Nguồn: “What Are the Origins of Communism,” Council on Foreign Relations, 01/08/2024
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Khám phá các cách khác nhau mà Marx, Lenin, và Stalin đã diễn giải chủ nghĩa Cộng sản và đi sâu vào lịch sử của quá trình chuyển hóa một hệ tư tưởng thành chính sách.
Trong số những video TikTok phổ biến như các cụ ông cụ bà nhảy múa hay công thức làm món tráng miệng ngon mắt, một chủ đề khác gần đây đã thu hút hơn nửa tỷ lượt xem: #Chủ nghĩa Cộng sản.
Lướt qua hàng loạt video ngắn liên quan đến hashtag này sẽ thấy các đoạn clip tiểu sử về các nhà cách mạng cộng sản, video deepfake của Joseph Stalin hát nhép theo các bản hit nhạc pop, hay thậm chí cả các hướng dẫn trang điểm theo chủ đề búa liềm.
Đây không chỉ là một trào lưu trực tuyến thoáng qua. Ngày càng nhiều người Mỹ coi chủ nghĩa Cộng sản là một sự thay thế ưu việt cho xã hội tư bản. Chủ nghĩa Tư bản đang bị các thế hệ trẻ cho là nguyên nhân của bất bình đẳng kinh tế kéo dài, phân cấp chủng tộc, và khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy gần 30% thế hệ Z (tuổi từ 16 đến 23) có cái nhìn tích cực về chủ nghĩa Cộng sản. Trong khi đó, sự ủng hộ đối với chủ nghĩa Tư bản tiếp tục giảm mạnh trong thế hệ Y (Millennials).
Tuy nhiên, những quan điểm này lại phân chia rõ rệt theo thế hệ. Chỉ có 6% thế hệ Bùng nổ dân số (Baby Boomers, từ 56 đến 74 tuổi) và chỉ 3% thế hệ trước đó, thế hệ Im lặng (Silent Generation, từ 75 đến 93 tuổi), nhìn nhận chủ nghĩa Cộng sản theo hướng tích cực. Điều này có thể liên quan đến trải nghiệm của nhiều người Mỹ lớn tuổi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong thời gian này, Liên Xô cũ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Những người đã sống dưới các chế độ Cộng sản ở các quốc gia như Campuchia, Cuba và Liên Xô nhớ lại những trải nghiệm đau đớn về nghèo đói, mất mát, đói kém và các cuộc đàn áp chính trị. Đối với họ, chủ nghĩa Cộng sản là một cuộc thử nghiệm thất bại, thay vì là một giải pháp cho tương lai.
Vậy cách tốt nhất để hiểu rõ sự phân chia này là gì?
Có một phương án để hiểu là xem xét sự khác biệt giữa lý thuyết về chủ nghĩa Cộng sản và cách nó được áp dụng vào thực tế. Người trẻ thường tập trung vào các ý tưởng cơ bản của chủ nghĩa Cộng sản – một hệ thống chính trị và kinh tế, được phác hoạ lần đầu tiên bởi Karl Marx, kêu gọi xóa bỏ sở hữu tư nhân và nền kinh tế dựa trên lợi nhuận. Theo lý thuyết, hệ thống này sẽ mang lại sự bình đẳng và tự do khỏi nghèo đói. Ngược lại, các thế hệ lớn tuổi thường nhìn vào lịch sử mà chủ nghĩa Cộng sản được áp dụng, điều này đã dẫn đến, một trong số những ví dụ cực đoan nhất, là cái chết của hàng triệu người.
Trong tài liệu này, chúng ta sẽ xem xét cả lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa Cộng sản. Chúng ta sẽ quay ngược thời gian để hiểu cách Karl Marx đã đấu tranh cho hệ tư tưởng này như một lời đáp trả đối với điều kiện làm việc tồi tệ ở Tây Âu. Và chúng ta sẽ khám phá cách hai cá nhân – Vladimir Lenin và Joseph Stalin – những người đã chuyển thể lý thuyết của Marx thành chính sách thực tiễn, và thường kèm theo đó là những kết quả thảm khốc.
