Nguồn: Stephen M. Walt, “The Dangerous Decline in Israeli Strategy,” Foreign Policy, 16/08/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sau nhiều thập kỷ, dự án Phục quốc Do Thái đang dần thất bại trong việc tự bảo vệ mình.
Israel đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Người dân nước này đang bị chia rẽ sâu sắc và tình trạng này khó có thể cải thiện. Họ cũng đang sa lầy vào một cuộc chiến bất phân thắng bại ở Gaza, với quân đội bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng, và một cuộc chiến rộng lớn hơn với Hezbollah hoặc Iran vẫn có khả năng xảy ra. Nền kinh tế Israel đang gặp khó khăn nặng nề, và tờ Times of Israel gần đây đưa tin rằng có tới 60.000 doanh nghiệp có thể phải đóng cửa trong năm nay.
Hơn nữa, những hành động gần đây của Israel đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh toàn cầu của họ và biến họ trở thành một quốc gia bị bài xích theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng được. Sau các cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào ngày 7/10/2023, Israel đã nhận được sự cảm thông đáng kể và thích đáng từ khắp nơi trên thế giới và mọi người dường như chấp nhận rằng Israel có quyền phản ứng mạnh mẽ. Nhưng chỉ hơn 10 tháng sau, chiến dịch diệt chủng của Israel chống lại người Palestine ở Gaza và tình trạng bạo lực gia tăng của người định cư Israel ở Bờ Tây đã làm lãng phí làn sóng ủng hộ ban đầu đó. Công tố trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Tòa án Công lý Quốc tế đã trình bày những phát hiện sơ bộ để chứng minh rằng các hành động của Israel có tính chất và mục đích diệt chủng, và cuối cùng, tòa án cũng tuyên bố việc Israel chiếm đóng và thuộc địa hóa Bờ Tây, Gaza, và Đông Jerusalem rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế.
Chỉ những người bảo vệ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái kiên cường nhất mới có thể chứng kiến những gì đang xảy ra ở Gaza mà không cảm thấy bối rối, nếu không muốn nói là kinh hoàng. Sự ủng hộ ở Mỹ đối với các hành động của Israel đang giảm mạnh, và những người Mỹ trẻ tuổi (trong đó gồm cả nhiều người Mỹ gốc Do Thái trẻ tuổi) đã phản đối phản ứng hời hợt của chính quyền Biden đối với các hành động của Israel. Hãy đọc dòng tweet này của Eran Etzion, cựu phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, để hiểu rõ hơn về thiệt hại mà Israel đã tự gây ra cho chính mình. Sau đó hãy đọc tiếp bài tường thuật chuyến thăm Israel gần đây của nhà sử học Omer Bartov, một trong những học giả hàng đầu thế giới về nạn diệt chủng, và bạn sẽ hiểu được vấn đề đã lún sâu đến mức nào.
Chúng ta có thể dễ dàng đổ mọi tội lỗi lên đầu Netanyahu, và đúng là ông ta xứng đáng nhận được những lời chỉ trích ở cả trong và ngoài nước. Nhưng việc đổ lỗi cho Bibi khiến chúng ta quên đi một vấn đề còn sâu rộng hơn nhiều: sự xói mòn trong tư duy chiến lược của Israel suốt 50 năm qua. Những thành tựu và sức mạnh chiến thuật của nước này trong hai thập kỷ đầu tiên sau độc lập thường có xu hướng làm lu mờ – đặc biệt là đối với những người lớn tuổi – mức độ mà các lựa chọn chiến lược quan trọng của Israel kể từ năm 1967 đã làm suy yếu an ninh của chính họ.
