Những vụ tấn công của các chiến binh ly khai ở Tây Nam tỉnh Balochistan là để chặn các dự án phát triển nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), Thủ tướng Pakistan nói hôm Thứ Ba 27/8.
Các cuộc tấn công bắt đầu từ Chủ Nhật, giết chết hơn 70 người, là đợt xung đột trải rộng nhất trong nhiều năm qua bởi các nhóm chiến binh sắc tộc tìm cách giành quyền ly khai ở tỉnh giàu tài nguyên này, nơi có các dự án chủ yếu do Trung Quốc chỉ đạo như một cảng, một mỏ vàng, và một mỏ đồng.
“Những kẻ khủng bố muốn ngăn chặn CPEC và các dự án phát triển,” Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nói trên chương trình truyền hình, và chỉ ra rằng các chiến binh muốn tạo ra chia rẽ giữa Islamabad và Bắc Kinh.
CPEC, được cho là đã có cam kết phát triển trị giá 65 tỷ USD, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tự bản thân mình, Pakistan không có khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ cần thiết để vươn tới các nguồn khoáng sản ở tỉnh nghèo đói Balochistan, và Pakistan đã tìm tới sự giúp đỡ của Trung Quốc để phát triển tỉnh này.
Trung Quốc đã lên án các cuộc tấn công này, và thề sẽ duy trì hỗ trợ của mình đối với các nỗ lực của Pakistan chống khủng bố.
“Trung Quốc đã sẵn sàng cường hóa các hợp tác an ninh chống khủng bố với Pakistan, để cùng nhau duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực này,” ông Lâm Kiếm, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã nói trong lần họp báo thường kỳ.
Trước đó, Bắc Kinh đã bày tỏ những lo ngại về vấn đề an ninh cho công dân của mình đang làm việc tại Pakistan, đặc biệt là tại Balochistan. Có 6 kỹ sư Trung Quốc đang làm việc tại một dự án đập nước đã bị giết hồi tháng 3.
Các chiến binh ly khai cũng nhắm vào cảng nước sâu Gwadar, cảng do Trung Quốc vận hành.
Một trong những nhóm đó —Quân Giải phóng Balochistan (BLA)— đã nhận trách nhiệm về những lần tấn công trong tuần vào các đồn cảnh sát, các tuyến đường sắt và đường cao tốc trong tỉnh này, tỉnh lớn nhất nhưng lạc hậu nhất của Pakistan.
Nhóm tuyên bố rằng đã có hàng trăm tay súng, gồm cả 7 người đánh bom liều chết, đã tham gia các cuộc tấn công ấy.
Trước đây, một số cơ sở của Trung Quốc cũng là mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang Baloch, những người tuyên bố rằng họ đã chiến đấu hàng thập kỷ với mục tiêu giành lấy phần chia nhiều hơn từ các mỏ giàu có vốn đang bị chính phủ trung ương ngăn chặn.
Nhật Tân (theo Reuters)