Bạch Tuyết
Những lời đe dọa của Nga về việc dùng vũ khí hạt nhân với phương Tây có thể không chỉ là lời nói suông. Những tài liệu mật được lập trong một thời gian dài cho thấy Hải quân Nga đã thực sự có những kế hoạch và bản đồ tấn công những khu vực sâu bên trong châu Âu. Họ cũng lên kế hoạch thực hiện những cuộc tấn công hạt nhân kiểu trình diễn để thị uy trước đổi thủ. Các chuyên gia cho rằng những cuộc tập trận gần đây của Nga cho thấy tính khả tín của các tài liệu mật này, và nó hoàn toàn phù hợp với học thuyết quân sự hiện đại của Nga.
Theo tài liệu bí mật được tờ Financial Times tiết lộ, Nga đã huấn luyện hải quân của mình tấn công các mục tiêu ở sâu trong châu Âu bằng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột với NATO.
Theo báo cáo, những tài liệu cho thấy, từ rất lâu trước cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraina, các sĩ quan quân đội Nga đã lên kế hoạch chi tiết cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu, bao gồm bờ biển phía tây nước Pháp và thị trấn Barrow-in-Furness ở Anh.
Trước đó, tờ báo đã đưa tin về 29 tài liệu quân sự mật liên quan của Nga cho thấy, Matxcova đã diễn tập việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Nội dung mới nhất cho thấy, Nga đã hình dung xung đột với phương Tây sẽ vượt ra ngoài phạm vi tiếp xúc trực tiếp với biên giới các đồng minh NATO, và lên kế hoạch cho một loạt các cuộc tấn công áp đảo trên khắp Tây Âu. Các tài liệu đã được các nguồn tin phương Tây trình bày với FT.
Các hồ sơ được lập từ năm 2008 đến năm 2014, bao gồm danh sách mục tiêu cho các tên lửa có thể mang đầu đạn thông thường hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các sĩ quan Nga nhấn mạnh những lợi thế của việc sử dụng các cuộc tấn công hạt nhân ở giai đoạn đầu.
Bài thuyết trình cũng chỉ ra rằng Nga vẫn duy trì khả năng mang vũ khí hạt nhân trên tàu mặt nước, một khả năng mà các chuyên gia cho rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro leo thang hoặc tai nạn.
Tài liệu lưu ý rằng “khả năng cơ động cao” của hải quân cho phép họ thực hiện “những đòn tấn công bất ngờ và phủ đầu” và “những cuộc tấn công tên lửa lớn… từ nhiều hướng khác nhau”. Tài liệu nói thêm rằng vũ khí hạt nhân “theo nguyên tắc” được chỉ định để sử dụng “kết hợp với các phương tiện hủy diệt khác” nhằm đạt được các mục tiêu của Nga.
Các nhà phân tích đã xem xét các tài liệu, cho biết chúng phù hợp với cách NATO đánh giá mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của hải quân Nga và tốc độ mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Các bản đồ này được lập ra với mục đích trình bày hơn là mục đích sử dụng, minh họa một mẫu gồm 32 mục tiêu của NATO ở châu Âu dành cho các hạm đội hải quân của Nga.
Nhưng William Alberque, cựu quan chức NATO hiện làm việc tại Trung tâm Stimson, cho biết mẫu này chỉ là một phần nhỏ trong số “hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn mục tiêu được lập bản đồ trên khắp châu Âu… bao gồm các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Các nhà phân tích và cựu quan chức cho biết, khả năng tấn công khắp châu Âu của Nga có nghĩa là các mục tiêu trên khắp lục địa này sẽ gặp nguy hiểm ngay khi quân đội nước này giao tranh với lực lượng NATO ở các quốc gia tiền tuyến như các nước Baltic và Ba Lan.
Jeffrey Lewis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, người nghiên cứu về kiểm soát vũ khí, cho biết: “Khái niệm chiến tranh của họ là chiến tranh toàn diện. Họ coi những thứ này [đầu đạn hạt nhân chiến thuật] là vũ khí có khả năng chiến thắng trong chiến tranh”, ông nói thêm. “Họ sẽ muốn sử dụng chúng, và họ sẽ muốn sử dụng chúng khá nhanh chóng”.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được phóng bằng tên lửa đất liền, trên biển hoặc từ máy bay, có tầm bắn ngắn hơn và ít gây hủy diệt hơn so với các loại vũ khí “chiến lược” lớn hơn được thiết kế để nhắm vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chúng vẫn có thể giải phóng nhiều năng lượng hơn đáng kể so với những quả bom thả xuống Nagasaki và Hiroshima năm 1945.