Những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái thời kỳ đầu và thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Israel đều là những nhà chiến lược sắc sảo. Họ đã cố gắng thực hiện một điều gần như bất khả: thành lập một nhà nước Do Thái ở giữa thế giới Ả Rập, dù dân số Do Thái ở Palestine vào năm 1900 vẫn rất nhỏ và họ vẫn là nhóm thiểu số khi Israel được thành lập vào năm 1948. Những nhà sáng lập đã thành công nhờ tư duy thực tế một cách tàn nhẫn: tận dụng các cơ hội thuận lợi, xây dựng lực lượng bán quân sự có năng lực (kế đến là lực lượng lục quân và không quân hạng nhất), và tìm mọi cách để giành được sự ủng hộ từ các cường quốc thống trị thế giới. Chẳng hạn, hãy nhớ rằng cả Liên Xô và Mỹ đều ủng hộ Kế hoạch Phân vùng của Liên Hiệp Quốc năm 1947 và đều công nhận Israel ngay sau khi nước này thành lập. David Ben-Gurion và các nhà lãnh đạo Phục quốc Do Thái đồng nghiệp của ông thường sẵn sàng tạm thời chấp nhận những thỏa thuận không giúp họ đạt được mục tiêu dài hạn, miễn là thỏa thuận đó đưa họ đến gần hơn với mục tiêu cuối cùng của mình.
Sau khi đạt được tư cách nhà nước, chính phủ mới đã làm việc cần mẫn để tăng cường sự ủng hộ của quốc tế thông qua hasbara (tuyên truyền) không ngừng nghỉ và xây dựng các liên minh hợp tác với Pháp, Nam Phi, cùng một số quốc gia khác. Quan trọng nhất, họ đã thiết lập một “quan hệ đặc biệt” với Mỹ, chủ yếu dựa trên sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của “nhóm vận động hành lang Israel.” Các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Israel hiểu rằng một quốc gia nhỏ bị bao vây bởi các thế lực thù địch phải tính toán cẩn thận và nỗ lực hết sức để giành được sự ủng hộ của quốc tế. Chính sách ngoại giao khôn ngoan và khả năng đánh lừa không hề nhỏ cũng đã giúp Israel phát triển một kho vũ khí hạt nhân bí mật và che giấu thực tế tàn khốc về quá trình lập ra nước Israel, vốn không được biết đến rộng rãi cho đến khi xuất hiện công trình của Benny Morris, Ilan Pappe, Avi Shlaim, Simha Flapan, và những “nhà sử học mới” khác vào những năm 1980.
Không có chính phủ nào là hoàn hảo và các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Israel đôi khi cũng mắc sai lầm. Ben-Gurion đã sai lầm khi cấu kết với Anh và Pháp để tấn công Ai Cập trong Khủng hoảng Suez năm 1956 và sau đó gợi ý rằng Israel có thể sẽ không rút quân. Tuy nhiên, ông nhanh chóng từ bỏ lập trường của mình khi chính quyền Eisenhower nói rõ rằng họ sẽ không dung thứ cho hành động bành trướng không chính đáng như vậy. Nhưng nhìn chung, sự nhạy bén về mặt chiến lược của nhà nước Phục quốc Do Thái trong những ngày đầu thành lập rất ấn tượng, đặc biệt là khi so sánh với các đối thủ của nó.
Bước ngoặt là chiến thắng ngoạn mục của Israel trong Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967. Kết quả không thực sự tốt như người ta nghĩ lúc đó (tình báo Mỹ đã dự đoán rằng Israel sẽ giành chiến thắng dễ dàng), nhưng tốc độ và quy mô của chiến thắng này đã khiến nhiều người bất ngờ và giúp nuôi dưỡng cảm giác kiêu ngạo vốn đã làm suy yếu khả năng ra quyết định chiến lược của Israel kể từ đó.
