Hải Đăng
Phó Tổng thống Kamala Harris hôm thứ Sáu (16/8) đã tiết lộ kế hoạch ba bước nhằm giảm chi phí cho người dân Mỹ, một hội tụ cốt lõi trong thông điệp kinh tế của chiến dịch Harris tranh cử tổng thống Mỹ 2024.
Phát biểu tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Wake Tech, ở Raleigh, tiểu bang Bắc Carolina, bà Harris đã hứa sẽ tập trung vào xây dựng điều mà bà gọi là “nền kinh tế cơ hội” nhắm mục tiêu củng cố tầng lớp trung lưu.
Để đạt được mục tiêu đó, bà Harris đề xuất ban hành lệnh cấm liên bang về nâng giá cơ hội, cắt giảm thuế – gồm Tín Thuế Thu nhập Kiếm được và Tín thuế Trẻ em – cùng với sáng kiến nhà ở trong đó ưu tiên xây dựng nhà có giá cả phải chăng cho tầng lớp trung lưu, đồng thời cung cấp khoản trợ cấp 25.000 USD cho mỗi căn nhà mới của người mua nhà lần đầu.
Đây là bài phát biểu chính sách chính đầu tiên của bà Harris kể từ khi phó tổng thống chính thức trở thành đề cử viên tổng thống 2024 của Đảng Dân chủ.
“Trong hầu hết tuổi thơ của mình, tôi đã lớn lên trong gia đình trung lưu”, bà Harris nói.
Lặp lại ý kiến của Tổng thống Joe Biden, bà Harris nhấn mạnh rằng củng cố tầng lớp trung lưu sẽ là nền tảng trong nhiệm kỳ tổng thống của bà. Bà Harris nói: “Tôi cực kỳ tin tưởng rằng khi tầng lớp trung lưu mạnh, thì nước Mỹ sẽ mạnh”.
Bà Harris nói rằng trong những tuần tới, bà sẽ đưa ra chi tiết hơn nữa về các kế hoạch xây dựng “nền kinh tế cơ hội”.
Mặc dù áp lực lạm phát đã đang dịu đi trong những tháng gần đây, nhưng bà Harris thừa nhận rằng nhiều người Mỹ vẫn đang phải vật lộn với chi phí cao.
“Khi tôi được bầu làm tổng thống Mỹ, tôi sẽ ưu tiên giảm chi phí và gia tăng an toàn kinh tế cho tất cả người dân Mỹ”, bà Harris nói.
Bà Harris lưu ý rằng mặc dù đã có cải thiện trong các chuỗi cung ứng từ đại dịch, nhưng giá cả các mặt hàng như bánh mì và thịt bò bằm vẫn khá cao, trong khi một số công ty đang đạt mức lợi nhuận kỷ lục.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đang vận hành theo luật và đóng góp vào nền kinh tế, nhưng cũng có một số không tiết kiệm cho người tiêu dùng, bà Harris nói thêm.
“Là tổng thống, tôi sẽ truy lùng những nhân tố xấu, và tôi sẽ làm việc để thông qua lệnh cấm liên bang chưa từng có về nâng giá cơ hội đối với mặt hàng thực phẩm”, bà Harris nói.
“Kế hoạch của tôi sẽ bao gồm các án phạt mới đối với các công ty cơ hội, khai thác các cuộc khủng hoảng và vi phạm các quy tắc”, bà Harris nói và cho biết thêm rằng kế hoạch kinh tế của bà sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm nhỏ hơn để thúc đẩy tính cạnh tranh hơn trong ngành này.
Chiến dịch Trump đã phản hồi qua email, chỉ trích kế hoạch kiểm soát giá mà bà Harris đề xuất.
Chiến dịch Trump nói: “Kế hoạch của bà ta sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những tổn hại mà bà ấy đã đang làm với đất nước này rồi”.
