều chỉnh tập luyện do chênh lệch múi giờ, còn bị ITA kiểm tra doping gần 200 lần, trung bình 1 ngày gần 20 lần. Mỗi người được kiểm tra trung bình từ 5 – 7 lần, bắt đầu từ khi thức dậy lúc 6h sáng, nghỉ trưa và đến khi tối là lúc 21h, gần như cả 3 bữa ăn đều bị kiểm tra.

Kiểm tra viên cho biết họ đang tuân theo kế hoạch.

Được biết, trong top 50 vận động viên có số lần kiểm tra doping nhiều nhất được cơ quan chống doping công bố năm 2023 có 32 người đến từ Trung Quốc, 4 người đến từ Mỹ và 3 người đến từ Canada.

Trang New York Times (tiếng Trung) đưa tin, trước thềm Thế vận hội Tokyo 2021 có 23 vận động viên bơi lội của đội tuyển Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với chất trimetazidine, nhưng họ vẫn được phép thi đấu, trong số họ có một số được giải thưởng. Khi đó truyền thông Trung Quốc giữ im lặng về vụ việc, lời giải thích của họ để tuyển thủ Trung Quốc tránh bị trừng phạt là do vấn đề chất nhiễm từ thức ăn trong khách sạn, điều này làm dấy lên sự bất bình trong công luận.

Trong số 31 vận động viên bơi lội Trung Quốc tham dự Thế vận hội Paris năm nay, có 11 người trong nhóm xét nghiệm dương tính tại Thế vận hội Tokyo. Vì vậy ITA đã tăng cường kiểm tra tuyển thủ Trung Quốc.

Nhiều nguồn tin gần đây chỉ ra, vào năm 2023 các vận động viên Trung Quốc trải qua kiểm tra doping nhiều nhất thế giới. Đáng kể như Đàm Hải Dương (Qin Haiyang) 46 lần, Trương Vũ Phi (Zhang Yufei) 43 lần, Lý Băng Khiết (Li Bingjie) 42 lần, Phan Triển Lạc (Pan Zhanle) 29 lần, Dương Tuấn Tuyên (Yang Junxuan) 27 lần, Từ Gia Dư (Xu Jiayu) 26 lần, Uông Thuận (Wang Shun) 22 lần, và Đường Tiền Đình (Tang Qianting) 21 lần… Tổng cộng tất cả các tuyển thủ Trung Quốc đã bị kiểm tra doping 256 lần, trong khi tổng số các quốc gia khác chỉ là 153 lần.

Sau khi thông tin đội tuyển bơi lội Trung Quốc bị kiểm tra doping nhiều lần như vậy được công bố, một lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ bất bình: “Phân biệt đối xử cơ bản”, “Phải khiếu nại”, “Điều tra có chủ ý”, “Cảm thấy thương cho các vận động viên Trung Quốc”… Nhưng cũng có những người khác cho rằng nếu mình ngay thẳng thì sẽ không sợ bị điều tra. Một số người cho rằng nên khiếu nại lên ban tổ chức thay vì phàn nàn.

Mỹ sẽ mở điều tra vụ việc doping vận động viên Trung Quốc

Đài VOA Mỹ đưa tin, Liên đoàn Bơi lội Thế giới (World Aquatics) cho biết vào đầu tháng 7 rằng các nhà quản lý hàng đầu của họ đã được lệnh làm chứng với tư cách là nhân chứng trong một cuộc điều tra hình sự của Mỹ. Cuộc điều tra này nhắm vào vấn đề 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc vào năm 2021 không vượt qua bài kiểm tra doping, nhưng vẫn được phép tiếp tục thi đấu tại Thế vận hội Tokyo.

Liên đoàn Bơi lội Thế giới là một tổ chức quốc tế quản lý các môn thể thao bơi lội.

Vào tháng 1/2021, 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc xét nghiệm dương tính với trimetazidine, bao gồm Trương Vũ Phi (Zhang Yufei) là người đã giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo thể thức 200m bướm nữ và tiếp sức tự do 4×200; nhà vô địch Vương Thuận (Wang Shun) thể thức 200m hỗn hợp nam… Trong số các vận động viên vướng bê bối năm đó có 11 người tham gia Thế vận hội năm nay.

Khi đó phía Trung Quốc tuyên bố kết quả xét nghiệm dương tính là do vấn đề thực phẩm khách sạn – điều này đã giúp các vận động viên được tiếp tục thi đấu, trong khi Cơ quan chống doping thế giới (WADA) thì bỏ qua việc chất vấn lời giải thích của phía Trung Quốc.

Ủy ban Chuyên trách về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ vào ngày 21/5 đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ và FBI điều tra vụ việc theo luật liên bang. Luật này cho phép điều tra các nghi vấn doping bị cáo buộc, ngay cả khi chúng xảy ra bên ngoài nước Mỹ.

Liên đoàn Bơi lội Thế giới xác nhận với hãng tin AP hôm 4/7 rằng giám đốc điều hành Brent Nowicki đã nhận được trát đòi hầu tòa, yêu cầu ông làm chứng trong cuộc điều tra.

Vụ án của vận động viên bơi lội Trung Quốc có thể trở thành vụ án đáng chú ý nhất cho đến nay theo luật liên bang Mỹ. Đạo luật này được thông qua vào năm 2020 do hậu quả của vụ bê bối doping thể thao diễn ra trong thời gian dài được Chính phủ Nga hậu thuẫn.

“Vụ bê bối này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về pháp lý, đạo đức và cạnh tranh – có thể là chiến lược được Chính phía Trung Quốc hậu thuẫn”, Ủy ban Chuyên trách về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ cho biết trong một lá thư gửi Bộ Tư pháp và FBI, “Đó là sự cạnh tranh không công bằng tại Thế vận hội với chiến thuật tương tự mà Nga đã sử dụng trước đây”.

Vụ việc cũng được đưa ra trong phiên điều trần Quốc hội Mỹ vào tháng trước. Vận động viên bơi lội Michael Phelps nói trong phiên điều trần rằng các vận động viên không còn tin tưởng WADA với tư cách là cơ quan quản lý toàn cầu ngăn chặn những kẻ gian lận tham gia các sự kiện thể thao. Các quan chức của cơ quan này đã từ chối lời mời tham dự phiên điều trần đó.

Thái Tư Vân, Vision Times

Related posts