BTC Thế vận hội Paris xin lỗi Cơ đốc giáo về màn nhại theo ‘Bữa tối Cuối cùng’

Ban tổ chức (BTC) Thế vận hội Paris 2024 hôm Chủ Nhật (28/7) đã xin lỗi các nhóm Cơ đốc giáo và Công giáo vì một màn trình diễn nhại theo bức tranh “Bữa tối Cuối cùng” của họa sĩ Leonardo Da Vinci trong lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn nhất thế giới hôm thứ Sáu (26/7).

Trong lễ khai mạc hôm 26/7 có một phân đoạn kéo dài vài phút phỏng theo cảnh trong Kinh thánh của Chúa Jesus và 12 Tông đồ cùng nhau chia sẻ bữa ăn tối cuối cùng trước khi Ngài bị đóng đinh trên cây thập tự. Nhưng phân đoạn này được thể hiện bằng các diễn viên là trai giả gái, một người chuyển giới và một ca sĩ khỏa thân.

Các nhà tổ chức viết trên mạng xã hội X (tên mới của Twitter) giải thích rằng phân đoạn đó là phỏng theo cảnh Kinh thánh, nền phía sau là Sông Seine. Cảnh này có mục đích để diễn tả Thần Dionysus và dấy lên nhận thức về “sự xuẩn ngốc của bạo lực giữa con người với nhau”. Dionysus là vị Thần rượu nho và là vị Thần của sự quyến rũ trong thần thoại Hy Lạp.

BTC Thế vận hội Paris buộc phải lên tiếng xin lỗi sau khi màn trình diễn đó gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng Công giáo, Cơ đốc giáo và những chính trị gia cánh hữu bảo thủ trên khắp thế giới.

“Rõ ràng, đã không có chủ ý thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào. [Lễ khai mạc] đã cố gắng tán dương sự bao dung cộng đồng”, phát ngôn viên Thế vận hội Paris 2024 Anne Descamps nói trong một cuộc họp báo hôm 28/7, phản ứng với những quan điểm trái chiều sau lễ khai mạc.

“Chúng tôi tin tham vọng này đã đạt được. Nếu mọi người bị phật ý, thì chúng tôi thực sự xin lỗi”, vị phát ngôn viên nói thêm.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nói trong một tuyên bố phát đi sau đó rằng họ “đã lưu ý đến và hoan nghênh Ban Tổ chức Paris 2024 đã đưa ra sự giải thích rõ ràng liên quan đến Lễ Khai mạc”.

“Trong buổi họp báo nhanh hàng ngày, Ban Tổ chức nói rằng không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo hoặc đức tin nào. Họ tái khẳng định rằng mục đích của họ trong Lễ Khai mạc là luôn luôn tán dương cộng đồng và sự bao dung”, tuyên bố của IOC tiếp tục và cho biết thêm rằng ý định đó đã không tấn công bất kỳ ai và rằng “họ đã xin lỗi”.

Ông Thomas Jolly, giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc, nói rằng ông không bao giờ có ý định phá hoại tôn giáo. “Chúng tôi muốn nói về sự đa dạng. Sự đa dạng có nghĩa là gắn kết cùng nhau. Chúng tôi muốn đưa tất cả mọi người vào, chỉ đơn giản như thế”, ông Thomas Jolly nói hôm 27/7.

Pháp là quốc gia có di sản Công giáo đồ sộ, nhưng cũng có truyền thống lâu đời về chủ nghĩa vô thần và chống thuyết giáo quyền. Chế giễu và phỉ báng là hợp pháp và được nhiều người xem là trụ cột quan trọng của tự do ngôn luận. Những người ủng hộ hoạt cảnh gây tranh cãi nêu trên đã cai ngợi thông điệp của nó về sự hòa nhập và bao dung.

Tuyên bố xin lỗi của BTC Thế vận hội Paris được đưa ra sau khi có hàng nghìn người trên mạng xã hội bày tỏ rằng họ sẽ tẩy chay đại hội thể thao này sau lễ khai mạc. Nhiều người dùng mạng xã hội đã sử dụng từ khóa nóng (hashtag) liên quan đến tẩy chay để bày tỏ sự không hài lòng.

Trong khi đó, Giáo hội Công giáo tại Pháp cho biết họ phản đối lễ khai mạc “bao gồm các cảnh nhạo báng và chế giễu đạo Cơ đốc”.

Tổng giám mục Charles Scicluna, quan chức Công giáo cấp bậc cao nhất tại Malta và cũng là quan chức trong văn phòng học thuyết đầy quyền lực của Vatican, nói rằng văn phòng của ông đã gửi lời phàn nàn tới đại sứ Pháp tại Malta.

Tổng giám mục Charles Scicluna cũng viết trên mạng xã hội cho hay: “Tôi muốn bày tỏ nỗi đau và sự thất vọng rất lớn của tôi về sự phỉ báng Cơ đốc giáo trong lễ khai mạc… khi một nhóm các nghệ sĩ giả gái nhại theo Bữa tối Cuối cùng của Jesus”.

Tổng giám mục Ý Vincenzo Paglia, lãnh đạo một học viện của Vatican, đã viết trên mạng xã hội bày tỏ rằng, “sự chế giễu Bữa tối Cuối cùng” tại Thế vận hội Paris “tiết lộ một vấn đề sâu sắc”.

Ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu tại Ý, một đảng nằm trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Giorgia Meloni, đã mô tả phân đoạn biểu diễn trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris là “sa đọa về đạo đức”. “Mở màn Thế vận hội bằng cách xỉ nhục hàng tỷ tín đồ Cơ đốc giáo trên khắp thế giới thực sự là một sự khởi đầu tồi tệ, người Pháp yêu mến ạ”, ông Matteo Salvini nói thêm.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, cũng là một chính trị gia cánh hữu bảo thủ, đã nói màn biểu diễn đó thể hiện “khoảng trống đạo đức của phương Tây”.

Hải Đăng (T/h từ The Epoch Times và The Guardian)

Related posts