Lời cảnh báo của ông Putin cũng ám chỉ kế hoạch này?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần đe dọa các đồng minh châu Âu của Ukraina, và tìm cách ngăn chặn sự viện trợ quân sự của phương Tây cho chính quyền Kyiv.
Ông Putin từng nói đầy ẩn ý vào hồi tháng 5 rằng: “Họ nên nhớ rằng họ là một nước nhỏ và đông dân”.
Theo tính toán của NATO, khả năng phòng không của các quốc gia thành viên chưa đến 5% so với “khả năng cần thiết để bảo vệ sườn phía đông khỏi một cuộc tấn công toàn diện của Nga”.
Hồi tháng 6, ông Putin cũng tuyên bố rằng, châu Âu không có khả năng tự vệ trước các cuộc tấn công hoả tiễn của Nga.
Tài liệu mật còn đề cập đến phương án “tấn công trình diễn”, nghĩa là trước khi xung đột thực sự xảy ra, quân đội Nga có thể cho nổ bom hạt nhân ở khu vực xa xôi để đe dọa các nước phương Tây.
Nga chưa bao giờ thừa nhận rằng phương pháp đe dọa này là một phần trong cách tiếp cận chiến lược của họ, nhưng các tài liệu chỉ ra rằng, các cuộc tấn công như vậy nhằm chứng minh khả năng của Matxcova trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược chính xác.
Fabian Hoffmann, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Oslo chuyên nghiên cứu về chính sách hạt nhân, cho biết sự kết hợp giữa các cuộc tấn công hạt nhân và thông thường được nêu trong bài thuyết trình tạo nên “một gói cơ bản để báo hiệu cho đối thủ rằng ngay bây giờ mọi thứ thực sự đang nóng lên. Và sẽ là khôn ngoan nếu bạn bắt đầu nói chuyện với chúng tôi về cách chúng ta có thể giải quyết vấn đề này”.
Dara Massicot, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết các nhà chiến lược Nga một phần coi vũ khí hạt nhân là trọng tâm trong giai đoạn đầu của bất kỳ cuộc xung đột nào với NATO, vì quân đội của họ có ít nguồn lực thông thường. “Họ không có đủ tên lửa”, bà nói.
Các chuyên gia cho rằng những tài liệu này cũng cho thấy mục tiêu hàng đầu của Nga là làm suy yếu năng lực quân sự và kinh tế của đối phương, đồng nghĩa với việc quân đội Nga có thể ưu tiên tấn công các cơ sở dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng trong thời chiến, như hiện đang xảy ra ở Ukraina.
Tài liệu cũng lưu ý rằng, bất chấp thỏa thuận năm 1991 giữa Liên Xô và Mỹ về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi tàu mặt nước, Nga vẫn duy trì khả năng này.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga bao gồm “hoả tiễn chống ngầm gắn trên tàu mặt nước và tàu ngầm”, và “hoả tiễn phòng không trên tàu và trên bờ. Những hoả tiễn này được trang bị đầu đạn hạt nhân, và được sử dụng để đánh bại lực lượng phòng không của đối phương”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, có những mối nguy hiểm cố hữu khi mang vũ khí hạt nhân trên biển. Không giống như tàu ngầm đạn đạo chiến lược, được thiết kế để phóng đầu đạn hạt nhân từ độ sâu của đại dương, tàu mặt nước mang đầu đạn hạt nhân dễ bị bão biển hoặc bị tấn công bởi kẻ thù hơn.
Các cuộc tập trận gần đây của Nga để diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cho thấy các tài liệu bị rò rỉ vẫn phù hợp với học thuyết quân sự hiện tại của Nga.
Vào tháng 6, lực lượng vũ trang Nga đã thực hành nạp tên lửa hành trình chống hạm P-270 thời Liên Xô lên một tàu hộ tống lớp Tarantul ở Kaliningrad, nơi các quan chức NATO cho biết tàu này đang lưu trữ một kho đầu đạn hạt nhân chiến thuật chưa được khai báo.
FT cũng cho biết, các cảnh quay về cuộc tập trận cho thấy quân đội thuộc GUMO số 12 của Nga, đơn vị bảo vệ đầu đạn hạt nhân trong quân đội Nga, thực hành di chuyển tên lửa trong thùng chứa mà họ sẽ sử dụng để di chuyển tên lửa được trang bị đầy đủ đầu đạn hạt nhân, có lực lượng bảo vệ phù hợp và các quy trình xử lý đầu đạn hạt nhân.