Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thay đổi phong cách làm việc khuyến nghị giảm số ngày làm việc trong tuần, giới hạn thời gian làm thêm. Đây là quốc gia vốn nổi tiếng với văn hóa làm việc căng thẳng, nơi thậm chí có những người lao động tử vong do làm việc quá sức.
Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên bày tỏ ủng hộ đối với giảm số ngày làm việc trong tuần vào năm 2021, khi các nhà lập pháp tán thành ý tưởng này. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, chỉ 8% công ty ở nước này cho phép nhân viên nghỉ ba ngày trở lên mỗi tuần, trong khi 7% đồng ý để nhân viên nghỉ một ngày theo quy định của pháp luật.
Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy giờ làm việc ngắn hơn cùng các thỏa thuận linh hoạt khác, nghỉ phép hàng năm có lương, giới hạn làm thêm giờ… Trên trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã đề cập đến chính sách mang tên “hatarakikata kaikaku”, có nghĩa là đổi mới cách chúng ta làm việc.
Bộ này cho hay: “Bằng cách hiện thực hóa một xã hội mà người lao động có thể lựa chọn nhiều phong cách làm việc khác nhau, dựa trên hoàn cảnh của họ, chúng tôi hướng đến mục tiêu tạo ra một chu kỳ tăng trưởng và phân phối lành mạnh, giúp mọi người lao động có triển vọng tốt hơn cho tương lai”.
Tuy nhiên, mới chỉ có ba công ty yêu cầu tư vấn về thực hiện thay đổi, quy định có liên quan và các khoản trợ cấp có sẵn. Điều này phản ánh những thách thức mà sáng kiến này phải đối mặt. Ngoài ra, trong số 63.000 nhân viên của Panasonic ở Nhật Bản đủ điều kiện làm việc 4 ngày/tuần, chỉ có 150 nhân viên chọn làm việc theo lịch trình này.
Việc chính phủ Nhật Bản ủng hộ cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn thể hiện sự thay đổi rõ rệt ở quốc gia Mặt Trời mọc, nơi nổi tiếng với nền văn hóa “nghiện công việc”, được ghi nhận là động lực dẫn đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế vượt bậc sau Thế Chiến II. Áp lực cần hy sinh vì công ty là rất lớn. Làm việc nhiều giờ là chuẩn mực. Một báo cáo gần đây của chính phủ về “karoshi”, thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là tử vong do làm việc quá sức, cho biết Nhật Bản có ít nhất 54 trường hợp như vậy mỗi năm.
Ông Tim Craig, tác giả một cuốn sách về Nhật Bản nhận định rằng người dân quốc gia này nghiêm túc, tận tâm và chăm chỉ, họ có xu hướng coi trọng quan hệ với đồng nghiệp và hình thành mối liên kết với công ty của họ.
Một số quan chức coi việc thay đổi tư duy là rất quan trọng để duy trì lực lượng lao động trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh của Nhật Bản. Theo dữ liệu của chính phủ, với tốc độ thấp hiện tại của tỷ lệ sinh tại Nhật Bản, một phần là do văn hóa tập trung vào công việc, dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm 40% xuống còn 45 triệu người vào năm 2065, từ mức 74 triệu người hiện tại.
Những người ủng hộ mô hình nghỉ ba ngày/tuần cho biết nó khuyến khích những lao động có con, phải chăm sóc người thân lớn tuổi, người về hưu sống bằng lương hưu và những người khác muốn có thu nhập bổ sung, tiếp tục làm việc lâu hơn.
Cô Akiko Yokohama, làm việc tại Spelldata, công ty công nghệ nhỏ có trụ sở tại Tokyo cho phép nhân viên làm việc theo lịch trình 4 ngày, nghỉ vào thứ Tư cùng thứ Bảy và Chủ Nhật. Với những ngày nghỉ còn lại trong tuần, cô dành thời gian đi làm đẹp, tham dự các cuộc hẹn khác hoặc đi mua sắm.
Phan Anh
Giới chuyên gia lo ngại khủng bố lợi dụng trí tuệ nhân tạo
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng khủng bố sẽ tìm ra những cách lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thực hiện các mục đích xấu.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Công lý và Tội phạm liên vùng của Liên Hợp Quốc – bà Antonia Marie De Meo đã thực hiện một báo cáo xoay quanh cách khủng bố có thể lợi dụng AI.
Bà cho biết khủng bố đã đạt được nhiều mục đích xấu qua thế giới tội phạm mạng, ví dụ như tăng cường tấn công mạng, phát tán phát ngôn thù địch, kích động bạo lực trực tuyến…
Bà Antonia Marie De Meo kết luận rằng cơ quan thực thi pháp luật cần phải đi đầu trong lĩnh vực AI. Bà cho hay: “Chúng tôi mong muốn rằng báo cáo này sẽ là khởi đầu cho thảo luận về việc lợi dụng AI cho mục đích khủng bố”.
Báo cáo của bà Antonia Marie De Meo ủng hộ một nghiên cứu do Trung tâm Ưu tú về Phòng thủ Chống khủng bố (Thổ Nhĩ Kỳ) và Viện Nghiên cứu chiến lược của Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ phối hợp thực hiện, trong đó lập luận rằng các nhóm khủng bố đang khai thác AI để tuyển dụng và tấn công.
Trong phần mở đầu nghiên cứu, các tác giả cho biết: “Ranh giới giữa thực tế và hư cấu trở nên mờ nhạt trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, đòi hỏi các chính phủ, các ngành và học viện đoàn kết trong việc xây dựng các khuôn khổ và quy định đạo đức”.
Nghiên cứu ghi nhận các trường hợp sử dụng ChatGPT của OpenAI để thực hiện email lừa đảo, cài phần mềm độc hại, phát tán thông tin sai lệch và tạo ra nội dung tuyên truyền trực tuyến. Tội phạm mạng và khủng bố đã nhanh chóng thành thạo trong việc sử dụng các nền tảng như vậy cùng các mô hình ngôn ngữ lớn nói chung để tạo ra deepfake hoặc chatbot để trộm thông tin cá nhân và tài chính nhạy cảm hoặc lên kế hoạch tấn công khủng bố, thu hút người ủng hộ.
Báo cáo của bà Antonia Marie De Meo lưu ý rằng để có thể đi trước khủng bố một bước, và dự đoán cách chúng lợi dụng AI sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Nó đòi hỏi chúng không chỉ tìm ra những cách sử dụng AI chưa ai từng nghĩ đến trước đây mà còn phải ngăn chặn tội phạm sử dụng chính cách thức ấy.
Phan Anh