Sai lầm chính, như các học giả Israel sắc sảo đã chỉ ra, là quyết định giữ lại, chiếm đóng, và dần dần thuộc địa hóa Bờ Tây và Gaza, như một phần trong nỗ lực lâu dài nhằm tạo ra một “Đại Israel” (Greater Israel). Ben-Gurion và cấp dưới của ông đã tìm cách giảm thiểu số lượng người Palestine sống trong nhà nước Do Thái mới, nhưng việc chiếm giữ Bờ Tây và Gaza có nghĩa là Israel hiện kiểm soát một khối dân Palestine đang gia tăng nhanh chóng, gần bằng dân số người Do Thái ở Israel. Sự chiếm đóng sau đó đã tạo ra một sự căng thẳng không thể tránh khỏi giữa đặc tính Do Thái của Israel và hệ thống dân chủ của nó: Israel chỉ có thể tiếp tục là một nhà nước Do Thái bằng cách đàn áp các quyền chính trị của người Palestine và tạo ra một hệ thống phân biệt chủng tộc, trong một thời đại mà kiểu trật tự chính trị như vậy là điều đáng ghê tởm đối với phần lớn người dân trên thế giới. Israel có thể giải quyết vấn đề này thông qua thanh lọc sắc tộc và/hoặc diệt chủng bổ sung, nhưng cả hai đều là tội ác chống lại loài người mà không một người bạn thực sự nào của Israel có thể tán thành.
Những sai lầm khác đã xuất hiện ngay sau quyết định theo đuổi một Đại Israel. Các nhà lãnh đạo Israel (và những người đồng cấp Mỹ, bao gồm cả Henry Kissinger) đã bỏ lỡ nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat sẵn sàng dùng hòa bình để đổi lấy Bán đảo Sinai mà Israel đã chiếm được vào năm 1967. Hơn nữa, tình báo Israel đã nhầm tưởng rằng Quân đội Ai Cập quá yếu để thách thức Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Sinai, và do đó không dám phát động chiến tranh. Kết quả của đánh giá sai lầm này là Cuộc chiến Tháng 10/1973. Bất chấp những thất bại ban đầu, Israel dần chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng vẫn không chiếm ưu thế trên bàn đàm phán sau chiến tranh. Cái giá của chiến tranh, cùng với áp lực từ Mỹ, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc để từ bỏ Sinai. Sự thay đổi tư duy này cuối cùng đã dẫn đến chuyến đi lịch sử của Sadat tới Jerusalem, Hiệp ước Trại David, và hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel sau đó (với trung gian hòa giải kiên trì và khéo léo là Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Jimmy Carter). Thật không may, vì Thủ tướng Israel lúc bấy giờ là Menachem Begin đã cam kết sâu sắc với mục tiêu Đại Israel và không muốn chấm dứt việc chiếm đóng, nên ông đã bỏ lỡ cơ hội đầy hứa hẹn để giải quyết vấn đề Palestine một lần và mãi mãi.
Dấu hiệu rõ ràng tiếp theo của sự xói mòn phán đoán chiến lược là cuộc xâm lược ngắn ngủi của Israel vào Lebanon năm 1982. Kế hoạch này là đứa con tinh thần của Bộ trưởng Quốc phòng diều hâu Ariel Sharon, người đã thuyết phục Begin rằng một cuộc tấn công quân sự sẽ làm tan rã Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vốn có sự hiện diện đáng kể ở Lebanon, mở đường thành lập một chính phủ thân Israel ở Beirut và trao cho Israel quyền tự do ở Bờ Tây. Cuộc xâm lược là một thành công quân sự ngắn hạn, nhưng nó đã dẫn đến việc IDF chiếm đóng miền nam Lebanon, từ đó trực tiếp dẫn đến việc thành lập Hezbollah, và sự kháng cự ngày càng mạnh mẽ của Hezbollah cuối cùng đã buộc Israel phải rút khỏi Lebanon vào năm 2000. Và việc loại bỏ PLO khỏi Lebanon đã không thể ngăn chặn được sự phản kháng của người Palestine: Thay vào đó, nó lại mở đường cho phong trào Intifada lần thứ nhất vào năm 1987, một dấu hiệu rõ ràng khác cho thấy người Palestine sẽ không rời bỏ quê hương hoặc chấp nhận bị Israel nô dịch vĩnh viễn.