Karl Marx hiểu về chủ nghĩa Cộng sản như thế nào?
Dù có nhiều hiểu lầm phổ biến, chủ nghĩa Cộng sản không bắt nguồn từ Nga. Thực tế, chủ nghĩa Cộng sản đầu tiên được hình thành tại các thủ đô ở Tây Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, Tây Âu trải qua những biến động kinh tế và xã hội lớn do một giai đoạn đổi mới đột phá được gọi là cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tại các thành phố như Brussels, London, Paris và Vienna, sự phát triển của ngành sản xuất nhà máy đã tạo ra làn sóng công việc mới cùng với sự tăng trưởng kinh tế chưa từng có.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi một cách công bằng.
Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, một nhóm nhỏ trong dân số trở nên cực kỳ giàu có. Tuy nhiên, đa số người châu Âu nhận được mức lương thấp và làm việc nhiều giờ trong điều kiện không an toàn. Bên ngoài nhà máy, phần lớn người dân sống trong các khu vực đông đúc và mất vệ sinh. Vào năm 1849, cư dân của một trong những cộng đồng như vậy đã công bố một lời thỉnh cầu trên một tờ báo ở London:
“Thưa Quý vị, – Chúng tôi tha thiết cầu xin sự bảo vệ và quyền lực của Quý vị. Chúng tôi đang sống trong cảnh hoang dã, nếu đó là những gì mà phần còn lại của London biết về chúng tôi, cũng như nếu những người giàu có và quyền quý có dành sự quan tâm nào cho chúng tôi. Chúng tôi sống trong bùn lầy và rác rưởi.”
Một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất về điều kiện sống của người dân là nhà triết học người Đức Karl Marx.
Marx là một người ủng hộ mạnh mẽ cho công nhân phổ thông. Ông và người cộng sự lâu năm của mình, triết gia Friedrich Engels, đã di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác khắp Tây Âu, viết về nhu cầu cấp thiết của xã hội trong việc thay đổi hoàn toàn các hệ thống chính trị và kinh tế. Trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Tư Bản (Das Kapital) và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (The Communist Manifesto), Marx đã giới thiệu hai lý thuyết đặc trưng. Thứ nhất, ông lập luận rằng công nhân đang phải chịu đựng vì họ phụ thuộc vào tầng lớp thượng lưu. Tầng lớp thượng lưu này sở hữu các nhà máy, nguyên liệu thô và máy móc cần thiết để sản xuất hàng hoá – một hệ thống mà ông gọi là chủ nghĩa Tư bản. Thứ hai, ông tin rằng cách mạng là con đường duy nhất để giải phóng công nhân khỏi hệ thống này, và rằng sau nhiều năm bị áp bức, một cuộc nổi dậy của công nhân là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng cách mạng sẽ xảy ra như thế nào? Theo Marx, chính hệ thống nhà máy đã áp bức công nhân tầng lớp thấp sẽ cho phép họ lật đổ nó. Mỗi ngày, hàng triệu người tụ tập trên các sàn nhà máy khắp châu Âu để sản xuất hàng hóa. Tại sao họ không thể được tập hợp lại và xuống đường nổi dậy? “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại!” Marx viết. “Các bạn không có gì để mất ngoài xiềng xích của chính mình.”
Ở giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng, giai cấp công nhân mới được trao quyền, hay giai cấp lao động, sẽ mở rộng quyền bầu cử cho toàn bộ dân số và xóa bỏ sở hữu tư nhân. Điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các tầng lớp thượng lưu đã phát triển thịnh vượng dưới chế độ tư bản. Sau đó, một cơ quan chính phủ trung ương sẽ can thiệp để thiết lập một nền kinh tế chỉ huy mới dựa trên việc đáp ứng nhu cầu của xã hội thay vì thúc đẩy lợi nhuận.
Đối với Marx, sự chuyển dịch đến một tương lai như thế không chỉ là có thể xảy ra – mà là tất yếu phải xảy ra. Trong các tác phẩm của mình, ông đã mô tả một tương lai mà thế giới sẽ không còn cần đến các giai cấp kinh tế, tiền tệ, hay thậm chí các quốc gia.
