20-7-2024
Năm 1969, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Bác ơi” để khóc ông Hồ Chí Minh. Bài thơ có nhiều câu hay. Thật vậy, không thể phủ định tài năng của ông. Nhất là khi nguồn cảm hứng là bưng bô, nịnh bợ và tuyên truyền cho chế độ cộng sản.
Trong bài có những câu:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!
Như một sự so sánh mưa của đất trời, nước của thiên nhiên với nước mắt của người dân tiếc thương ông Hồ. Một sự tôn thờ lãnh tụ lố bịch chỉ có trong các thể chế chính trị độc tài. Thần tượng hoá lãnh tụ, bao mỹ từ đều được dùng để miêu tả sự bình dị, khiêm nhường, chân chất nhưng rất đỗi cao cả và vĩ đại của các lãnh tụ cộng sản qua các bài thơ “để đời” của Tố Hữu.
Từ hôm qua, sau khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bỗng dưng cộng đồng mạng và báo chí của đảng nhắc lại câu thơ trong bài “Bác ơi!” của Tố Hữu năm xưa. Cũng “Bác” nhưng là bác Trọng, “người cộng sản chân chính và liêm khiết sau cùng” vừa rời cõi trần, để lại bao nỗi đau và nước mắt cho nhiều người:
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Và xúc động, cảm hứng để cùng nhau chia sẻ trên mạng lời tâm tư dành cho… Bác:
Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.
Chắc chắn, đa số những người chia sẻ câu thơ trên cũng không biết nguồn gốc của nó từ đâu ra. Phải có sự khéo léo, sắp đặt nào đó để lấy lại lời thơ của ông Tố Hữu năm xưa để khóc ông Trọng ngày nay.
Chỉ có trong các chế độ độc tài, như thời Liên Xô và khối chủ nghĩa cộng sản, mới có cảnh quần chúng khóc thảm, nước mắt ướt đẫm đất trời, mỗi khi có lãnh tụ qua đời. Cảnh người dân gào khóc thương Mao, Kim Nhật Thành hay Hồ Chí Minh là những ví dụ cho sự tôn thờ lãnh tụ một cách mê muội và khả năng định hướng quần chúng của nhà cầm quyền.
Người dân khóc bi thảm hơn cả người thân của họ qua đời. Tất cả xã hội cứ như một bộ máy khổng lồ, tự động gào thét, khóc lóc mỗi khi được bật nút tắc/ mở. Họ không còn đủ bản năng để suy nghĩ, để nhận thức. Bản năng duy nhất là sự sinh tồn. Họ chỉ biết phản xạ và phản ứng một cách máy móc để tỏ lòng suy tôn lãnh tụ.
Ông Trọng mất, nhiều người để tang trên mạng, thoạt nhìn, cứ tưởng người thân qua đời. Không biết có sự định hướng nào không từ chế độ hay cái bản năng tôn thờ lãnh tụ lại trỗi dậy nơi người dân ở một xứ sở độc tài! Và phải khéo để tránh hiểu lầm, “Bác” của họ là ông Trọng, chứ không phải “Bác Hồ”, người tưởng chừng độc quyền được gọi bằng “Bác” một cách máy móc bởi không biết bao nhiêu thế hệ trong cái xã hội này.
Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa.
Người dân tuôn nước mắt trước bao nỗi thống khổ và khó nhọc của cuộc sống đáng để cho lương tâm chúng ta dày vò hơn là nước mắt dành cho một vài lãnh tụ, dẫu có được mến mộ, mới lìa đời!
…Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta.
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa…
Ôi, còn giọt nước mắt nào cho vận mệnh của quê hương…