Mỹ sẽ ra quy định mới hạn chế xuất khẩu thiết bị chip nước ngoài sang Trung Quốc

(Ảnh minh họa: AP911_Studio/Shutterstock)

Hôm thứ Tư (31/7), Reuters trích 2 nguồn tin cho biết, chính quyền Biden có kế hoạch công bố quy định mới vào tháng 8, nhằm mở rộng các hạn chế xuất khẩu thiết bị chip nước ngoài, ngăn chặn một số thiết bị sản xuất chất bán dẫn của nước ngoài được xuất khẩu cho nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Tuy nhiên, các thiết bị sản xuất chip chủ chốt do các đồng minh như Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc xuất khẩu sẽ bị loại trừ. Ví dụ, các nhà sản xuất thiết bị chip lớn ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản sẽ không bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của 2 công ty này tăng vọt sau khi tin tức trên được đưa ra.

Một trong những nguồn tin cho biết, các quy định này sẽ cấm các nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc nhận được thiết bị sản xuất chất bán dẫn được xuất khẩu từ nhiều quốc gia. Các quốc gia bị ảnh hưởng bao gồm Israel, Đài Loan, Singapore và Malaysia.

Khi được hỏi về kế hoạch kiểm soát xuất khẩu mới do Hoa Kỳ đưa ra, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nói rằng Hoa Kỳ “ép buộc các nước khác đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, làm suy yếu thương mại toàn cầu và gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các bên.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng các nước liên quan sẽ chống lại những nỗ lực của Mỹ, và bảo vệ lợi ích lâu dài của chính họ.

Từ năm 2022 – 2023, nhằm ngăn chặn quân đội Trung Quốc có được khả năng siêu máy tính và AI, Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc.

Theo báo cáo, các quy định mới vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo. Điều này cho thấy, Washington đang tìm cách tiếp tục gây áp lực lên ngành bán dẫn Trung Quốc, nhưng không gây bất bình cho các đồng minh.

Quy tắc “Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài” trao cho Chính phủ Hoa Kỳ quyền ngăn chặn việc bán sản phẩm nếu chúng được sản xuất bằng công nghệ Hoa Kỳ, gồm cả các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài.

Nguồn tin tiết lộ, một phần khác của kế hoạch kiểm soát xuất khẩu mới nhất sẽ giảm nội dung đánh giá của Hoa Kỳ trong việc xác định thời điểm một mặt hàng nước ngoài trở thành đối tượng kiểm soát của nước này.

Người này cho biết thêm rằng nó sẽ lấp đi những lỗ hổng trong quy định sản phẩm trực tiếp nước ngoài. Ví dụ, các thiết bị có thể sẽ lọt vào danh sách đối tượng bị kiểm soát xuất khẩu chỉ vì chúng chứa chip chứa công nghệ của Hoa Kỳ.

Mỹ cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 120 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại, gồm 6 nhà máy sản xuất chip được gọi là nhà máy wafer, nhà sản xuất công cụ, nhà cung cấp phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và các công ty liên quan khác.

Nguồn tin cho biết, các quy định mới nằm trong kế hoạch trên hiện chỉ là bản dự thảo và có thể thay đổi, nhưng chúng sẽ được công bố dưới một hình thức nào đó vào tháng 8.

Ngoài Nhật Bản, Hà Lan và Hàn Quốc, dự thảo còn miễn trừ hơn 30 quốc gia khác cùng nhóm.

Trên trang web của mình, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, họ phân loại các quốc gia dựa trên các yếu tố như quan hệ đối ngoại và cân nhắc về an ninh. Những phân loại này giúp xác định các yêu cầu cấp phép, và đơn giản hóa các quy định kiểm soát xuất khẩu, nhằm đảm bảo thương mại quốc tế hợp pháp và an toàn.

Hôm thứ Tư (31/7), cổ phiếu của ASML đã tăng 6,5% trong phiên giao dịch buổi sáng tại Amsterdam, trong khi cổ phiếu của Tokyo Electron đóng cửa tăng 7,4%. Các nhà sản xuất thiết bị khác liên quan đến chip của Nhật Bản cũng chứng kiến ​​mức tăng mạnh, trong đó Screen Holdings tăng 9% và Advantest tăng 4,5%.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiệu quả dựa trên sự hỗ trợ đa phương. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng, nhằm đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia chung.

Các hãng sản xuất chip Trung Quốc, chẳng hạn Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) và Hua Hong Semiconductor Group, đang tăng công suất trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt công nghệ mới từ Mỹ.

Các công ty sản xuất chip Trung Quốc như SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và YMTC (hãng chip nhớ lớn nhất Trung Quốc) đã được hưởng lợi từ nỗ lực nội địa hóa của nước này.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo khẳng định rằng các biện pháp kiểm soát này “tập trung hết sức” vào việc ngăn chặn khả năng phát triển quân sự của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, những biện pháp này cũng có thể bảo vệ lợi thế công nghệ và kinh tế của Mỹ so với Trung Quốc.

Việc dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo không được chính thức nêu rõ là một mục tiêu của các biện pháp hạn chế. Nhưng các quan chức Mỹ, gồm cả bà Raimondo và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, đều thường xuyên khẳng định, đây là trọng tâm của lợi thế cạnh tranh kinh tế của quốc gia, từ đó góp phần thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.

Bình Minh (t/h)

Related posts