Hơn 1.000 vệ tinh có thể gặp nạn do mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc

Hãng công nghệ vệ tinh SSST do nhà nước Trung Quốc sở hữu (Shanghai Spacecom Satellite Technology) đã đưa một lô 18 vệ tinh lên quỹ đạo vào hôm Thứ Ba 6/8/2024. (Ảnh chụp màn hình video CCTV)

Theo báo cáo hôm Thứ Sáu (9/8) của các chuyên gia, các mảnh xác của tên lửa Trung Quốc bị vỡ vào hôm Thứ Ba có thể đặt hơn 1.000 vệ tinh ở vùng đông đúc vệ tinh này vào tình trạng nguy hiểm.

Hãng công nghệ vệ tinh SSST do nhà nước Trung Quốc sở hữu (Shanghai Spacecom Satellite Technology) đã đưa một lô 18 vệ tinh lên quỹ đạo vào hôm Thứ Ba 6/8/2024. Những vệ tinh Internet này được coi là đối thủ nặng ký của hệ thống Starlink, mạng Internet vệ tinh của hãng SpaceX.

Những quan sát cho thấy phần trên của tên lửa dùng để phóng những vệ tinh này, sau khi thành công đưa các vệ tinh vào quỹ đạo, dường như đã phát nổ trong không gian.

Theo Reuters đưa tin, các hãng quan sát của Mỹ nói chung cho rằng có ít nhất 700 mảnh vỡ. Hãng LeoLabs cho rằng con số vượt trên 800 mảnh.

Đám mảnh vỡ ấy trải ra trong không gian như một đám mây với đường kính tận 800 km, và sẽ tồn tại trong nhiều năm tới.

SSST chưa có trả lời cho câu hỏi tìm hiểu thông tin của Reuters.

Chưa rõ nguyên nhân của vụ này là có phải là do va chạm với một vật thể ngoại lai, hay là do vụ nổ của phần nhiên liệu chứa trong tên lửa.

Theo Audrey Schaffer, phó chủ tịch hãng Slingshot Aerospace, một hãng theo dõi các hoạt động ở không gian, thì hiện có 1.100 vệ tinh là có thể va phải những mảnh vỡ này.

“Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là dự đoán có hơn 1.100 giao điểm (điểm đụng độ) trong 3 ngày tới,” ông Schaffer nói với Reuters. Định nghĩa điểm đụng độ ở đây là quỹ đạo của vệ tinh cắt trúng vào mảnh vỡ, với khoảng cách sai số là nhỏ hơn 5 km.

Ông Schaffer nói rằng các mảnh vỡ này là rác vũ trụ, trôi nổi và không cách nào điều khiển. Ông nói có thể có khả năng xảy ra đụng độ dây chuyền.

Một tầng của tên lửa Trường Chinh 6A vào năm 2022 cũng bị vỡ tương tự trong không gian và tạo ra hàng trăm mảnh vỡ, khiến các nước phương Tây và những người ủng hộ sự bền vững trong không gian chỉ trích Trung Quốc rằng Bắc Kinh lẽ ra phải kiểm soát tốt hơn cách xử lý các thân tên lửa đã qua sử dụng.

“Quả thật là đáng thất vọng khi vấn đề cũ của tên lửa lại lặp lại,” ông Schaffer nói. “Những vụ tạo ra mảnh vỡ lẽ ra có khả năng tránh được, và chúng không nên tái diễn.”

Nhật Tân

Related posts