Nhận thấy tính chất dễ gây kích động của những ý tưởng này, chính quyền ở Brussels, Cologne và Paris đã trục xuất nhà triết học người Đức ra khỏi thành phố. Trong khi đó, tại Nga, các nhà kiểm duyệt hoàng gia đã cho phép xuất bản Das Kapital. Các quan chức Nga cho rằng cuốn sách quá dày và khó hiểu nên không thể gây ra nhiều xáo trộn. Nhưng trái ngược với sự tưởng tượng của họ, các bản sao của cuốn sách nhanh chóng được tiêu thụ hết. Tác phẩm Tư bản của Marx sau đó đã truyền cảm hứng cho cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới.
Vladimir Lenin đã áp dụng chủ nghĩa Cộng sản như thế nào?
Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Nga rất tức giận với chính phủ. Nông dân phải chịu thuế cao, và công nhân nhà máy phải làm việc trong điều kiện tồi tàn. Nga cũng trải qua hai cuộc chiến tranh không được mấy ủng hộ, chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905) và chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918).
Trong nhiều năm, người dân đã cố gắng nhưng thất bại trong việc lật đổ triều đại Romanov đang cai trị, triều đại đã thống trị nước Nga suốt ba thế kỷ. Giữa lúc hỗn loạn này, một nhóm phụ nữ tầng lớp lao động đã xuống đường ở Petrograd (nay là St. Petersburg) vào tháng 2 năm 1917 để phản đối sự thiếu thốn thực phẩm và giá bánh mì cao. Trong vài ngày tiếp theo, hàng trăm nghìn người đã tham gia vào các cuộc biểu tình. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo quân đội đã chuyển sang ủng hộ người biểu tình. Đến tháng 3, nhà vua của nước Nga, Sa hoàng Nicholas đệ Nhị đã thoái vị.
Sự ra đi của Sa hoàng đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Nhiều người biểu tình yêu cầu nền dân chủ, nhưng các lực lượng chuyên quyền lại chiếm được ưu thế. Vào tháng 10, Đảng Bolshevik – một đảng chính trị do Vladimir Lenin lãnh đạo – đã nắm quyền kiểm soát trong một cuộc đảo chính.
Lenin là một nhà cách mạng từ lâu trước năm 1917. Sau khi bị đuổi học vì tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên, ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu các tác phẩm của các trí thức như Marx. Và, giống như Marx, Lenin đã di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác khắp châu Âu, kêu gọi một cuộc cách mạng của công nhân qua các ấn phẩm cấp tiến.
Từ khi nắm quyền, Lenin không dành thời gian vào việc thúc đẩy tầm nhìn của mình về một nước Nga theo chủ nghĩa Marx. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì? Trong các tác phẩm của mình, Marx phần lớn không đưa ra khuyến nghị về các chính sách cụ thể mà các nhà lãnh đạo nên thực hiện để xây dựng một xã hội cộng sản. Lenin là người đầu tiên cố gắng chuyển thể các tác phẩm của Marx thành chính sách thực tế. Tuy nhiên, chính phủ được hình thành từ những nỗ lực này cuối cùng lại không được lòng dân và không hoàn toàn theo chủ nghĩa Marx. Lenin đã không thể tiếp nhận tầm nhìn của Marx về một xã hội công bằng và dân chủ. Thay vào đó, chính phủ của Lenin đã đàn áp sự bất đồng thông qua việc kiểm duyệt nghiêm ngặt các cơ quan in ấn, nhà hát, và rạp chiếu phim. Và ngay cả khi người Nga có cơ hội bỏ phiếu cho một cơ quan lập pháp, đảng Bolshevik của Lenin đã chọn cách bỏ qua kết quả. Đảng Bolshevik nhận được chưa đến 25% số phiếu bầu.