Trong bài phát biểu của mình bà Harris cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cắt giảm thủ tục giấy tờ vốn là một ưu tiên mà cựu Tổng thống Trump đã thúc đẩy từ lâu.
Tuy nhiên, bà Harris đã chỉ trích các đề xuất thuế quan của ông Trump, trong đó cựu tổng thống kêu gọi áp thuế 10% lên tất cả các mặt hàng xuất vào Mỹ, và áp thuế 60% lên tất cả các hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Bà Harris nói rằng các đề xuất của đối thủ của bà “thực ra là thuế bán hàng quốc gia áp lên mọi sản phẩm và nhu yếu phẩm cơ bản mà chúng ta nhập khẩu từ các quốc gia khác, điều đó sẽ gây tổn hại nặng nề cho người dân Mỹ”.
Bà Harris cho rằng thuế quan của ông Trump sẽ “tăng thêm chi phí 3.900 USD mỗi năm cho mỗi gia đình Mỹ bình thường”.
Diễn đàn Hành động Mỹ, một nhóm chuyên gia về các vấn đề chính sách tài khóa và kinh tế theo quan điểm trung hữu, đưa ra nhận định hôm 25/6 rằng thuế quan 10% của ông Trump sẽ tạo thêm chi phí cho mỗi hộ gia đình bình thường Mỹ từ khoảng 1.700 USD đến 2.350 USD mỗi năm, và khoản thuế quan 60% áp lên hàng hóa Trung Quốc theo đề xuất của ông Trump sẽ tăng thêm chi phí hàng năm cho mỗi gia đình bình thường Mỹ khoảng 3.900 USD.
Cắt giảm thuế
Bà Harris đề xuất giảm thuế cho hơn 100 triệu người Mỹ để củng cố tầng lớp trung lưu – Tín thuế Thu nhập Kiếm được và Tín thuế Trẻ em. Tín thuế Trẻ em được ban hành lần đầu vào năm 1997 và đã cung cấp 2.000 USD cho mỗi trẻ em trong khoảng 40 triệu gia đình Mỹ hàng năm dưới thời chính quyền Biden.
Tín thuế Trẻ em đã được gia hạn tạm thời vào năm 2021, và Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát gần đây đã cố gắng thông qua một dự luật lưỡng đảng để gia hạn loại tín dụng thuế này.
Theo kế hoạch mới của bà Harris, Tín thuế Trẻ em sẽ được nâng mức “miễn trừ thuế cho các gia đình trong năm đầu đời của một đứa trẻ” lên 6.000 USD.
“Nghĩ về những gì có ý nghĩa, điều đó là quan trọng, năm quan trọng của quá trình phát triển quan trọng của một đứa trẻ, và chi phí có thể thực sự tăng thêm lên. Đặc biệt đối với các cặp vợ chồng trẻ, họ cần mua tã lót trẻ em, quần áo, và ghế ngồi xe hơi cho trẻ, cùng rất nhiều thứ khác, và chúng ta sẽ làm điều này (gia hạn và tăng Tín thuế Trẻ em) trong khi vẫn giảm thâm hụt”, bà Harris nói với đám đông người ủng hộ.
Đề xuất của bà Harris là cực kỳ giống với luật mà bà đã đồng bảo trợ tại Thượng viện Mỹ trước đây, Đạo luật Nâng đỡ Tầng lớp Trung lưu (LIFT the Middle-Class Act). Trong đó, LIFT là viết cho cụm từ Thu nhập có thể Sống được cho Các gia đình Ngày nay.
Đề xuất của bà Harris sẽ cho phép lập ra “tín thuế trung lưu có thể hoàn lại lên tới 3.000 USD cho mỗi cá nhân và lên tới 6.000 USD cho các các nhân đã lập gia đình nộp tờ khai thuế chung”.
Đề xuất về nhà ở
Bà Harris cũng vạch ra các kế hoạch tạo ra thêm nhiều nhà ở giá cả phải chăng cho người Mỹ bình thường.
