Phía Washington đã tiến hành truy tố hai nhân viên và áp trừng phạt với lãnh đạo đài truyền hình RT của Nga, cáo buộc họ gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cụ thể, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland ngày 4/9 thông báo Kostiantyn Kalashnikov và Elena Afanasyeva, hai nhân viên RT, đã bị truy tố ở New York với các cáo buộc rửa tiền và vi phạm Đạo luật Đăng ký Đặc vụ Nước ngoài (FARA).
Họ bị nghi đã chuyển 10 triệu USD cho một công ty Mỹ có trụ sở ở Tennessee. Công ty này sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để “tạo và lan truyền nội dung có thông điệp ẩn của chính phủ Nga tới người dân Mỹ”, ông Garland cho biết tại cuộc họp của đội chuyên trách về mối đe dọa với bầu cử thuộc Bộ Tư pháp Mỹ.
Công ty không được nêu tên này đăng các video bằng tiếng Anh trên nhiều mạng xã hội, bao gồm TikTok, Instagram, Youtube và X, theo cáo trạng.
“Công ty chưa bao giờ tiết lộ với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và người theo dõi về mối liên hệ của mình với đài RT và chính phủ Nga”, ông Garland cho hay.
Kalashnikov và Afanasyeva đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù với cáo buộc vi phạm FARA và 20 năm tù với cáo buộc rửa tiền. Tuy nhiên, họ đang ở Nga và có thể sẽ không bao giờ phải ra tòa tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cũng thông báo tịch thu 32 tên miền Internet bị nghi là một phần của của chiến dịch nhằm đảm bảo kết quả bầu cử tổng thống “mà Nga mong muốn”, nhưng không nêu cụ thể. Các quan chức Mỹ trước đó cho biết Nga hy vọng ứng viên Cộng hòa Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.
“Mỹ sẽ không dung thứ cho những nỗ lực nhằm lợi dụng hệ thống chính phủ dân chủ của chúng tôi”, ông Garland tuyên bố. “Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối và ngăn chặn các nỗ lực của Nga, Iran, Trung Quốc hay bất kỳ tác nhân xấu nước ngoài nào khác nhằm can thiệp cuộc bầu cử”.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt với hai thực thể và 10 cá nhân, trong đó có Tổng biên tập RT Margarita Simonyan và cấp phó Elizaveta Brodskaia.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, bà Simonyan là “trung tâm trong các nỗ lực gây ảnh hưởng xấu của chính phủ Nga”, còn cấp phó Brodskaia là người “báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức chính phủ khác”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng cáo buộc đài RT đang muốn “bí mật phát tán thông điệp tuyên truyền của chính phủ Nga nhằm giảm ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine, củng cố lợi ích và các chính sách có lợi cho Nga, gây ảnh hưởng tới cử tri ở Mỹ cũng như những cuộc bầu cử nước ngoài”.
Hãng RT bác cáo buộc của giới chức Mỹ và gọi đó là những lời sáo rỗng cũ rích. “Có ba điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống: cái chết, thuế và ‘việc RT can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ’”, đài này viết một cách mỉa mai trên Telegram.
Phan Anh