Tại Hồng Kông đang diễn ra xét xử vụ án truyền thông đáng chú ý liên quan tờ Stand News (bị đột kích vào năm 2021), theo đó Công ty mẹ của Stand News, cựu tổng biên tập Chung Bái Quyền (Chung Pui-kuen) và quyền tổng biên tập sau đó là Lâm Thiệu Đồng (Patrick Lam) bị buộc tội “xuất bản các ấn phẩm nổi loạn”.
Hôm 29/8, thẩm phán xét xử được chỉ định theo Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông đã ra phán quyết các bị cáo có tội. Hiệp hội Phóng viên Hồng Kông cho rằng vụ việc này phản ánh rõ suy giảm quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, cùng với các vụ việc khác đã phản ánh suy thoái nghiêm trọng của quyền tự do báo chí; cực lực phản đối việc sử dụng những tội danh như kích động… để truy tố những người thực hiện công việc báo chí theo quyền hạn được quy định trong Luật Cơ bản Hồng Kông.
Ông Lâm Thiệu Đồng vắng mặt tại phiên tòa vì bệnh, nhưng ông Chung Bái Quyền và vợ của ông Lâm Thiệu Đồng đều có mặt tại tòa.
Thẩm phán phán quyết rằng 11 trong số 17 bài báo có mục đích nổi loạn, bao gồm các cuộc phỏng vấn độc quyền với nhà hoạt động Hà Quế Lam (Gwyneth Ho), các bài viết của Trần Bái Mẫn (Chen Peimin), Khu Gia Lân (Allan Au)…
Chung Bái Quyền: Không thể trốn tránh trách nhiệm ghi chép trung thực
Trong lá thư gửi lên tòa án, ông Chung Bái Quyền lần đầu tiên đề cập rằng vợ ông – bà Trần Bái Mẫn là một trong những phóng viên Hồng Kông đầu tiên bay đến hiện trường để đưa tin về hậu quả của trận động đất lớn ở Đông Bắc Nhật Bản vào tháng 3/2011. Khi đó, nhiều phóng viên nước ngoài đã sớm rời Nhật Bản vì lo lắng về tình hình Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày càng tồi tệ, nhưng Trần Bái Mẫn nhất quyết ở lại và đến nhiều địa điểm xảy ra thảm họa để phỏng vấn, ghi hình và đưa tin. “Nếu có một thảm họa lớn hơn ở Nhật Bản, cô ấy nên ở lại tiếp tục đưa tin hay bỏ đi?”, lá thư hỏi.
Trong thư, ông nói thêm rằng ông quen biết nhiều phóng viên Hồng Kông, trong đó có nhiều đồng nghiệp cũ của Stand News là những người có dũng khí tương tự, họ luôn quyết tâm ở lại hiện trường thời sự, chứng kiến và ghi lại những câu chuyện có thật, lắng nghe và ghi lại những suy nghĩ đa dạng. Chung Bái Quyền “tin rằng những câu chuyện và suy nghĩ đó có thể kích thích và truyền cảm hứng cho mọi người suy nghĩ, phản ánh thời đại và định hình lịch sử”.
Chung Bái Quyền cũng chỉ ra ngày càng có nhiều người Hồng Kông không dù không phải là phóng viên nhưng tích cực lên tiếng cho sự thực và nhân quyền, bất chấp khả năng họ phải trả giá bằng giam cầm trừng phạt, mất tự do…
Lâm Thiệu Đồng: Chúng tôi không thẹn với công chúng
Thư của Lâm Thiếu Đồng đề cập những người tham gia Stand News đều có cùng lý tưởng và cố gắng điều hành một tổ chức truyền thông hoàn toàn độc lập về mặt biên tập ở Hồng Kông, đồng thời tin rằng Stand News tồn tại được 7 năm là niềm hy vọng của độc giả xem tin tức thực sự độc lập với các tập đoàn, nhà tài trợ, quyền lực hoặc đảng phái.
Ông cho hay những ngày tháng sau này khi Hồng Kông suy thoái nghiêm trọng quyền tự do báo chí thì ông và nhiều đồng nghiệp vẫn kiên định con đường dù phải chịu áp lực to lớn, vì thế không thẹn với công chúng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi lên tiếng cho sự thật bị che giấu dù phải chịu vô số gian khổ. Chúng tôi bảo vệ những người yếu thế và thiểu số. Chúng tôi cố gắng hết sức để ghi lại những điều liên quan đến Hồng Kông với mục đích bảo tồn ký ức và lịch sử của thành phố này trước khi các điều đó có thể biến mất”.
Ông tin rằng mấu chốt của vụ án này là quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Phóng viên không chỉ phải chịu trách nhiệm về việc đưa tin của mình, nếu biết công chúng có quyền được biết mà cố tình trốn tránh việc đưa tin thì nghĩa là thất trách. “Cách duy nhất để phóng viên bảo vệ quyền tự do báo chí là đưa tin, như tất cả những người vẫn đang làm công việc của họ ngày hôm nay. Tôi chỉ là một trong những người trong ngành tình cờ trở thành bị cáo”.
“Kịch liệt phản đối cáo buộc kích động”
Sau khi các bị cáo trong vụ án bị kết án, Hiệp hội Phóng viên Hồng Kông đã đưa ra tuyên bố rằng vụ án cho thấy nổi bật suy giảm quyền tự do báo chí ở Hồng Kông. Vụ án đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho ngành báo chí Hồng Kông từ trước khi tuyên án.
Hiệp hội Phóng viên cho hay khảo sát của họ vào năm sau khi tờ Stand News bị đột kích vào năm 2021 cho thấy, 97% phóng viên được phỏng vấn tin rằng vụ việc đã gây tổn hại lớn đến quyền tự do báo chí. Thẩm phán ban đầu trong vụ án Stand News đã bị thay thế vào phút cuối trước khi bắt đầu phiên tòa xử án, còn hoạt động thẩm vấn kéo dài gần 60 ngày là nhiều hơn gần 3 lần so với số ngày dự kiến ban đầu. Cơ quan công tố đã mở rộng đáng kể phạm vi xem xét vụ án, không chỉ xem xét các bài báo, cuộc phỏng vấn và các bài bình luận của Stand News, mà còn mà còn đào sâu vào ý định của các biên tập viên, phóng viên và ngữ nghĩa của từng câu chữ trong các bài viết.
Tuyên bố cũng chỉ ra, Chính phủ Hồng Kông vào đầu năm nay đã tăng mức hình phạt tối đa cho tội kích động lên 7 năm tù. Vụ án này đã làm tăng thêm mối lo ngại của các phóng viên, làm sâu sắc thêm hiệu ứng ớn lạnh và gây tổn hại nghiêm trọng hơn cho quyền tự do báo chí.
Phiên toà vụ án Stand News đã bố trí tất cả 165 chỗ ngồi cho công chúng. Những người có mặt bao gồm lãnh sự các nước từ Anh, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu, Úc, Canada…
Theo Trương Du, Epoch Times