“Nhiều nơi đang bị thiếu nhà ở nghiêm trọng, quá khó để xây, và điều đó làm giá nhà tăng lên”, bà Harris nói.
“Là tổng thống, tôi sẽ hợp tác với ngành này để xây những ngôi nhà chúng ta cần, cả để cho thuê và để bán. Chúng tôi sẽ xóa bỏ các rào cản và cắt giảm thủ tục hành chính, kể cả ở cấp độ tiểu bang và địa phương”, bà Harris nói.
Để chấm dứt tình trạng thiếu nhà, bà Harris cam kết sẽ làm việc với các nhà phát triển bất động sản để xây ba triệu nhà mới và giá tiền thuê nhà “là phải chăng cho tầng lớp trung lưu” vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của bà.
Bà Harris chỉ trích các nhà đầu tư và các chủ đất liên hiệp vì họ mua hàng trăm ngôi nhà và căn hộ, sau đó cho thuê lại “với giá cực kỳ cao”, khiến cho “những người bình thường rất khó có thể mua hoặc thuê nhà”.
Bà Harris đề xuất thông qua luật để trấn áp các chủ đất liên hiệp vốn “hợp tác với nhau để đặt ra giá thuế nhà cao giả tạo” bằng các thuật toán máy tính. Bà gọi đó là “phi cạnh tranh” và là nguyên nhân làm tăng chi phí nhà ở.
Cuối cùng, phó tổng thống đề xuất cung cấp cho mỗi người mua nhà lần đầu một khoản trợ cấp 25.000 USD để giúp họ giảm phí thanh toán mua một căn nhà mới.
Bà Harris nói rằng kế hoạch trợ cấp đó sẽ “giúp nhiều người Mỹ hơn được trải nghiệm niềm tự hào làm chủ sở hữu nhà và trải nghiệm an toàn tài chính”.
Ông David Bahnsen, quản lý đối tác và sáng lập công ty đầu tư The Bahnsen Group, nói rằng khoản trợ cấp giảm thanh toán tiền nhà mà bà Harris đề xuất có thể làm tăng giá nhà.
Ông Bahnsen viết trên X: “Chúng ta có một vấn đề về khả năng chi trả tiền nhà. Đó là về nguồn cung”.
Bà Harris cũng cáo buộc rằng khi thực thi các chính sách của ông Trump, sẽ làm cho các khoản nợ có thế chấp tăng “khoảng 1.200 USD mỗi năm” đối với người dân Mỹ bình thường.
Các quan chức chiến dịch Trump đã tổ chức một buổi họp báo qua điện thoại vào ngày 16/8 để phản ứng với các tuyên bố của bà Harris.
Ông Kevin Hassett, từng làm cố vấn kinh tế trong chính quyền Trump, lập luận rằng các đề xuất của bà Harris “có thể gây ra một mức tổn hại khổng lồ đối với nền kinh tế” và cũng tiết lộ “mong muốn chính phủ kiểm soát nền kinh tế”.
Ông Hassett nói thêm rằng bà Harris và người đồng hành tranh cử với bà, Thống đốc Minnesota Tim Walz “đang nhân đôi kiểu chính sách của chính quyền Biden vốn đã gây ra lạm phát”.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại của chiến dịch Trump, nhà kinh tế học Stephen Moore nói rằng những người mua nhà bình thường sẽ phải gánh chịu tỷ lệ lãi thế chấp “gần gấp đôi khoản lãi suất đó vào thời điểm ông Trump rời nhiệm sở”.
“Cho người dân thêm tiền để đáp ứng thanh toán giảm đi là giống như dán băng sơ cứu cho bệnh nhân ung thư. Vấn đề lớn là người dân không thể chi trả được các khoản thanh toán thế chấp”, ông Moore nói.
Hải Đăng, theo The Epoch Times