Thêm vào đó, những nỗ lực của Lenin được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa Marx nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đất đai tư nhân và biến mọi trang trại thành tài sản của chính phủ lại đem đến kết quả đáng thất vọng. Tình trạng thiếu lương thực vẫn diễn ra, nền kinh tế suy yếu, và người Nga phản đối chính quyền. Để đối phó, Lenin đã ban hành Chính sách Kinh tế Mới (NEP) vào năm 1921, hợp pháp hóa quyền sở hữu tư nhân trở lại. Theo Lenin, đây là một “thất bại nghiêm trọng và sự thoái lui” khỏi chính sách chủ nghĩa Marx. Lenin trôi dạt khỏi chủ nghĩa Marx xa hơn nữa khi mở cửa thương mại với các nước tư bản như Anh.
Năm 1924, Lenin đột ngột qua đời. Một lần nữa, nước Nga – giờ đây đã trở thành một liên bang các quốc gia gọi là Liên Xô – phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về việc làm thế nào để thực hiện hoá tầm nhìn của Marx.
Joseph Stalin đã áp dụng chủ nghĩa Cộng sản ra sao?
Sau cái chết của Lenin, nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô đã tranh giành quyền kế nhiệm; tuy vậy, một nhà cách mạng nổi bật đã nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu được dự đoán: Leon Trotsky. Thế nhưng, Trotsky cũng có những đối thủ, trong đó có Joseph Stalin.
Trên lý thuyết, Trotsky và Stalin không thể khác biệt hơn. Trotsky là một nhà văn có nhiều công trình và là nhà hùng biện nổi tiếng. Trong khi đó, Stalin có được danh tiếng không nhờ vào những đóng góp trí tuệ cho cuộc cách mạng, mà nhờ vào khả năng huy động quỹ cho các Bolshevik. Các phương pháp huy động quỹ nổi bật của Stalin bao gồm cướp bóc, bắt cóc, và thậm chí là cướp biển trên Biển Đen.
Khi đến thời điểm chọn người kế nhiệm Lenin, hai bên đã lao vào cuộc chiến tư tưởng. Trotsky kêu gọi Liên Xô hỗ trợ các cuộc cách mạng công nhân ở các quốc gia khác, với quan điểm theo chủ nghĩa Marx nhằm dẫn dắt thế giới hướng tới chủ nghĩa Cộng sản toàn cầu. Ngược lại, Stalin nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển chủ nghĩa Cộng sản trong nước bằng cách tập trung vào các vấn đề nội bộ.
Theo thời gian, Stalin đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Trotsky. Tuy nhiên, chiến thắng của Stalin không chỉ dựa vào lý luận tư tưởng. Thay vào đó, Stalin đã nắm quyền lực ở Liên Xô bằng cách tận dụng các liên minh chính trị mạnh mẽ. Khi đạt được quyền lực, Stalin đã đẩy đối thủ của mình vào cuộc sống lưu vong suốt đời. Stalin dành ba tầng của cơ quan tình báo để theo dõi Trotsky, người bị ám sát ở Thành phố Mexico vào năm 1940.
Dưới sự cai trị của Stalin, cuộc sống ở Liên Xô hoàn toàn khác xa với tầm nhìn của Marx về việc trao quyền cho công nhân. Mặc dù Stalin sử dụng ngôn từ của Marx và Lenin trong các bài phát biểu của mình, nhưng các chính sách của Stalin lại ưu tiên việc đảm bảo Liên Xô có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, hơn là ưu tiên bất kỳ điều gì khác.
Vào năm 1928, Stalin đã bác bỏ Chính sách Kinh tế mới của Lenin và triển khai một chương trình mới nhằm tăng cường sản lượng công nghiệp của đất nước lên 250% chỉ trong vòng năm năm. Tuy nhiên, khi chương trình mới này được áp dụng, các công nhân nhà máy gặp khó khăn trong việc đáp ứng những mục tiêu sản xuất không thực tế và phải đối mặt với việc bị giam giữ trong các Gulag (trại cải tạo lao động được quản lí bởi chính phủ) vì không hoàn thành công việc hoặc vắng mặt. Trong khi đó, những chính sách nông nghiệp thất bại dẫn đến nạn đói khiến khoảng 6 triệu người chết.