Dù nhiều người Israel có tầm nhìn đã nhận ra rằng vấn đề Palestine sẽ không biến mất, nhưng các chính phủ Israel kế nhiệm vẫn tiếp tục hành động theo những cách khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, dù PLO đã chấp nhận sự tồn tại của Israel bằng việc ký Hiệp định Oslo đầu tiên vào năm 1993, nhưng chưa từng có nhà lãnh đạo Israel nào sẵn sàng đề nghị cho người Palestine một nhà nước của riêng họ. Dù lời đề nghị được cho là hào phóng của Thủ tướng lúc bấy giờ là Ehud Barak tại hội nghị thượng đỉnh Trại David năm 2000 đã đi xa hơn bất kỳ đề xuất nào của Israel trước đây, nhưng nó vẫn chưa thể mang lại cho người Palestine một nhà nước thực sự. Đề nghị tốt nhất của Israel là tạo ra hai hoặc ba khu vực riêng biệt và phi quân sự ở Bờ Tây, trong đó Israel giữ toàn quyền kiểm soát biên giới, không phận, và tài nguyên nước của thực thể mới. Đây không phải là một nhà nước thực sự, chứ chưa nói đến một nhà nước mà một nhà lãnh đạo Palestine có thể chấp nhận. Không có gì ngạc nhiên khi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel Shlomo Ben-Ami sau này thừa nhận: “Nếu tôi là người Palestine, tôi sẽ từ chối Trại David.”
Hòa giải với người Palestine đòi hỏi Israel phải ngừng mở rộng các khu định cư ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, và hợp tác với người Palestine để thành lập một chính phủ có thẩm quyền, hiệu quả, và chính danh. Nhưng các nhà lãnh đạo Israel – đặc biệt là các chính phủ do Sharon và Netanyahu lãnh đạo – lại làm điều ngược lại. Họ từ chối ngừng mở rộng khu định cư, tìm đủ mọi cách để khiến người Palestine bị suy yếu và chia rẽ ngay cả khi điều đó có nghĩa là ngầm ủng hộ Hamas, và liên tục cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước. Kết quả là một chuỗi các cuộc đụng độ mang tính hủy diệt nhưng bất phân thắng bại (chẳng hạn như Chiến dịch Cast Lead năm 2008-2009 và Chiến dịch Protection Edge năm 2014). Tuy nhiên, những nỗ lực “cắt cỏ” lặp đi lặp lại này đã không thể chấm dứt được sự phản kháng của người Palestine, và căng thẳng cuối cùng đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào ngày 7/10, đòn tồi tệ nhất giáng vào Israel trong nhiều thập kỷ.
Một ví dụ cuối cùng về sự thiển cận chiến lược của Israel là việc nước này phản đối kịch liệt mọi nỗ lực quốc tế nhằm đàm phán các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Iran. Vì những lý do chiến lược chính đáng, Israel muốn mình vẫn là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có vũ khí hạt nhân và không muốn thấy Iran, đối thủ hàng đầu trong khu vực của họ, sở hữu được bom hạt nhân. Nếu vậy, Netanyahu và các nhà lãnh đạo Israel khác lẽ ra phải hài lòng và nhẹ nhõm khi Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới thuyết phục được Iran ký Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015. Tại sao? Bởi vì nó yêu cầu Tehran phải giảm khả năng làm giàu uranium, thu hẹp kho dự trữ uranium đã làm giàu, và chấp nhận các cuộc thanh tra toàn diện từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, theo đó khiến bom hạt nhân nằm ngoài tầm với của Iran trong một thập kỷ, thậm chí lâu hơn. Nhiều quan chức an ninh cấp cao của Israel đã khôn ngoan khi ủng hộ thỏa thuận này, nhưng Netanyahu và những người ủng hộ đường lối cứng rắn của ông, cùng với AIPAC và các nhóm diều hâu hơn trong nhóm vận động hành lang của Israel ở Mỹ, đã kiên quyết phản đối. Nhóm người theo đường lối cứng rắn này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump rời khỏi thỏa thuận vào năm 2018, và ngày nay, Iran đang tiến gần đến việc chế tạo một quả bom hơn bao giờ hết. Thật khó để hình dung ra một chính sách nào thiển cận hơn.
