Việt Nam ghi nhận hơn 41,900 ca mắc sốt xuất huyết, dịch tiếp tục tăng

Trẻ bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). (Ảnh: Đan Như/thanhuytphcm.vn)

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 ca tử vong. Sốt xuất huyết vẫn đang tăng mạnh tại các thành phố lớn.

Bộ Y tế vừa đưa ra thống kê trên và được truyền thông Nhà nước loan tin trong ngày 31/7.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 1,2 lần, số ca tử vong giảm 6 ca.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 12-19/7, thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó).

Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Trong đó, huyện Đan Phượng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông, huyện Phúc Thọ, huyện Quốc Oai, các quận, huyện Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thạch Thất…

Ghi nhận từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội có 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Tại TP.HCM, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần từ 15-21/7, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 31% so với 4 tuần trước đó.

Cụ thể, TP.HCM ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm quận 1, TP. Thủ Đức và quận 7. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TP.HCM là 4.599 ca.

Theo ngành y tế, bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Hiện TP.HCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Ngành y tế kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền. Nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.

Sau ngày thứ 3 – ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Khánh Vy t/h

Related posts