Hơn nữa, mặc dù Marx kêu gọi cho một nền dân chủ, Stalin lại không chấp nhận ngay cả đó chỉ là một suy nghĩ về sự bất đồng. Từ năm 1936 đến 1938, Stalin đã cho hành hình khoảng 1 triệu người. Con số này bao gồm một phần ba Đảng Cộng sản và gần 80% các tướng lĩnh quân đội cấp cao của Stalin.
Stalin qua đời vào năm 1953, nhưng di sản của ông đã định hình Liên Xô trong nhiều thập kỷ. Các chính sách của Stalin đã gây ra những tổn thương và cái chết cho hàng triệu người. Ông cũng đã đẩy Liên Xô vào xung đột với Hoa Kỳ.
Chiến tranh Lạnh, như tên gọi của nó, không chứng kiến cuộc đối đầu trực tiếp nào giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh đã kéo nhiều quốc gia vào các cuộc chiến ủy nhiệm và đưa thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt hạt nhân. Cuộc xung đột mang tính sống còn này chỉ kết thúc vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 khi Liên Xô sụp đổ sau nhiều năm kinh tế trì trệ và cải cách chính trị không thành công. Thí nghiệm quy mô lớn đầu tiên với chủ nghĩa Cộng sản đã kết thúc trong thất bại.
Các quốc gia khác đã diễn giải và áp dụng chủ nghĩa Cộng sản như thế nào?
Khi nghĩ về chủ nghĩa Cộng sản, người ta thường tập trung vào các lãnh đạo Liên Xô như Lenin và Stalin. Họ thực sự là những người đầu tiên triển khai ý thức hệ này một cách có ý nghĩa. Tuy nhiên, trên thế giới, các nhà lãnh đạo chính trị ở nhiều nước khác nhau cũng đã áp dụng các cách hiểu riêng của mình về chủ nghĩa Cộng sản.
Tại Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông đã điều chỉnh các ý tưởng của Marx và Lenin để kêu gọi một cuộc cách mạng nông dân ở nông thôn thay vì một cuộc cách mạng do công nhân ở thành phố lãnh đạo. Cuộc cách mạng này dẫn đến hàng thập kỷ xung đột và cái chết của hàng triệu người. Tuy nhiên, cách hiểu và triển khai chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc đã phát triển thành một mô hình kinh tế kết hợp các yếu tố của doanh nghiệp tư nhân với sự kiểm soát và ảnh hưởng của chính phủ đối với các ngành công nghiệp; ngày nay, Trung Quốc là một thế lực hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu – mặc dù vẫn mang tiếng xấu vì gây ra các tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và vi phạm nhân quyền.
Các nước khác cũng có những cách hiểu rất khác nhau về chủ nghĩa Cộng sản. Fidel Castro, lãnh đạo Cộng sản cũ của Cuba – một người theo đuổi hệ tư tưởng Lenin – đã thực hiện các chính sách tịch thu tất cả tài sản nước ngoài tại Cuba, cấm các doanh nghiệp tư nhân, và hạn chế tự do ngôn luận cùng hoạt động chính trị, đồng thời triển khai các chương trình y tế và giáo dục miễn phí. Mặc dù nhiều chính sách vẫn còn tồn tại, nhưng những người kế nhiệm Castro cũng đã thực hiện một số cải cách khá hạn chế nhằm cải thiện nền kinh tế của đất nước, vốn chưa đạt kết quả như mong đợi dù nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Trung Quốc, Nga, và Venezuela.
Trung Quốc, Cuba và Liên Xô đều xác định (hoặc đã xác định) là các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, những trải nghiệm khác biệt rõ rệt của họ cho thấy sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn của một ý thức hệ. Như lịch sử đã cho thấy, các ý thức hệ có thể đưa ra tầm nhìn về một tương lai công bằng hơn – nhưng việc triển khai các ý thức hệ đó vào thực tế có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng trong quá trình thực hiện.