Điều gì có thể giải thích cho sự suy giảm nghiêm trọng về năng lực chiến lược của Israel? Một yếu tố quan trọng là cảm giác kiêu ngạo và không thể bị trừng phạt xuất phát từ việc Mỹ luôn bảo vệ và tôn trọng mong muốn của Israel. Nếu quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ủng hộ bạn bất kể bạn làm gì, thì yêu cầu suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động của bạn chắc chắn sẽ giảm đi. Ngoài ra, xu hướng của Israel – xem mình là nạn nhân và đổ lỗi cho chủ nghĩa bài Do Thái trước mọi sự phản đối chính sách của họ – cũng không giúp ích gì, bởi nó khiến các nhà lãnh đạo và công chúng Israel không nhận ra hành động của chính họ đã gây ra sự thù địch mà họ phải đối mặt. Việc Netanyahu cai trị với tư cách là thủ tướng tại vị lâu nhất ở Israel là một khía cạnh khác của vấn đề, đặc biệt vì hành động của ông phần lớn xuất phát từ lợi ích cá nhân (tránh ngồi tù vì tội tham nhũng), chứ không phải từ mong muốn đem lại điều tốt nhất cho đất nước của mình. Thêm vào đó là ảnh hưởng ngày càng tăng của tôn giáo – những người có quan điểm “cứu thế” về chính sách đối ngoại mà gần đây đã được tóm tắt trong một bài báo rùng rợn trên tờ Haaretz. Chúng chính là công thức dẫn đến thảm họa. Khi bất kỳ quốc gia nào bắt đầu đưa ra các quyết định chiến lược dựa trên những lời tiên tri về ngày tận thế và kỳ vọng về sự can thiệp của thánh thần, hãy cẩn thận.
Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì như người Mỹ đã thể hiện trong phản ứng của chính mình trước sự kiện ngày 11/09, những quốc gia không suy xét kỹ càng về các lựa chọn chiến lược của mình có thể gây tổn hại đáng kể cho chính họ và cho những người khác. Các hành động của Israel đe dọa đến triển vọng dài hạn của chính nước này, vì vậy bất kỳ ai muốn Israel có một tương lai tươi sáng đều phải đặc biệt lo ngại trước việc nước này suy giảm khả năng phán đoán chiến lược. Các hành động báo thù và thiển cận của Israel đã gây ra tổn hại to lớn cho những người Palestine vô tội suốt hàng chục năm qua và cho đến tận ngày nay, tuy nhiên chúng gần như không thể chấm dứt sự phản kháng của người Palestine. Bị ràng buộc với một đối tác thất thường và thiếu suy nghĩ cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với Mỹ, bởi vì nó sẽ liên tục ngốn thời gian, sự chú ý, nguồn lực, và khiến Mỹ trông vừa kém hiệu quả, vừa đạo đức giả. Nó cũng có thể truyền cảm hứng cho một làn sóng khủng bố chống Mỹ khác, cùng với tất cả những thiệt hại rõ ràng mà kết quả này sẽ gây ra.
Thật không may, tôi cũng không rõ làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Điều tốt nhất mà những người ủng hộ Israel ở Mỹ có thể làm là gây áp lực buộc cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thể hiện thái độ cứng rắn đối với nhà nước Do Thái để nước này bắt đầu xem xét lại quỹ đạo hiện tại của mình. Tất nhiên, điều đó đòi hỏi các nhóm vận động hành lang như AIPAC phải suy ngẫm về vai trò của chính họ trong việc đưa Israel vào tình thế khó khăn hiện tại. Đáng tiếc là không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ sớm xảy ra. Thay vào đó, Israel và những người ủng hộ họ ở Mỹ đang tiếp tục đánh cược. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những rắc rối không ngừng, và thậm chí là một thảm họa.
Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận của Foreign Policy và là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.