Trở lại đà tăng giá, gạo Việt Nam hiện đắt nhất thế giới

Trở lại đà tăng giá, gạo Việt Nam hiện đắt nhất thế giới. (Ảnh minh họa: tiengiang.gov.vn)

Sau chuỗi ngày giảm giá khá mạnh, trong vòng 1 tháng qua, giá gạo Việt Nam vọt tăng và trở lại vị trí cao nhất thế giới. Điều này có được nhờ các đối tác truyền thống bất ngờ tăng mạnh nhập khẩu.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao ngược chiều giảm giá của các đối thủ Thái Lan và Pakistan. Trước đó, gạo Việt Nam đã có chuỗi giảm giá liên tục, khiến giá gạo Việt Nam xuống mức thấp nhất trong top 6 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, doanh thu đạt gần 452 triệu USD, tăng mạnh 46,3% về lượng và 39,7% về giá trị so với tháng trước đó.

Tính chung trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD, chỉ tăng tăng 8,3% về lượng nhưng tăng tới 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 15/8 được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, hơn hàng của Pakistan 34 USD/tấn.

Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất.

VFA cho biết hiện nhu cầu nhập khẩu gạo từ các đối tác truyền thống của Việt Nam đang ở mức cao và tăng lên. Đặc biệt, hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Indonesia và Philippines đều thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu.

Indonesia là do sản lượng gạo nước này giảm 9,5%, còn Philippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% cũng thúc đẩy các doanh nghiệp nước này tăng cường nhập khẩu.

Ngoài ra, nguyên nhân tăng giá còn do ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Ở Việt Nam thời điểm này vụ hè – thu sắp kết thúc và chuẩn bị vào vụ thu – đông. Cả 2 vụ này đều không phải là vụ sản xuất chính trong năm nên sản lượng không lớn.

Nguồn cung có hạn trong khi các nước đang tăng tốc nhập khẩu để chuẩn bị cho mùa khô hạn sang năm, nên giá gạo được đẩy lên cao.

Về triển vọng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, thời điểm cuối năm các nước thường đẩy mạnh nhập khẩu gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo tiếp tục ổn định và giá tăng cao đến cuối năm nay nếu Ấn Độ chưa dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định an ninh lương thực.

Với đà tăng giá như hiện nay, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt mốc kỷ lục 5 tỷ USD.

Phan Vũ

Related posts